Nhật Bản từng chiêu mộ 50 ngàn “thiếu nữ mua vui” sau Thế chiến II

    Trong lịch sử, đã có thời kỳ Nhật Bản chiêu mộ khoảng 50.000 cô gái để giúp quân đội Nhật giải khuây, nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu nạn cưỡng hiếp bởi lính Nhật trong nỗ lực ngăn hình ảnh về nước Nhật xấu đi, đồng thời tránh được việc lộ thông tin cơ mật ra bên ngoài.

    Sau khi Thế chiến II (1939-1945) kết thúc, phe phát xít (Đức, Italia, Nhật Bản) sụp đổ hoàn toàn. Thắng lợi thuộc về phe đồng minh (Anh, Liên Xô, Mỹ). Nhật Bản gánh chịu hậu quả tàn khốc sau chiến tranh và bước vào cuộc cải cách toàn diện từ kinh tế, chính trị đến giáo dục. Trong khoảng thời gian này, lính Mỹ bắt đầu sang chiếm đóng tại Nhật,  Nhật Bản đã chiêu mộ 50 ngàn “thiếu nữ mua vui” làm việc tại các “trạm tiện nghi”.

    Bối cảnh diễn ra sự kiện

    Giai đoạn lịch sử “Nhật Bản sau Thế giới II” (二戦後日本 – Nisengo Nihon) là khoảng thời gian Nhật Bản chịu sự chiếm đóng của Mỹ, diễn ra từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 4 năm 1952. Sau các cuộc xâm lược, không kích, chiến tranh hạt nhân, Nhật Bản kiệt quệ về người và của: mất hết thuộc địa, nạn đói, thất nghiệp, lạm phát, nhiều thành phố bị tàn phá,. Phe chiến thắng đứng đầu là Mỹ đã bắt đầu đem quân sang chiếm đóng Nhật Bản và “bảo hộ” Nhật Bản về mặt quân sự. Nhật cũng đã dựa vào viện trợ kinh tế của Mỹ qua hình thức vay nợ để thực hiện cải cách sâu rộng, phục hồi lại kinh tế, chính trị, giáo dục của đất nước.

    Nhật Bản từng chiêu mộ 50 ngàn thiếu nữ mua vui sau Thế chiến II
    Người dân Nhật đang tìm kiếm thức ăn từ thùng rác thời hậu Chiến tranh Thế giới II. Ảnh: people.com.cn

    Diễn biến của sự kiện

    Trước và trong Chiến tranh Thế giới II, mô hình “comfort zone” – trạm tiện nghi và “comfort women” – thiếu nữ mua vui đã được quân đội Nhật Bản triển khai. Cụm từ “comfort women” trong tiếng Nhật là "慰安婦 – Ianfu", có nghĩa đen là "thiếu nữ giải khuây", ý chỉ những người phụ nữ được sử dụng để mua vui cho đàn ông.

    Theo trang BBC, con số ước tính số lượng thiếu nữ mua vui được chiêu mộ để phục vụ cho lính Nhật là từ 200.000 đến 300.000 người đến từ nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phillipines,.

    Hình ảnh “comfort women – thiếu nữ mua vui” trong Thế chiến II. Ảnh: e-international relations.

    Mục đích thiết lập các “trạm mua vui” của quân đội Nhật thời bấy giờ được nhiều chuyên gia như Carmen Argibay – Một cựu thành viên của Tòa án Tư pháp Tối cao Argentina và nhà sử học Yoshiaki Yoshimi phân tích rằng: hình thức này nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu nạn cưỡng hiếp bởi lính Nhật trong nỗ lực ngăn hình ảnh về nước Nhật xấu đi, giảm các bệnh liên quan đến tình dục trong quân đội Nhật Bản và tránh việc những tin tức bảo mật trong quân đội bị rò rỉ bởi những người dân thường có mối quan hệ với lính Nhật,. Ngoài ra, chính phủ Nhật cũng muốn giảm thiểu chi phí y tế trong điều trị các bệnh tình dục do tình trạng cưỡng hiếp tràn lan làm ảnh hưởng năng lực quân sự Nhật, còn có thể làm hài lòng những quân lính phẫn nộ trong Chiến tranh Thế giới II và tránh việc họ đào ngũ.

    Theo tờ The Associated Press đưa tin, sự kiện 50.000 “thiếu nữ mua vui” được quân đội Nhật chiêu mô cho lính Mỹ sau Chiến tranh Thế giới II khi Mỹ đem quân sang chiếm đóng Nhật Bản là chương tiếp theo ít được tiết lộ của mô hình comfort zone trước đó. Dưới sự đồng thuận ngầm từ quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật, quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ đã tiếp tục thiết lập các trạm mua vui này. Tờ The Associated Press cũng tiết lộ thêm chính quyền Mỹ đã cho phép trạm mua vui này hoạt động bất chấp các báo cáo nội bộ rằng những thiếu nữ mua vui này không hề tự nguyện tham gia và cũng biết sự “tàn khốc” của mô hình này trước đó.

    comfort women
    Hải quân Mỹ tập hợp trước Nhà Yasu-ura – Trạm tiện nghi tại Yokosuka, phía Nam Nhật. Ảnh: nbcnews

    Theo tài liệu lưu trữ lịch sử của Sở Cảnh sát tỉnh Ibaraki vào ngày 18 tháng 8 năm 1945, trước khi lực lượng Mỹ đem quân sang chiếm đóng Nhật Bản, đồn cảnh sát Nhật Bản đã từng thành lập “trạm mua vui”. Trong chia sẻ về sự kiện lịch sử này với Tờ Associated Press, Sở Cảnh sát Tỉnh Ibaraki ghi lại: “Thật buồn khi cảnh sát chúng tôi phải thiết lập các trạm mua vui này cho quân chiếm đóng. Chiến lược này là thông qua những người phụ nữ có kinh nghiệm đặc biệt để tạo “màn chắn” bảo vệ những người phụ nữ và bé gái chưa đủ tuổi khỏi bị lạm dụng. Ngay lập tức, sở cảnh sát thay đổi ký túc xá cảnh sát thành trạm tiện nghi, đặt vào đó những chiếc giường do hải quân cung cấp.

    Vào ngày 20 tháng 9 năm 1945, “Hiệp hội cơ sở vật chất tiện nghi đặc biệt” do Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo đã phát đi quảng cáo trên các tờ báo và tạp chí lớn với nội dung “Các câu lạc bộ nước ngoài hiện đang tuyển một số lượng lớn nhân viên phục vụ nữ, được bao ăn ở, quần áo miễn phí, chế độ ưu đãi, giới hạn độ tuổi từ 18-25 và giới tính Nữ”. khiến người dân Nhật Bản rất bất ngờ trước tin tuyển dụng đặc biệt này. Vì trong bối cảnh hiện tại, nhiều phụ nữ Nhật Bản đang phải vật lộn để tồn tại, nên công việc này trở thành cứu cánh của họ. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 20 người đã được tuyển dụng.

    Vào ngày 28 tháng 8 năm 1945, trong trạng thái hoang mang và lo lắng của người dân Nhật, đội tiên phong lực lượng chiếm đóng của Mỹ đã đến Atsugi, phía Nam Tokyo và được chào đón bằng trạm tiện nghi đầu tiên do Hiệp hội giải trí thiết lập. Dịch vụ này đã làm “say đắm” những người lính Mỹ sau khi trải qua sự khốc liệt của chiến tranh Thế giới II. Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1972 của Naruya – người phụ trách quan hệ công chúng tại Hiệp hội Giải trí viết: “Mỗi đêm, khi mặt trời vừa lặn, tôi vội vã đến trạm tiện nghi và ngạc nhiên khi thấy năm hoặc sáu trăm lính Mỹ xếp thành hàng dài trên phố háo hức chờ đợi để trải nghiệm trạm tiện nghi trong khi đáng lẽ họ ở đây để duy trì trật tự. Theo quy định, lính Mỹ cần thanh toán trước khi vào cửa, tiếp theo, họ sẽ được lấy vé và bao cao su. Trạm tiện nghi đầu tiên mở cửa với số lượng comfort women – thiếu nữ mua vui là 38 người. Nhưng vì số lượng lính Mỹ mong muốn trải nghiệm trạm tiện nghi rất đông, nên con số comfort women đã tăng lên 100 người. Mỗi thiếu nữ mua vui phải tiếp đón từ 15 đến 60 khách mỗi ngày. Nhiệm vụ gian khổ này khiến những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều áp lực về mặt thể xác và tinh thần.

    comfort women
    Hình ảnh cổng vào của trạm tiện nghi tại Nhật Bản. Ảnh: sinonk

    Mô hình này được duy trì đến ngày 26 tháng 3 năm 1946. Bởi có hàng loạt lời lên án từ các tuyên úy quân đội – giáo sĩ hỗ trợ mục vụ và tinh thần cho các binh sĩ trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại khu vực đóng quân, cũng như trong bản ghi nhớ từ Trung tá Hugh McDonald thuộc Bộ phận Y tế và Phúc lợi công cộng của Tổng hành dinh khu vực chiếm đóng đã chỉ rõ cho lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ rằng những comfort women Nhật Bản thường xuyên bị “lạm dụng”. Nhà sử học Toshiyuki Tanaka tại Viện vì hòa bình Hiroshima cho biết có hơn 1/4 quân lính Mỹ chiếm đóng tại Nhật đã mắc phải các bệnh liên quan đến tình dục. Do đó, ngày 25 tháng 3 năm 1946, Tướng MacArthur đã ra quyết định chấm dứt mô hình comfort zone bởi những lên án gay gắt trên, cũng như lo lắng việc mô hình này bị tiết lộ sẽ làm cho lực lượng Hoa Kỳ chiếm đóng tại Nhật gặp nhiều lúng túng.

    Vào năm 1993, chính quyền Nhật Bản lúc bấy giờ đã lên tiếng xin lỗi và tiến hành việc bồi thường cho các “comfort women”. Tuy nhiên, đến hiện tại, vấn đề này vẫn đang là chủ đề tranh cãi không hồi kết giữa Nhật Bản với các nước có liên quan, đặc biệt là Hàn Quốc.

    kilala.vn

    05/03/2021

    Bài: Ngọc Oanh
    Nguồn: nbcnews, en.wikipedia.org, e-ir.info

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!