Khám phá "Unko" - nét văn hóa kỳ lạ của người Nhật
Nhật Bản, đất nước của những điều kỳ lạ, khiến cho nhiều người thảng thốt khi biết được niềm đam mê đặc biệt của họ dành cho "phân"!
Xuất hiện lần đầu vào năm 1997, biểu tượng cảm xúc "Pile of Poo" (hoặc poomoji, poop emoji, poo emoji) nhận được sự đón chào nồng nhiệt của người Nhật và dần lan rộng ra khắp thế giới.
Pile of Poo - biểu tượng gây sốt toàn cầu
Kin no Unko, biểu tượng của sự may mắn
Bên cạnh, Unko Emoji "làm mưa làm gió", một biểu tượng phổ biến khác bạn có thể từng thấy qua là một đống phân màu vàng - Kin no Unko. Tại Nhật Bản, “金のうんこ – Kin no Unko” được xem là một biểu tượng may mắn bởi từ “Un” đồng âm với chữ “運", nghĩa là vận may, may mắn.
Vào năm 2006, ước tính có đến khoảng 2,7 triệu móc khóa điện thoại hình Kin no Unko được tiêu thụ tại Nhật Bản. Một trong những công ty lớn đứng sau việc kinh doanh móc khóa Kin no Unko là Ryukodo, đặt trụ sở tại Kyoto.
Koji Fujii, Chủ tịch của công ty Ryukodo đã có ý tưởng kinh doanh sản phẩm lấy cảm hứng từ Kin no Unko từ cuối năm 1999. Lúc bấy giờ, Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế nên ông Koji muốn mang đến một sản phẩm giúp mọi người vui vẻ, điều kiện là giá thành phải rẻ.
Một số Kin no Unko được làm bằng sứ và mạ vàng 24 karat. Một chiếc móc khóa điện thoại hình Kin no Unko kích thước nhỏ có giá từ 105 yên, trong khi loại khổng lồ đặt trên tấm vải lụa đỏ có giá ít nhất là 2.100 yên.
Các sản phẩm Kin no Unko bắt đầu trở nên phổ biến vào năm 2000 khi các nữ sinh trung học mua chúng làm quà lưu niệm trong chuyến tham quan của trường. Kể từ đó, sản phẩm lan truyền trong giới trẻ ở Nhật và tạo nên làn sóng yêu thích trên toàn quốc.
Vào năm 2017, trò chơi điện tử “The Legend of Zelda: Breath of the Wild” của Nintendo xuất hiện một món quà có tên là Hestu's Gift giống với Kin no Unko.
Tòa nhà Asashi Beer Hall với biệt danh Kin no Unko
Nó có sức hút mạnh mẽ đến nỗi tại quận Sumida, Tokyo, người ta gọi tòa nhà Asahi Beer Hall bằng biệt danh “Kin no Unko” bởi một "vật thể lạ" xuất hiện trên nóc. Đôi khi tòa nhà còn được gọi là “うんこビル – Unko-biru” có nghĩa là “tòa nhà phân”.
Tuy nhiên, mục đích thiết kế ban đầu của tòa nhà này không liên quan gì tới Kin no Unko. Thực chất, hình dáng của tòa nhà là một cốc bia với biểu tượng màu vàng khổng lồ được gọi là “Ngọn lửa Asahi”, vừa đại diện cho “trái tim bùng cháy của bia Asahi", vừa là phần bia sủi bọt.
"Ngọn lửa" này nặng tới 360 tấn, được tạo ra bởi những người đóng tàu bằng kỹ thuật đóng tàu ngầm và bên trong nó hoàn toàn rỗng.
Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Philippe Starck vào năm 1989, được xem là một trong những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Tokyo.
Unko Sensei - Thầy giáo phân
Bảng chữ cái Kanji (Hán tự), một trong ba bảng chữ cái của tiếng Nhật luôn là thử thách với tất cả mọi người, nhất là trẻ em. Để giảm bớt sự đơn điệu và khó nhọc trong việc học hơn 1.000 Hán tự, một giáo viên thân thiện với trẻ em mang tên “Unko Sensei” đã ra đời.
Nhân vật Unko Sensei được thiết kế với cặp kính và bộ ria mép đặc trưng đã tạo nên thành công vang dội khi sách Kanji Unko bán được hơn 1,83 triệu bản, giúp học sinh Nhật yêu thích việc học Hán tự hơn.
Thậm chí, vào năm 2009, Nhật Bản còn ra mắt anime “うんこさん – Unko san” với nội dung về một cô tiên Unko-san mang may mắn đến cho những người không may. Unko-san sống trên đảo May mắn cùng những người bạn Unko khác của mình. Hòn đảo này cũng có hình dạng giống với Unko.
Những bảo tàng Unko tại Nhật Bản
Mang tình yêu đặc biệt dành cho Unko, người Nhật còn xây dựng nên các bảo tàng dành riêng cho chúng. Bên trong Bảo tàng Văn học Himeji có một bảo tàng Unko. Đến đây, bên cạnh các buổi triển lãm về Unko, du khách còn tìm thấy cuốn sách “Văn học bài tiết” với nội dung về Unko cũng như các chủ đề liên quan khác.
Vào tháng 03/2019, một phòng triển lãm tạm thời về Unko được mở ra ở Yokohama và nhanh chóng tạo nên tiếng vang. Sáu tháng sau, ban tổ chức của phòng trưng bày này đã xây dựng nên Bảo tàng Unko Tokyo, nằm ở tầng 2 của khu phức hợp mua sắm DiverCity Tokyo Plaza, quận Koto, Tokyo.
Các tác phẩm, cũng như những khu tham quan hấp dẫn bên trong bảo tàng đều dựa theo chủ đề “Max Unko Kawaii”, có nghĩa “phóng đại sự dễ thương của Unko”. Mọi thứ trong bảo tàng đều có hình dạng giống với Unko hoặc bồn cầu, được thiết kế theo phong cách "Kawaii" dễ thương, một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Đây cũng là yếu tố chính tạo nên sự thành công vang dội của bảo tàng Unko, bởi người Nhật vốn cuồng những thứ xinh xắn, đáng yêu.
Du khách có thể thoải mái chụp những bức ảnh selfie độc lạ tại phòng trưng bày Un-stagenic hay chiêm ngưỡng loạt tranh minh họa về Unko được vẽ bởi các họa sĩ nổi tiếng tại khu vực Un-telarter. Thêm vào đó, bạn có thể mua những món quà lưu niệm độc đáo tại “Nhà máy Unko” của bảo tàng.
Là một địa điểm có một không hai về Unko, bảo tàng Unko ở Tokyo thu hút gần 100.000 lượt khách ghé thăm mỗi tháng và mang văn hóa Unko của Nhật Bản lan rộng khắp mọi nơi.
Khi nhà vệ sinh cũng có thần linh trú ngụ
Trong tôn giáo bản địa Thần đạo của Nhật Bản, số lượng các vị thần nhiều đến mức khó lòng đếm xuể. Thần linh cư trú ở hầu hết mọi nơi, và vị thần nhà vệ sinh trong tín ngưỡng Nhật Bản được gọi là Kawaya no Kami, thường mang hình dáng của Uế Tích Kim Cang (Ucchusma).
Vào thời xưa, tại Nhật Bản, hầu hết phân được thu gom và sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp, giúp đảm bảo vệ sinh chung. Xuất phát từ điều này, người Nhật xưa tin rằng có thần linh trú ngụ trong nhà vệ sinh.
Hơn nữa, nhà vệ sinh ngày xưa thường là nơi tối tăm, gây khó chịu, cũng là nơi dễ gặp rủi ro như té ngã. Do vậy, người Nhật tin rằng với sự bảo vệ của thần linh, họ có thể tránh được những nguy cơ trên.
Vì phân được thu gom và sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp, nên thần Kawaya no Kami cũng được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng độ màu mỡ cho đất. Vào dịp Năm mới, người Nhật còn tổ chức các nghi lễ để cầu xin thần Kawaya no Kami ban cho mùa vụ bội thu.
Ở một số nơi tại Nhật, các thành viên trong gia đình ngồi lên một chiếc chiếu rơm đặt ở trước nhà vệ sinh, ăn một miếng cơm lớn, tương trưng cho việc ăn thứ gì đó mà thần để lại cho con người.
Đồng thời, một nhà vệ sinh đúng chuẩn cần được trang trí và giữ cho sạch sẽ nhất có thể, vì đây là nơi trú ngụ của thần. Có lẽ vì thế mà toilet của Nhật Bản lúc nào cũng rất sạch sẽ.
Hơn nữa, tình trạng nhà vệ sinh cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình của thai nhi. Những người phụ nữ mang thai ở Nhật Bản thường cầu xin thần nhà vệ sinh ban mũi cao cho bé trai và lúm đồng tiền cho bé gái. Tuy nhiên, nếu nhà vệ sinh bị bẩn, đứa trẻ được sinh ra có thể mang vẻ ngoài xấu xí và không hạnh phúc.
Cũng có khi, thần nhà vệ sinh Nhật Bản được cho là mang hình dáng của một người mù cầm ngọn giáo trong tay. Do vậy, người Nhật tin rằng cần phải hắng giọng trước khi bước vào để vị thần mù này không giơ ngọn giáo khiến họ phải chịu đau đớn khi ngồi xuống đi vệ sinh.
Chính bởi tôn thờ thần nhà vệ sinh từ xa xưa mà có lẽ người Nhật dễ dàng chấp nhận sự tồn tại của phân hơn các quốc gia khác. Thêm vào đó, phong cách thiết kế dễ thương vốn là nét văn hóa quan trọng của Nhật Bản, nên biểu tượng phân dễ dàng len lỏi vào cuộc sống của người Nhật và trở thành đỉnh cao của văn hóa Kawaii.
Kết
Phân vốn là điều cấm kỵ, đáng xấu hổ của nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới. Mỗi năm có hàng ngàn người mắc bệnh về đường ruột và qua đời bởi họ cảm thấy xấu hổ về điều này, theo Guardian. Tuy vậy, nhờ vào sức lan tỏa của văn hóa Unko đến từ Nhật Bản, phần nào mọi người đã trở nên tích cực và cởi mở hơn khi nhắc về chúng.
kilala.vn
24/03/2022
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận