Mineko Iwasaki: Nguyên mẫu phim "Hồi ức của một Geisha"
Mineko Iwasaki – Geisha nổi tiếng có thu nhập cao nhất Nhật Bản chính là hình tượng nguyên mẫu cho tác phẩm "Hồi ức của một Geisha".
Trở thành nguyên mẫu trong tiểu thuyết nổi tiếng "Hồi ức của một Geisha" viết bởi nhà văn Arthur Golden, xuất bản năm 1997 và bộ phim chuyển thể Hollywood cùng tên năm 2005, Mineko Iwasaki đã có một quá khứ huy hoàng khi trở thành Geisha nổi tiếng và có thu nhập cao nhất Nhật Bản, khoảng 500.000 USD/năm.
Tuy nhiên, bà đã giải nghệ rất sớm ở tuổi 29 khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Năm 2001, Mineko từng kiện nhà văn Golden vì nội dung cuốn tiểu thuyết đã bóp méo sự thật về Geisha và chính cuộc đời của bà. Để xoá bỏ những hiểu lầm về thế giới Geisha bí ẩn, năm 2002, bà xuất bản cuốn tự truyện“Geisha: Một cuộc đời”. Cùng Kilala tìm hiểu về huyền thoại Mineko Iwasaki và khai mở những sự thật chưa nhiều người biết đến về những nàng Geisha Nhật Bản!
Hành trình trở thành Geisha “trăm năm có một”
Mineko Iwasaki (岩崎峰子) sinh ngày 02/11/1949, tên khai sinh là Masako Tanaka (田中政子). Bà là con thứ 11 trong một gia đình không mấy khá giả. Cha bà xuất thân từ gia tộc quyền quý, nhưng vào thời kỳ Minh Trị Duy Tân, vì gia đình từ chối chuyển đến Tokyo nên đã bị tước tất cả danh hiệu lẫn đặc quyền. Lúc Mineko ra đời, cha mẹ bà gầy dựng được một cơ sở kinh doanh nhỏ nhưng vẫn không đủ chi tiêu cho gia đình đông con.
Vì vậy, họ
quyết định gửi Mineko và các chị gái của bà đến Okiya (quận Gion, Kyoto)
– nơi chuyên đào tạo Geisha. Thời bấy giờ, việc gửi con theo học để trở
thành Geisha là niềm vinh dự lớn lao của các bậc làm cha mẹ, vì con cái
có thể dựa vào tài nghệ múa hát của mình làm vui lòng khách, nhờ đó có
được sự độc lập về tài chính và tự nuôi sống được bản thân.
Chỉ mới 4 tuổi khi đến học tại Iwasaki Okiya nhưng tài năng và sự duyên dáng của bà đã lọt vào mắt xanh của nữ chủ nhân Madame Oima. Sau đó, Madame đã nhận Mineko làm con nuôi, lấy họ là Iwasaki. Năm 15 tuổi, Mineko trở thành Maiko (Geisha tập sự) và được chọn làm người thừa kế (Atotori) của Iwasaki Okiya.
Lúc này, bà cũng nhận được cái tên “Mineko” từ một thầy bói, và nghệ danh Mineko Iwasaki ra đời từ đây. Cùng với tài năng sẵn có và sự nghiêm túc luyện tập, bà trở thành Maiko nổi tiếng nhất Nhật Bản ở tuổi 16 và mang danh hiệu Geisha vào sinh nhật lần thứ 21 của mình.
Để trở thành một Geisha, Mineko đã luôn học tập chăm chỉ. Bản thân bà yêu việc nhảy múa hơn bất kỳ điều gì và sớm bộc lộ tài năng hiếm có. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, Mineko còn phải học thư pháp, cách chơi nhạc cụ truyền thống và nghệ thuật giao tiếp sao cho thuần thục nhất. Như tất cả các Geisha khác, bà cũng phải học lối cư xử đặc biệt, những quy tắc chăm sóc cơ thể dành riêng cho Geisha, cũng như phát triển thêm những thói quen mới.
Trong cuốn sách do chính mình chấp bút “Geisha: Một cuộc đời”, Mineko đã bật mí về những công việc hằng ngày bà phải làm trong quá trình huấn luyện Geisha: “Sau khi trở thành Maiko, cứ 5 ngày là tôi lại phải đến tiệm làm tóc một lần. Để giữ nguyên kiểu tóc, tôi ngủ trên một chiếc gối gỗ sơn mài hình chữ nhật. Lúc đầu, tôi thao thức mãi, nhưng sau dần quen với nó. Okiya có một mẹo để giữ cho các Maiko không bỏ gối ra lúc ngủ, đó là những người giúp việc sẽ rắc cám gạo xung quanh gối. Nếu một Maiko bỏ gối ra, những mẩu cám sẽ dính như keo vào tóc, và sáng hôm sau, cô sẽ chẳng vui vẻ gì khi phải quay lại tiệm làm tóc lần nữa. Sau khi làm tóc xong, tôi phải đi cạo mặt, đây là một thói quen của phụ nữ Nhật Bản. Vào ngày sinh nhật 1 tuổi, tôi đã được bố cắt tóc và cạo mặt lần đầu tiên."
Chữ tài liền với chữ tai
Mineko chính là ví dụ điển hình của tài không đợi tuổi. Khi mới 15 và vẫn còn là Maiko (Geisha tập sự), bà đã được nhiều vị khách nổi tiếng đặt cuộc hẹn, nhanh chóng trở thành gương mặt đại diện của Iwasaki Okiya. Bà là một vũ công tuyệt vời và rất giỏi trong việc chuyện trò làm vui lòng khách. Danh tiếng về nàng "Geisha trăm năm có một" bắt đầu lan truyền trên khắp Nhật Bản, nhưng cũng từ đây, sóng gió nổi lên.
Mineko trở thành đối tượng bị các Geisha khác ganh ghét và thậm chí còn bị tấn công trên đường phố. Với những vị khách nam bà khước từ gặp mặt, họ cũng tung ra những lời đàm tiếu không hay về Mineko. Để xoa dịu và cải thiện mối quan hệ, bà đã đưa các Geisha khác theo cùng mình đến những bữa tiệc chiêu đãi để giúp họ cũng kiếm được tiền như bà. Tuy nhiên, mọi chuyện chẳng khá hơn vì họ vẫn rất ganh tị với Mineko.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6/2010 với tờ The Phoenix, Mineko đã giải thích nguyên nhân mình trở thành đối tượng bị ghét bởi các Geisha: “Lý do cơ bản vì tôi là người thành công nhất trong các Geisha. Hệ thống xếp hạng Geisha rất rõ ràng nên vị trí người đứng đầu luôn được công bố. Tất cả Geisha đều luyện tập rất chăm chỉ và tôi là người đã vươn lên dẫn đầu.
Do đó, ngay cả với những Geisha tôi xem như bạn bè, vẫn luôn có những lời dè bỉu và đàm tiếu. Mọi người luôn cạnh tranh nhau”. Khi nhắc đến việc vì sao các Geisha lại cạnh tranh gay gắt như vậy, Mineko giải thích: “Tôi nghĩ đó là vì niềm tự hào bên trong mỗi Geisha. Chúng tôi được xếp hạng công khai, mọi người đều biết ai đang kiếm được nhiều tiền nhất và được khách hàng săn đón nhất. Ai cũng muốn leo lên vị trí cao hơn. Đó là bản chất của con người, nhất là ở lứa tuổi mới lớn vô cùng nhạy cảm”.
Từng gặp gỡ với những nhân vật tầm cỡ
Trong cuốn tự truyện “Geisha: Một cuộc đời”, Mineko kể lại một số cuộc gặp gỡ đặc biệt với những người nổi tiếng. Bà đã nhận được những ánh nhìn và cách đối đãi khác nhau, từ thành kiến nặng nề đến ngưỡng mộ và ưu ái, nhưng Mineko luôn biết cách đối ứng, bởi một trong những kỹ năng quan trọng đối với Geisha là khả năng ứng phó với các tình huống khó khăn.
Mineko từng có cuộc diện kiến với Thái tử Charles, và ông đã ngỏ lời muốn bà tặng cho mình chiếc quạt đang cầm trên tay. Khi nhận quạt, ông không hỏi ý kiến bà mà ký tên lên đó và đưa lại cho Mineko, đây cũng là chiếc quạt mà bà yêu thích nhất. Mineko không quan tâm ông ở địa vị nào và cho rằng những gì Charles làm thật sự không phù hợp, nên bà cố gắng trả lại quạt cho Thái tử. Ông cảm thấy xấu hổ vì việc mình vừa làm và đã không nhận lại chiếc quạt ấy. Sau cùng, Mineko quả quyết vứt nó đi.
Mineko cũng từng gặp gỡ với vợ chồng nữ hoàng Elizabeth. Cuộc gặp không mấy tốt đẹp, dẫn đến cái kết “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi vợ chồng nữ hoàng cãi vã sau đó. Nữ hoàng đã không hề thưởng thức món ăn được chuẩn bị riêng cho bà dù trước đó thực đơn đã được duyệt qua. Mineko muốn gửi đến Nữ hoàng một “bài học” về việc không trân trọng thức ăn nên cố tình "ngó lơ" Nữ hoàng và đến trò chuyện với chồng bà.
Một lần khác, Mineko gặp gỡ với nhà thiết kế thời trang người Ý – Aldo Gucci. Ông đã vô tình làm đổ nước tương lên bộ Kimono đắt tiền của Mineko. Để làm cho không khí bớt gượng gạo sau sự cố, bà đã ngỏ lời mời Gucci ký lên bộ Kimono và tỏ ý rất vinh dự khi nhận được chữ ký của ông. Thực tế, bà không quan tâm nhiều đến chữ ký và chỉ nghĩ rằng mình chẳng bao giờ còn có thể mặc nó thêm lần nữa. Mineko thậm chí còn có ý định tặng lại bộ Kimono cho ông vào một lúc nào đó, nhưng cơ hội này chẳng bao giờ đến.
Từ giã khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao
Với tài năng thiên bẩm và được mệnh danh là Geisha trăm năm có một, Mineko trở thành Geisha có thu nhập cao nhất Nhật Bản, khoảng 500.000 USD/năm. Nhưng vào năm 29 tuổi, giữa lúc sự nghiệp đang thăng hoa, bà đã kết thúc nghề Geisha mà mình theo đuổi từ năm 4 tuổi.
“Tôi bắt đầu học trở thành Geisha từ khi còn rất nhỏ và có một cuộc sống viên mãn nhờ vào nghề. Nhưng bản thân tôi lại chưa bao giờ cảm thấy đó là toàn bộ số phận của mình. Tôi nghĩ có những công việc khác ngoài kia dành cho mình và muốn thử thách nhiều điều mới. Nếu vẫn còn là Geisha, tôi đã không nhận ra nhiều thứ khác trong cuộc sống của mình gồm cả hôn nhân, con cái và các dự án nghệ thuật. Tôi giải nghệ khi cảm thấy một giai đoạn của cuộc đời mình đã đến hồi kết thúc và cần bước sang một trang tiếp theo", bà chia sẻ với tờ The Phoenix khi được hỏi về lý do giải nghệ ở tuổi 29.
Bên cạnh đó, do khối lượng công việc quá lớn làm sức khoẻ của bà bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là thận. Mineko phải bắt đầu làm việc từ lúc 7h30 sáng và kết thúc khi đã quá 12h đêm. Thời gian còn lại, bà dành cho việc chăm sóc bản thân, chuẩn bị cho các sự kiện và học tập thêm, như vậy mỗi ngày bà chỉ có 3 tiếng để ngủ. Việc ngừng làm Geisha là quyết định tự cứu lấy bản thân của bà.
Đặc biệt, vào năm 1980, sau sự ra đi của một trong những người cố vấn quan trọng nhất với Mineko, bà vô cùng thất vọng về những ràng buộc truyền thống của cộng đồng Geisha, nhất là những bất cập trong hệ thống giảng dạy. Với quyết định giải nghệ ở tuổi 29, bà hy vọng rằng hành động bất ngờ của mình có thể tạo cú sốc cho cộng đồng Geisha tại khu Gion. Nhưng ngay cả khi có hơn 70 Geisha cao cấp khác theo cô giải nghệ sớm, mọi thứ vẫn không thay đổi. Trong cuốn tự truyện của mình, bà đưa ra suy đoán rằng nghề có thể bị biến mất nếu không thích ứng được với hoàn cảnh xã hội và kinh tế đang thay đổi.
Hôn nhân viên mãn với hoạ sĩ Jinichiro Sato
Trước khi kết hôn, vào năm 21 tuổi, Mineko từng trải qua mối tình với nam diễn viên Shintaro Katsu gấp đôi tuổi bà. Một thời gian dài, Mineko tìm cách từ chối tình cảm từ Shintaro nhưng rồi cũng đã phải lòng ông. Cả hai có rất ít cơ hội gặp nhau và thường là hẹn hò bí mật. Nam diễn viên từng hứa hẹn ly hôn với vợ để về bên bà nhưng đã không giữ lời.
Sau khi giải nghệ ở tuổi 29, Mineko gặp được định mệnh của đời mình – hoạ sĩ, nhà phục chế Jinchiro Sato. Một năm sau đó, vào năm 1982, cả hai đã có một đám cưới ngọt ngào. Năm 1983, Mineko sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Kosuke. Đặc biệt, sau khi kết hôn, người chồng đã quyết định theo họ vợ. Hiện tại, gia đình ba người đang sống ở ngoại ô Kyoto và cùng nhau tham gia các dự án nghệ thuật. Mineko vừa vẽ, vừa phục chế các tác phẩm cùng chồng.
Bà chia sẻ: “Hiện tại cuộc sống của tôi vô cùng yên bình, tươi sáng và mãn nguyện. Xung quanh tôi có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp và những người tài năng. Tôi có một người chồng giỏi giang, chúng tôi sở hữu một ngôi nhà truyền thống rất xinh xắn với khu vườn kiểu Nhật. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại".
Mineko từng hy vọng con gái mình dành sự quan tâm đến việc trở thành Geisha. Nhưng khi được hỏi, cô bé thẳng thắn trả lời rằng không muốn và cũng không thể biểu diễn đẹp được như các Geisha trên sân khấu. Bà nói thêm rằng cô cũng yêu thích việc nhảy múa nhưng nhút nhát và có tính cách rất hướng nội.
Vụ kiện nhà văn Arthur Golden gây xôn xao dư luận
Arthur Golden sinh ngày 06/06/1956, tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật Nhật Bản tại Đại học Harvard, nhận bằng thạc sĩ về lịch sử Nhật Bản tại Đại học Columbia vào năm 1980. Ông từng có khoảng thời gian sinh sống và làm việc tại Tokyo. Năm 1992, Arthur Golden đã có cuộc gặp gỡ với Mineko Iwasaki và lấy bà làm hình mẫu chính trong tác phẩm "Hồi ức của một Geisha".
Trước đó, vào đầu những năm 1990, Arthur bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết về chủ đề Geisha mà ông chưa có kiến thức nền tảng, cũng như chưa nghiên cứu gì về nó. Khi tiến hành đi sâu tìm hiểu thế giới bí ẩn của Geisha, ông được các khách hàng cũ của Mineko là Akio Morita – cựu Chủ tịch của Sony Corporation và Koichi Tsykamoto – Chủ tịch công ty đồ lót nữ Wacoal giới thiệu về nàng Geisha nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Dù khá bất ngờ trước lời đề nghị phỏng vấn của Arthur, nhưng vì được giới thiệu bởi các khách hàng quen, Mineko đã đồng ý bật mí về quãng thời gian bà học tập và trở thành một Geisha. Bà đã mời Arthur đến nhà mình ở Kyoto trong 2 tuần, theo tờ New York Times đưa tin vào ngày 19/06/2001. Thoả thuận giữa hai bên là ông phải giữ bí mật danh tính của bà và người thân. Bất chấp lời hứa, Arthur đã ghi lời cảm ơn trong cuốn “Hồi ức của một Geisha” phiên bản tiếng Anh rằng ông nợ một cá nhân hơn tất cả những người khác, đó là Mineko Iwasaki.
Không dừng lại ở việc tiết lộ thông tin về Mineko Iwasaki, Arthur còn pha trộn giữa ảo và thực, lấy câu chuyện của bà đem “xào” thành một câu chuyện đầy bi kịch khác. Cuốn tiểu thuyết kể về một cô gái trẻ tên Sayuri bị bán vào thế giới Geisha, vượt qua đối thủ và trở thành nàng Geisha nổi tiếng nhất Kyoto, lấy bối cảnh xung quanh cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn tiểu thuyết bẻ cong sự thật và thêm thắt nhiều phần làm hình ảnh kỹ nghệ của Geisha không khác gì so với “gái bán hoa”.
Mineko khẳng định 90% nội dung cuốn tiểu thuyết dựa vào cuộc đời bà, nhưng Arthur lại khăng khăng rằng cuốn sách được tổng hợp từ nhiều Geisha khác mà ông từng phỏng vấn. Điều xúc phạm nhất chính là tác giả đã nhắc đến nghi thức trưởng thành từ Maiko trở thành Geisha - Mizuage như việc Geisha bán “trinh tiết” của mình với mức giá cao ngất 720.000 đô la cho người bảo trợ giàu có.
Vì cuốn sách vén bức màn bí mật về thế giới Geisha, vốn vẫn còn là điều xa lạ với các nền văn hoá khác, nên thu về thành công vang dội với 4 triệu bản tiếng Anh được bán ra và được dịch sang 32 thứ tiếng. Sau khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1997, Mineko đã nhận nhiều lời chỉ trích lẫn đe dọa vì vi phạm quy tắc bất thành văn là phải giữ bí mật về thế giới Geisha. Mặt khác, nội dung cuốn sách hoàn toàn làm sai lệch nét văn hoá truyền thống đã tạo nên sự lo lắng, lẫn phẫn nộ cho cộng đồng Geisha tại Gion, Kyoto.
Năm 2001, cảm thấy bị phản bội, bà đã đâm đơn kiện nhà văn Arthur và cả nhà xuất bản Alfred A.Knopf lên toà án Manhattan, Mỹ vì vi phạm thỏa thuận giữ kín bí mật và bôi nhọ thanh danh của mình, đồng thời yêu cầu bồi thường một tỷ lệ nhất định trong tổng 10 triệu đô la doanh thu bán sách. Năm 2003, việc hoà giải đã được tiến hành và phần thắng thuộc về Mineko.
Ra mắt cuốn tự truyện để đòi lại công lý
Năm 2002, Mineko xuất bản cuốn tự truyện mang tên “Geisha: Một cuộc đời”, đồng tác giả với Rande Brown. Cuốn sách có tựa đề "Geisha: A Life" ở Mỹ và "Geisha of Gion" tại nước Anh. Khi chia sẻ về việc viết cuốn sách này, bà đưa hai lý do chính: “Tôi tin rằng có rất nhiều hiểu lầm về ý nghĩa của Geisha ở cả Nhật Bản và phương Tây, vì vậy tôi rất vinh dự nếu có thể làm gì đó để xoá bỏ điều này.
Một lý do khác là kể từ khi từ giã nghề Geisha cách đây 30 năm, tôi vẫn rất quan tâm tới việc cải tổ hệ thống Geisha lỗi thời vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản và muốn cải thiện cuộc sống của những người phụ nữ nơi đây. Hệ thống Geisha thực chất là đem lại sự độc lập, tự chủ về tài chính cho phụ nữ, nó giúp phụ nữ khẳng định tên tuổi trong xã hội Nhật – nơi mà họ có rất ít cơ hội thể hiện mình. Nhưng trong thời đại ngày này, hệ thống dường như không thể tiến lên phía trước".
Nhắc đến sai lầm phổ biến về Geisha, Mineko chia sẻ, nhiều người vẫn cho rằng Geisha là gái làng chơi cao cấp. Nhưng thực tế, họ là một trong những nhóm phụ nữ thành công nhất về mặt tài chính và tình cảm ở Nhật nhờ kỹ nghệ của mình.
Mineko phân tích: "Thứ nhất, trong lịch sử Nhật Bản, có những khu mua vui (hay còn gọi là comfort zone) được cấp phép hoạt động, nơi đó phụ nữ trở thành gái điếm phục vụ cho quân lính. Họ thậm chí không được phép rời khỏi đó. Còn chúng tôi – các Geisha được tự do ra vào Quận Gion. Mục đích của chúng tôi là cung cấp dịch vụ giải trí và không bao giờ bán mình. Sau đó, vào năm 1873, các khu mua vui bị cấm hoạt động và giải tán, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại ngoài vòng pháp luật.
Do đó, ngày càng có nhiều nhẫm lẫn giữa Geisha với các cô gái làng chơi này. Tại các khu mua vui đã có một số vụ mua bán trinh tiết diễn ra liên quan đến nghi lễ Mizuage. Nhưng thực tế, Mizuage chỉ đơn giản là việc trưởng thành từ Maiko lên Geisha. Khi đó, các Geisha thay đổi kiểu tóc cho nữ tính và trưởng thành hơn. Thêm vào đó, khi trở thành Maiko hay Geisha, chúng tôi phải thay toàn bộ Kimono, kiểu tóc và trang sức. Chúng đều rất đắt tiền.
Với tư cách là người thừa kế Atotori, tôi không phải lo lắng nhiều về các chi phí này. Nhưng nếu một số cô gái khác không có đủ điều kiện, đôi khi họ nhờ vả khách hàng quen trả giúp chi phí và gây ra hiểu lầm rằng Geisha là "gái bán hoa". Thứ hai, thế giới của Geisha được giấu kín và tách biệt tạo nên một xã hội riêng, dẫn đến việc mọi người có nhiều hướng suy nghĩ khác nhau về nó".
Xem thêm: Geisha và Maiko, biểu tượng nữ tính truyền thống của Nhật Bản
kilala.vn
25/06/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận