Liệu manga Nhật sẽ bị truyện tranh Hàn bỏ lại phía sau?

    Tự hào là gã khổng lồ trong ngành công nghiệp truyện tranh, giờ đây manga Nhật đang đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế của mình khi “anh bạn hàng xóm” xứ kim chi không ngừng phả ra sức nóng với webtoon.

    Dòng truyện tranh trực tuyến đến từ Hàn Quốc được truyền thông cho rằng nhiều khả năng sẽ dần che lấp sự hiện diện của manga Nhật trên thế giới. Liệu rằng một ngày nào đó manga Nhật Bản sẽ bị truyện tranh Hàn Quốc bỏ lại phía sau?

    Manga, manhwa, webtoon là gì?

    “Manga - 漫画” là từ tiếng Nhật để chỉ các loại truyện tranh và tranh biếm họa. Ra đời từ thế kỷ 18, manga Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia và sản phẩm giải trí nổi tiếng trên toàn cầu. Ngày nay, khi nhắc đến manga, người ta thường nghĩ ngay đến phong cách truyện tranh đặc trưng của xứ Phù Tang.

    manga Nhật manhwa
    Tác phẩm manga (trái) và manhwa (phải). Ảnh: barnesandnoble.com, redital.com

    “Manhwa” là từ dùng để gọi các tác phẩm truyện tranh đến từ Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng lớn từ manga Nhật Bản. Tuy nhiên, theo thời gian, manhwa có những hướng phát triển riêng biệt, từng bước khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế.

    Trong đó, webtoon – dòng truyện tranh phát hành trực tuyến với phong cách đọc theo chiều dọc của xứ sở kim chi ngày càng phổ biến và được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, nơi có ngành công nghiệp truyện tranh nổi tiếng thế giới.

    webtoon
    Webtoon - truyện tranh phát hành trực tuyến của Hàn Quốc.

    Manga chững lại, webtoon chuyển mình, đến người Nhật cũng nghiện

    Theo báo cáo năm 2021 từ KOCCA – Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc, vào năm 2017 doanh thu webtoon Hàn chỉ dừng lại ở mức dưới 300 triệu USD tại thị trường nội địa, nhưng đến năm 2020 con số này đã tăng lên 800 triệu USD.

    Không dừng lại trong nước, các công ty webtoon Hàn Quốc cũng đạt được một số thành công nhất định ở nước ngoài trong những năm gần đây, sau một thập kỷ bắt đầu kinh doanh toàn cầu.

    Ra mắt dịch vụ tiếng Anh lần đầu vào tháng 7/2014, Naver Webtoon – một trong những công ty dẫn đầu lĩnh vực truyện tranh trực tuyến tại Hàn Quốc đã ghi nhận 82 triệu người dùng toàn cầu với 2.300 tác phẩm phát hành trên thế giới trong năm 2020.

    naver webtoon
    Naver Webtoon - nền tảng truyện tranh trực tuyến số 1 Hàn Quốc. Ảnh: jangjihoo.com

    Trong năm 2022, Kakao Entertainment đã ra mắt dịch vụ webtoon tại Pháp và hướng tới việc thâm nhập vào các quốc gia châu Âu khác. Trước đó, vào năm 2016, công ty đã cho ra mắt Kakao Piccoma – dịch vụ webtoon trực tuyến dành riêng cho Nhật Bản và xem quốc gia này là thị trường ưu tiên số 1.

    Kakao nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với 8.500 tác phẩm trên toàn tập đoàn, trong đó khoảng 1.100 đầu sách có sẵn trên nền tảng của Piccoma. Cùng với các webtoon được sản xuất nội bộ, ứng dụng này còn lưu trữ khoảng 70.000 đầu sách thuộc quyền sở hữu của các nhà xuất bản Nhật, tạo nên một danh mục vô cùng đa dạng.

    Và đúng như định hướng ban đầu, webtoon xứ Hàn thực sự đã làm nên chuyện ngay trên “sân nhà” của manga Nhật Bản. Khi vừa ra mắt, Kakao Piccoma được xếp hạng là ứng dụng webtoon có lượt tải xuống nhiều thứ hai. Năm 2019, nền tảng này tạo ra doanh thu lớn nhất trong số các ứng dụng dành cho smartphone ở Nhật Bản với 37,6 tỷ yên.

    Theo dữ liệu từ App Annie, Piccoma là ứng dụng di động (không tính các ứng dụng game) có doanh thu cao thứ 6 toàn cầu trong năm 2021. Top 10 của bảng xếp hạng đều là những cái tên quen thuộc, có hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới như Youtube, Tinder, Tiktok, Disney+, Netflix. trong khi Piccoma chỉ hoạt động ở Nhật Bản.

    Điều này cho thấy, mức chi tiêu và sự quan tâm mà người Nhật dành cho truyện tranh trực tuyến nói chung và webtoon Hàn Quốc nói riêng là lớn tới mức nào.

    kakao piccoma
    Kakao Piccoma - dịch vụ webtoon trực tuyến dành riêng cho Nhật Bản. Ảnh: tokusengai.com

    Hiện nay, Webtoon xứ Hàn đã có cho mình vị thế riêng với giá trị toàn cầu được định giá là 3,7 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 56 tỷ USD vào năm 2030, nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện nay.

    Trái ngược với sự bứt tốc của webtoon trên đường đua, ngành công nghiệp manga đất nước Mặt trời mọc đang cho thấy dấu hiệu đuối sức sau khoảng thời gian dài chiếm lĩnh thị trường truyện tranh thế giới. Số liệu năm 2021 cho thấy manga Nhật Bản sụt giảm doanh thu đáng kể khi chỉ mang về 265 tỷ yên (1,9 tỷ USD), giảm 2,3% so với năm đại dịch 2020.

    [subscribe]

    Đằng sau sự bứt phá của webtoon

    Tối ưu hóa theo chiều dọc

    Khác với truyện tranh Nhật Bản chỉ được phát hành dưới dạng bản giấy và quảng bá trực tuyến trên các ứng dụng, webtoon Hàn ngay từ đầu được tạo ra nhằm phục vụ cho mục đích sử dụng trên các thiết bị kỹ thuật số với định dạng được tối ưu hóa cho máy tính cá nhân hoặc điện thoại thông minh.

    webtoon tối ưu hóa theo chiều dọc
    Webtoon sống động với đủ sắc màu và đặc trưng "đọc theo chiều dọc".

    Trái ngược với manga đen trắng truyền thống và đọc theo chiều ngang, webtoon đa dạng màu sắc, có thể lướt đọc theo chiều dọc. Chính sự đổi mới phù hợp với công nghệ số là chìa khóa giúp truyện tranh trực tuyến xứ Hàn chinh phục giới trẻ thế giới.

    Bản địa hóa trong dịch thuật

    Sự đặc biệt của webtoon Hàn không chỉ ở hình thức tối ưu với trải nghiệm người dùng mà còn ở khâu dịch thuật. Các bản dịch webtoon tại từng khu vực không chỉ dừng ở mức độ truyền tải nội dung câu chuyện mà còn được bản địa hóa vô cùng tỉ mỉ.

    Nói về vai trò quan trọng của việc bản địa hóa trong dịch thuật, hãy lấy ví dụ về bộ phim truyền hình Hàn Quốc hot hit nửa đầu năm 2022 “Business Proposal” (Hẹn hò chốn công sở), cũng là một tác phẩm chuyển thể từ webtoon Hàn. 

    Có thể nói việc chuyển ngữ lời thoại trong phim đã được đội ngũ dịch thuật của Netflix làm rất tốt, chính việc bản địa hóa như ở ví dụ dưới đây đã khiến người xem thích thú, bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội, góp phần làm tăng độ "viral" của tác phẩm.

    bản địa hóa trong dịch thuật
    Trong tập 4 của bộ phim “Business Proposal”, lời thoại gốc vốn sử dụng cách chơi chữ của người Hàn đã được biên dịch Việt hóa vô cùng thú vị và quen thuộc với người Việt.

    Bản địa hóa cũng chính là chiến lược mấu chốt của Kakao Entertainment trong tham vọng phủ sóng webtoon tại thị trường Nhật bởi độc giả Nhật thường phản ứng mạnh đối với truyện tranh từ nước ngoài.

    Theo đó, từ tiêu đề đến các danh từ riêng như tên nhân vật, địa danh. đều được bản địa hóa một cách mượt mà, bên cạnh đó là việc sử dụng từ tượng thanh, từ ngữ lịch sự, các yếu tôn giáo và văn hóa khác cũng được cân nhắc kỹ lưỡng trong khâu dịch thuật.

    Chẳng hạn, webtoon đình đám "Itaewon Class” khi “nhập cảnh” vào xứ sở hoa anh đào, đã được “Nhật hóa” thành “Roppongi Class” – theo tên gọi của khu vực giải trí nổi tiếng ở Tokyo.

    Sự phát triển của làn sóng văn hóa Hàn Quốc

    Từng có một thời, phim ảnh, âm nhạc, anime, manga xứ sở hoa anh đào xâm chiếm châu Á và lan tỏa ra thế giới. Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều thập niên trước. Giờ đây, tâm điểm của văn hóa đại chúng châu Á đã chuyển dịch sang Hàn Quốc.

    Trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, văn hóa đại chúng Hàn Quốc có bước chuyển mình mạnh mẽ, ngày càng được công chúng quốc tế quan tâm và yêu thích.

    bae suzy và naver series
    Nữ diễn viên Bae Suzy trong một chiến dịch quảng cáo cho Naver. Ảnh: kpopmap.com

    Từ chỗ đi sau học hỏi, nền giải trí Hàn Quốc đã vươn mình trở thành một thế lực đáng gờm của châu Á. Có lẽ cũng chẳng ngoa khi nói rằng, người Hàn là bậc thầy về quảng bá thương hiệu. Tạm không bàn đến chất lượng, thì phải thừa nhận rằng độ phủ sóng của các sản phẩm văn hóa đại chúng xứ kim chi là khủng khiếp tới mức độ nào.

    Giai đoạn 2020-2023 chứng kiến hàng loạt bộ phim truyền hình Hàn Quốc “làm mưa làm gió” trên nền tảng Netflix toàn cầu. Phần lớn số đó là những tác phẩm được chuyển thể từ các webtoon, có thể kể đến như “Itaewon Class”, “Hellbound”, “All of Us Are Dead”, “Business Proposal”. Sự nổi tiếng của những bộ phim kể trên đã góp phần thúc đẩy nhiều người tìm đọc webtoon gốc và ngày càng quen thuộc với thể loại truyện tranh trực tuyến xứ Hàn.

    phim hàn chuyển thể từ webtoon
    Chuyển thể thành phim giúp webtoon được nhiều người biết đến. Ảnh: garotasgeeks.com,  kpopmap.com, hiburan.dreamers.id, koreajoongangdaily.joins.com

    Truyện tranh Hàn có thật sự vượt mặt manga Nhật?

    Chúng ta không thể phủ nhận rằng webtoon hiện trên đà phát triển và vô cùng triển vọng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, điều khiến webtoon tạo nên sức hút như hiện lại là ở định dạng tối ưu hóa theo chiều dọc. Trong tương lai, đây có thể không còn là ưu thế của truyện tranh Hàn Quốc khi truyện tranh của các quốc gia khác như Nhật, Trung cũng không đứng ngoài thời đại số hóa.

    Xu hướng mới đã thuyết phục Naoki Urasawa, họa sĩ truyện tranh nổi tiếng thế giới, một người từng rất kiên định với truyện tranh giấy, quyết định phát hành các tác phẩm của mình trên nền tảng kỹ thuật số vào năm ngoái. Nhà xuất bản manga danh tiếng Kadokawa hiện cũng đang tìm kiếm tác giả để viết manga theo chiều dọc.

    Hay Manga Plus, dịch vụ đọc truyện tranh số quốc tế đến từ Shueisha, nhà xuất bản của tạp chí Shonen Jump vào tháng 08/2022 đã công bố tính năng mới có tên"Creators", cho phép chính người dùng trở thành người sáng tạo và xuất bản truyện tranh của riêng họ trên ứng dụng.

    Thông qua Creators, bất kỳ ai cũng có thể tải truyện tranh do mình sáng tác lên để những người dùng khác cùng đọc miễn phí. Những tác phẩm này sẽ được tham gia cuộc thi "Giải thưởng hàng tháng" với phần thưởng là hiện kim và có cơ hội được xuất bản chính thức trên ứng dụng Manga Plus hay Shonen Jump+. Manga Plus Creators có thể là một yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, là lời hồi đáp của manga Nhật Bản với sự thành công của webtoon Hàn Quốc.

    Mặt khác, tại thời điểm hiện tại cũng chỉ có webtoon, tức dòng truyện tranh phát hành trực tuyến là tạo được vị thế cạnh tranh với manga Nhật. Theo thống kê của Europe Comics, trong top 10 nhà xuất bản truyện tranh có doanh thu cao nhất thế giới (2020-2021), bốn cái tên dẫn đầu bảng xếp hạng đều là những đại diện đến từ đất nước Mặt trời mọc: Shueisha, Kodansha, Kadokawa, Shogakukan. Hai ông lớn xứ Hàn là Kakao và Naver xếp ngay sau đó.

    Điều này chứng tỏ rằng, ở địa hạt bản in, truyện tranh Hàn Quốc vẫn chưa thể đọ lại manga Nhật Bản tại thời điểm này.

    10 nxb truyện tranh có doanh thu cao nhất thế giới
    Top 10 nhà xuất bản truyện tranh có doanh thu cao nhất thế giới (2020-2021). Ảnh: comicbook.com

    Rõ ràng nền công nghiệp manga Nhật Bản đã tạo nên tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu không chỉ mới hôm qua, vậy nên “truyện tranh Hàn Quốc có thể vượt mặt truyện tranh Nhật Bản hay chăng” – điều này chỉ có thể để thời gian trả lời.

    Liệu trên thế giới có những loại truyện tranh phổ biến nào ?

    Ngoài những loại truyện tranh phổ biến Manga Nhật, Manhwa và Webtoon (Hàn) thì có có các loại truyện khác như:

    Manhua (漫畫) - Trung Quốc: Tương đương với manga Nhật và có nhiều thể loại như huyền huyễn, võ thuật, lịch sử, đô thị, .

    Comic books và Graphic novels - Mỹ và phương Tây: Là truyện tranh phổ biến tại Mỹ và các quốc gia phương Tây, chủ yếu được in thành sách nhỏ.

    kilala.vn

    18/03/2023

    Bài: Happy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!