Kamikaze - “ngọn gió thần” cứu Nhật Bản khỏi hai lần Mông Cổ xâm lược
Vào cuối thời kỳ Kamakura, Hốt Tất Liệt - hoàng đế nhà Nguyên, đã dẫn hơn 3 vạn quân Mông Cổ tiến vào bờ biển Nhật Bản. Tuy nhiên cả hai lần, quân đội của Hốt Tất Liệt đều gặp phải những “cơn gió thần”, buộc những kẻ xâm lược phải từ bỏ kế hoạch của mình.
Cuộc xâm lược đầu tiên
Sau khi lên ngôi Đại Hãn của Đế quốc Mông Cổ, Hốt Tất Liệt bắt đầu kế hoạch mở rộng lãnh thổ của mình. Năm 1266, Hốt Tất Liệt đã phái sứ giả đến gặp và yêu cầu Nhật Bản quy phục, trở thành chư hầu. Đồng thời ông đe dọa nếu Nhật Bản không khuất phục sẽ tiến hành xâm lược đất nước này.
Tuy nhiên, triều đình Nhật Bản quyết định không hồi đáp và trả sứ giả về. Hốt Tất Liệt sau đó vẫn tiếp tục phái sứ giả sang Nhật nhưng đều bị phớt lờ. Mất kiên nhẫn, ông quyết định sẽ đưa quân sang thu phục đảo quốc này. Nhưng vì chiến tranh với Nam Tống đang ở giai đoạn khốc liệt, kế hoạch đã phải tạm gác lại.
Sau khi triều Nguyên được thành lập và chiến sự dần ổn định, Hốt Tất Liệt đã gửi một hạm đội gồm 3 vạn binh lính (2 vạn quân Mông Cổ và 1 vạn quân Cao Ly) tấn công đảo Tsushima và đảo Iki trước khi tiến vào vịnh Hakata vào năm 1274.
Do thiếu sự phòng bị, quân đội Mạc phủ Kamakura bị rối loạn khiến cho quân Nguyên dễ dàng đổ bộ. Trong trận chiến sau đó, quân Nhật hoàn toàn thất thế trước chiến thuật tấn công vũ bão của đội quân Mông Cổ.

Sự biến mất của hạm đội nhà Nguyên
Tại Nhật Bản thời đó, khi hai phe giao chiến, các samurai phải gọi tên một ai đó trong hàng ngũ kẻ thù rồi giao chiến một chọi một. Nhưng kẻ địch không có quy tắc như vậy, họ nhanh chóng lao lên, bao vây và tiêu diệt.
Quân Nguyên sử dụng cung ngắn có tầm bắn xa hơn, mũi tên được tẩm độc khiến cả những vết thương nhẹ cũng có thể chết người. Đồng thời, họ còn sử dụng hỏa khí mạnh mẽ - những quả cầu đen phát nổ giữa không trung, phun lửa và khói, khiến binh lính Nhật choáng váng và làm ngựa hoảng loạn đến mức không thể chiến đấu. Trong tình thế đó, quân đội Mạc phủ Kamakura phải rút lui, quân Nguyên quay lại tàu nghỉ đêm.
Đêm đó, một cơn bão đã quét qua nơi hạm đội nhà Nguyên đang dừng chân, phá hủy hầu hết các tàu chiến. Vào rạng sáng hôm sau, không một ai còn thấy tàu thuyền của quân Nguyên đâu cả. Trận chiến đầu tiên với quân đội Mông Cổ kết thúc, sau này được gọi là trận Bun-ei.

Lần thứ hai được cứu bởi “gió thần”
Sau trận Bun-ei năm 1274, nhà Nguyên tiếp tục cử sứ giả sang yêu cầu Nhật quy phục, nhưng nhiếp chính quan Hojo Tokimune đã cho hành quyết tất cả sứ giả.
Đáp lại, năm 1281, Hốt Tất Liệt phái 14 vạn quân kéo đến Nhật Bản một lần nữa. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã rút ra bài học từ lần trước, họ xây dựng tuyến phòng thủ kéo dài 20km và ngăn chặn quân Nguyên đổ bộ.
Hai bên giằng co khoảng hai tháng, cho đến khi một cơn bão lớn ập vào Kyushu. Dù quân Nhật cũng chịu tổn thất, nhưng toàn bộ 4.000 tàu chiến của quân Nguyên bị đắm kéo theo hàng chục ngàn binh lính chìm dưới biển. Số còn sống sót bị các samurai tiêu diệt ngay sau đó, kết thúc tham vọng xâm lược Nhật Bản của triều đại nhà Nguyên.

Cả hai cuộc chiến Bun-ei và Kouan đều được sự trợ giúp đúng lúc từ những cơn bão. Cả triều đình và Mạc phủ Kamakura đều cho rằng đó là sự can thiệp của các vị thần. Vì vậy, họ đã đến thần cung Ise để cầu nguyện tạ ơn thần linh. Từ đó, người Nhật hình thành niềm tin rằng khi đất nước lâm nguy, “thần phong” (kamikaze) sẽ nổi lên và bảo vệ nước Nhật.
Quan niệm này tiếp tục kéo dài và có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong Thế chiến II. Khi đó, một biệt đội phi công mang tên “Thần Phong Đặc Biệt Công Kích Đội” đã thực hiện các cuộc tấn công cảm tử nhằm tiêu diệt hạm đội của phe Đồng Minh. Báo chí đương thời gọi họ là đội quân Kamikaze, với hy vọng rằng, họ sẽ trở thành “ngọn gió thần” quét sạch kẻ thù khỏi bờ biển.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận