NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Khám phá Takoage - trò chơi thả diều truyền thống Nhật Bản

    Vào những dịp lễ hội như năm mới hay ngày Tết Thiếu Nhi Nhật Bản (5/5), không khó để bắt gặp những cánh diều Tako truyền thống cưỡi gió bay lượn trên bầu trời. 

    Thả diều là một trò chơi truyền thống lâu đời của các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản. Diều được cho là đã du nhập vào Nhật Bản từ cuối thời kỳ Nara (710-794). Khái niệm "diều" xuất hiện lần đầu tiên trong từ điển cổ Nhật Bản Wamyo Ruijusho vào thế kỷ thứ 10. Khi đó, diều được gọi bằng những tên như “紙老鴟 - shiroshi” hoặc “紙鳶 - shien”, nghĩa là “diều hâu bằng giấy”.

    Ban đầu, trò thả diều được cử hành như một nghi thức dâng lễ vật lên các vị thần, cầu mong mùa màng tốt tươi, thời tiết thuận hoà hay sự an lành cho trẻ nhỏ. Dần dần, thả diều đã trở thành một phần trong các hoạt động giải trí được yêu thích của giới quý tộc Nhật Bản thời kỳ Heian (794-1185). Đến nay, thả diều đã trở thành một trò chơi truyền thống của trẻ em Nhật Bản, được gọi là “takoage” và cũng là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội.

    tako-age-1
    Lễ hội Hamamatsu, một trong những lễ hội thả diều thường niên lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: Oh Matsuri

    Edo-dako - con diều biểu tượng của văn hóa Nhật Bản

    Tuy vậy, phải đến đầu thời kỳ Edo (1603- 1868), trò thả diều mới thực sự bùng nổ và lan rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội Nhật Bản. Khi đô thị dần phát triển, nhất là tại Edo (Tokyo ngày nay), trò chơi thả diều Takoage dần trở nên phổ biến trong các dịp lễ hội, Tết, hay các sự kiện mang tính gia đình và cộng đồng.

    haru-no-akebono-2
    Haru no akebono, bức tranh mô tả cảnh ngày xuân của tác giả Utagawa Kuniteru, vẽ vào thời Edo. Ảnh: Library of Congress

    Cũng chính tại Edo, con diều biểu tượng của Nhật Bản, Edo-dako, đã ra đời. Đây là loại diều hình chữ nhật, được làm từ khung tre và giấy washi truyền thống. Bề mặt của diều được các nghệ nhân vẽ những hình ảnh mang đậm nét văn hóa dân gian như chiến binh, thần linh, diễn viên kabuki hay các nhân vật trong truyền thuyết. Những họa tiết này thường mang đậm phong cách Ukiyo-e - thể loại tranh khắc gỗ nổi tiếng của Nhật từ thế kỷ 17 đến 19.

    edo-dako-3
    Một con diều Edo-dako mang đậm bản sắc văn hóa Nhật. Ảnh: Kiteman

    Nguồn gốc của tên gọi diều Tako

    Trước đây, diều thường có hình dạng con mực (ika), lấy cảm hứng từ cách gọi “ika-nobori” (“ika” là cách đọc khác của Hán tự “紙鳶 shien”). Sau đó, ở Edo bắt đầu gọi những con diều là “tako” do hình dáng bay lượn của diều giống xúc tu bạch tuộc.

    Dần dần, người ta dùng từ “tako” để gọi chung con diều với bất kỳ hình dạng nào, và trò chơi thả diều truyền thống được gọi là “takoage - 凧揚げ”. Một chữ Kanji mới cũng được tạo ra để dành riêng cho từ này (凧), kết hợp giữa hai từ “vải” (巾) và “gió” (風), phản ánh bản chất cấu tạo và chức năng của diều. Mặc dù vậy, theo học giả Tsutomu Hiroi, hiện nay tiếng Nhật có ít nhất 16 từ ngữ vùng miền khác nhau để chỉ con diều.

    Diều trong văn hóa hiện đại và đời sống

    Ngày nay, diều vẫn đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội truyền thống Nhật Bản. Vào ngày 5/5 Kodomo no Hi (Tết Thiếu Nhi), những con diều mang hình ảnh anh hùng dân gian như Kintaro được thả lên trời như một lời chúc tốt đẹp cho trẻ em. Một số loại diều còn được thiết kế như bùa hộ mệnh, vẽ hình mặt quỷ để xua đuổi tà khí.

    Ngoài ra, vào ngày Tết Thiếu Nhi đầu tiên của một bé trai, cha mẹ sẽ viết tên của đứa trẻ lên cánh diều được trang trí hình của một vị chiến binh hoặc anh hùng trong truyền thuyết để cầu mong đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh và tài giỏi.

    Một số lễ hội thả diều lớn nhất Nhật Bản

    Lễ hội Hamamatsu, Tỉnh Shizuoka

    hamamatsu-matsuriLễ hội diều Hamamatsu thường niên thu hút hơn 2 triệu người tham dự mỗi năm, nơi hàng trăm đội diều ganh đua trong không khí lễ hội sôi động. Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 3/5 - 5/5. Vào ban ngày là cuộc thi thả diều tại bãi biển Nakatajima. Vào lúc hoàng hôn sẽ diễn ra buổi diễu hành với những chiếc kiệu được trang trí công phu, đi qua các con đường trong thành phố đến tận đêm khuya.

    Địa chỉ: 2832 thị trấn Shirowa, quận Minami, thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka.

    Lễ hội Sagami, tỉnh Kanagawa

    sagami-matsuriNăm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 4/5 - 5/5, tại bờ sông Sagami, tỉnh Kanagawa. Điểm đặc biệt ở lễ hội này chính là những con diều tại đây có kích thước khổng lồ, được gọi là “Sagami no Oodako”. Trung bình những con diều ở đây có độ dài trên 10m và cần hơn 90 người để có thể kéo chúng bay lên bầu trời.

    Địa chỉ: Shindo Sports Park, thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa.

    Lễ hội Ikazaki, tỉnh Ehime

    ikazagi-matsuriLễ hội đấu diều Ikazaki đã được công nhận là Di sản văn hóa dân gian phi vật thể của tỉnh Ehime với bề dày lịch sử hơn 400 năm. Trong lễ hội, người ta sẽ tập trung ở hai bên bờ sông để chiêm ngưỡng hơn 500 con diều bay lượn trên không trung. Cùng với đó, các đội sẽ sử dụng một lưỡi dao gọi là “Gagari” để cắt dây diều của đối thủ, mang đến một lễ hội sôi động và hấp dẫn.

    Địa chỉ: Bờ sông Toyoaki, Ikazaki, thị trấn Uchiko, tỉnh Ehime.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!