Kamikaze: Câu chuyện về những phi công cảm tử Nhật Bản
0%
Vào ngày 25/10/1944, những phi công cảm tử đầu tiên của Nhật đã tấn công các tàu chiến của quân Đồng minh trong trận chiến khốc liệt ở Vịnh Leyte trong Thế chiến II. Thường được gọi với cái tên Kamikaze, họ là những chàng trai trẻ dũng cảm hy sinh thân mình để cứu nước Nhật thoát khỏi thất bại của chiến tranh.
Kamikaze là ai?
Trong tiếng Nhật, nghĩa đen của Kamikaze (神風) là “cơn gió thần”. Từ này được sử dụng kể từ năm 1281, chỉ hai cơn bão lớn đã đánh chìm hạm đội của Đế quốc Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt vào các năm 1274 và 1281. Chính những cơn bão được cho là do thần Fujin tạo ra đã cứu Nhật Bản khỏi thảm họa thôn tính của đội quân Mông Cổ hùng mạnh.
"Kamikaze" là cách đọc khác của hai ký tự “神風 - Thần Phong”, cách đọc chính được sử dụng nhiều hơn trong suốt lịch sử Nhật Bản là "shinpuu".
Trong giai đoạn khốc liệt của Thế chiến II, một biệt đội thực hiện các cuộc tấn công liều chết thuộc Hải quân Đế quốc Nhật Bản là “Shinpuu Tokubetsu Kougekitai” (神風特別攻撃隊 - Thần Phong Đặc Biệt Công Kích Đội) đã ra đời với nhiệm vụ tiêu diệt hạm đội của phe Đồng minh.
Khi đó, các cuộc tấn công cảm tử của đơn vị này được gọi một cách không chính thức là Kamikaze trên báo chí Nhật. Từ này sau đó trở nên phổ biến trên thế giới và được tái du nhập vào Nhật Bản sau chiến tranh. Kamikaze ẩn dụ rằng các phi công cảm tử sẽ trở thành "ngọn gió thần", một lần nữa quét sạch kẻ thù khỏi bờ biển xứ Phù Tang.
Chiến thuật chiến tranh lạ
Vào những năm đầu thập niên 40, tại khu vực Thái Bình Dương, những cuộc đụng độ giữa hải quân Nhật - Mỹ liên tục diễn ra với tính chất vô cùng khốc liệt. Ở giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai, cuộc chiến ngày càng trở nên ảm đạm với người Nhật khi họ để thua một số trận quan trọng, nhiều phi công giỏi thiệt mạng, máy bay trở nên lỗi thời và mất đi quyền kiểm soát trên không. Năng lực công nghiệp của quốc gia này cũng sụt giảm so với các quốc gia Đồng minh.
Những yếu tố này, cùng với việc Nhật Bản không sẵn lòng đầu hàng, đã dẫn đến việc sử dụng chiến thuật Kamikaze. Và người đầu tiên đề xuất ý tưởng liều lĩnh, táo bạo này là Đại úy Motoharu Okamura, phụ trách Căn cứ Tateyama ở Tokyo cùng Căn cứ Không đoàn 341.
Đại uý Motoharu Okamura đã nói với Phó đô đốc Takijiro Onishi, Tư lệnh Phi đội 1 của Nhật: “Tôi tin chắc rằng cách duy nhất để thúc đẩy cuộc chiến có lợi cho chúng ta là tiến hành những cuộc tấn công liều chết bằng máy bay”.
Trước đó, các cuộc tấn công cảm tử đã từng được sử dụng theo cách không có kế hoạch. Còn với chiến dịch Kamikaze, họ đã huấn luyện các phi đội tấn công đặc biệt cho mục đích này và đưa vào sử dụng một loại máy bay mới - Yokosuka MXY-7 Ohka - chiếc máy bay cảm tử duy nhất trang bị động cơ phản lực.
Vào sáng ngày 25/10/1944, nhiệm vụ tấn công Kamikaze đầu tiên đã diễn ra. Một phi đội 5 chiếc máy bay cảm tử dẫn đầu bởi Trung úy Yukio Seki bay trên Vịnh Leyte, Philippines đã đồng loạt cùng nhắm đến mục tiêu là tàu sân bay của Mỹ.
Quân đội Mỹ bắn trả, cho rằng kẻ thù khi bị vô hiệu hoá sẽ rút lui. Tuy nhiên những chiếc máy bay này vẫn cứ thế lao đến trong làn đạn, nhắm vào trung tâm chỉ huy của con tàu. Kết cục, 5 chiếc máy bay Nhật liều chết cùng với sự hy sinh của 5 phi công đã hạ được một tàu sân bay và làm hơn 100 binh lính Mỹ thiệt mạng. Trận đánh đầu tiên của các chiến binh Kamikaze đã thành công.
48 giờ sau đó, 50 phi công cảm tử khác được cử tới Vịnh Leyte dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Onishi. Đội quân này đã tấn công vào 7 tàu sân bay và 40 con tàu khác của Mỹ, trong đó 5 chiếc đã chìm xuống đáy biển.
Từ đây chiến dịch Kamikaze chính thức đi vào hoạt động. Trong suốt cuộc chiến, hàng ngàn phi công Nhật đã hy sinh tính mạng, trở thành một trong những lực lượng tấn công lớn nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ, là nỗi khiếp sợ xuất hiện trên bầu trời ngay cả khi người Mỹ đã tìm ra giải pháp đối phó.
Theo ước tính dù chỉ 14% phi công Kamikaze thực sự tấn công trúng mục tiêu nhưng họ đã gây ra tới 80% tổn thất cho Mỹ trong giai đoạn cuối Thế chiến hai.
Những chiến binh hy sinh vì lý tưởng
Các phi công cảm tử là những người được ngưỡng mộ trong xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Họ được coi là anh hùng dân tộc, được ca ngợi về tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh vì đất nước.
Đối với quân Đồng minh, vốn thấm nhuần tư tưởng Do Thái giáo - Kitô giáo về sự thiêng liêng của cuộc sống, thì việc những quân nhân Nhật Bản sẵn sàng từ bỏ mạng sống để thực hiện các cuộc tấn công liều chết khiến họ bất ngờ.
Tuy nhiên theo các học giả về Kamikaze, việc tự sát trong văn hóa Nhật không phải lúc nào cũng có ý nghĩa tiêu cực. Hai phiên bản của từ tự sát là “jiketsu - 自決” (tự quyết) và “jisai - 自裁” (tự phán xét) “gợi ý một hành động đáng trân trọng hoặc đáng khen ngợi được thực hiện vì lợi ích chung”.
Hơn nữa, không có điều cấm kỵ về đạo đức hay tôn giáo nào liên quan đến việc tự sát trong Thần đạo – tôn giáo bản địa của người Nhật. Thay vào đó, quy tắc Võ sĩ đạo của chiến binh samurai Nhật Bản tôn trọng sự hy sinh bản thân và chiến đấu đến cùng vì chủ nhân, nổi tiếng với nghi thức Seppuku – mổ bụng tự sát khi thất trận hay khi chủ nhân qua đời.
Đầu hàng bị coi là hèn hạ, do đó người Nhật cũng coi thường tù binh chiến tranh. Thay vào đó, nếu hy sinh trên chiến trường, họ sẽ trở thành Kami (thần) và hòa vào linh hồn dân tộc tại đền thờ Yasukuni ở Tokyo. Do đó, lời chia tay mà các phi công Kamikaze thường nói trước khi bước vào nhiệm vụ cảm tử là: “Hẹn gặp tại Đền Yasukuni!”
Trước khi lên máy bay, phi công cảm tử sẽ được tặng một chiếc thắt lưng hoặc dải vải với 1.000 mũi thêu màu đỏ, được gọi là senninbari. Mỗi mũi được khâu bởi một người phụ nữ khác nhau, tựa như như một tấm bùa hộ mệnh cho người lính ra trận. Giống như các samurai xưa, từng phi công sẽ sáng tác một bài thơ từ thế, rồi chia sẻ chén rượu sake cuối cùng với những người cùng thực hiện sứ mệnh.
Góc khuất phí sau huyền thoại anh hùng
Tuy nhiên có một sự thật là không phải tất cả các phi công cảm tử, hầu hết đều ở độ tuổi từ 17 đến 24, hoàn toàn sẵn sàng chết vì Tổ quốc.
Ông Osamu Yamada, một trong số những phi công Kamikaze hiếm hoi thoát chết, nói với BBC: “Tôi có thể nói rằng 60-70% trong số chúng tôi sẵn sàng hy sinh bản thân vì Hoàng đế, nhưng số còn lại có lẽ đặt câu hỏi tại sao họ phải ra đi”. Trước khi ông Yamada phải thực hiện sứ mệnh cảm tử thì chiến tranh đã kết thúc.
Một phi công Kamikaze khác có tên là Daikichi Irokawa đã viết trong nhật ký của mình rằng, trong quá trình huấn luyện ông đã thường xuyên bị bỏ đói và đánh đập. Cấp trên của Daikichi từ chối cho ông ăn bất kỳ loại thực phẩm nào ngoài quy định và ông sẽ bị đánh nếu có bất kỳ biểu hiện nào không trung thành.
Một số người mô tả về việc được lệnh phải học thuộc những bài thơ cổ của Nhật Bản, sau đó bị đánh gục xuống đất mỗi khi mắc lỗi. Vào thời điểm sắp sửa ra chiến trường, nếu người lính có ý định bất tuân nào cũng sẽ bị dập tắt. Họ phải tuân thủ chế độ tập luyện hà khắc và giữ vững lý tưởng hy sinh vì đất nước. Tất cả đã được “lập trình” sẵn để chết.
Nhiều phi công Kamikaze chia sẻ về nỗi cay đắng của họ khi đối mặt với cái chết không thể tránh khỏi. Một người lính đã viết rằng: “Con không thể không khóc khi nghĩ đến mẹ. Khi con nghĩ về những hy vọng mà mẹ đã trông đợi ở tương lai của con… Con cảm thấy rất buồn khi sắp chết mà không làm được gì để mang lại niềm vui cho mẹ.”
Chiến lược đáp trả của đồng minh và sự kết thúc của cuộc chiến
Sau sự bất ngờ ban đầu của chiến lược Kamikaze, vào đầu năm 1945, Thiếu tá John Thach - sĩ quan điều hành không chiến của Hải quân Hoa Kỳ, đã phát triển một chiến thuật chống lại các cuộc tấn công cảm tử, được gọi là “Big Blue Blanket”. Theo chiến thuật này, phi cơ sẽ tuần tra suốt ngày đêm xung quanh các hạm đội của quân Đồng minh.
Thiếu tá Thach cũng đề xuất sử dụng một lực lượng phi cơ chiến đấu tuần tiễu lớn (CAP), bay xa hơn trước để bảo vệ các tàu sân bay; sử dụng máy bay tăng cường ném bom các sân bay Nhật, bỏ bom đường băng với bom nổ chậm để ngăn cản Nhật sửa chữa đường băng; sử dụng lực lượng cảnh giới gồm các tàu khu trục và tàu hộ tống đặt cách các hạm đội chính ít nhất 80km để sớm phát hiện máy bay Kamikaze và phối hợp tác chiến với các sĩ quan chỉ huy phi cơ bay phía trên hàng không mẫu hạm.
Sơ đồ Big Blue Blanket. Các tàu khu trục của Mỹ sẽ sử dụng radar để phát hiện máy bay Kamikaze đang lao tới. Sau đó, họ sẽ thông báo vị trí và đường đi của chúng cho các máy bay tuần tra chiến đấu trên không để đánh chặn trước khi Kamikaze có thể tấn công tàu sân bay.
Ảnh: Wikipedia
Về cuối cuộc chiến, tổn thất của phe Đồng minh đã giảm đi. Việc chỉ được huấn luyện sơ sài và máy bay không mang vũ khí không chiến khiến phi công Kamikaze trở thành “mồi ngon” cho các phi công Đồng minh lão luyện. Họ bị tiêu diệt trước khi kịp đâm vào tàu chiến. Lính thủy trên các tàu Đồng minh cũng phát triển các kỹ thuật chống lại máy bay Kamikaze, như bắn đại pháo xuống mặt biển, tạo thành các cột nước lớn trùm lên phi cơ địch để khiến chúng mất điều khiển và rơi.
Giai đoạn cao điểm của các cuộc tấn công Kamikaze diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6/1945 trong Trận Okinawa. Những trận chiến ở Okinawa kết thúc vào ngày 22/06/1945, với thất bại của quân đội Nhật và Đô đốc Nhật Ushijima đã mổ bụng tự sát. Đầu tháng 8/1945, sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima - Nagasaki và quân đội Liên Xô bắt đầu tiến quân đến Mãn Châu thì Nhật Bản không còn làm được gì để thay đổi số phận.
Ngày 15/08/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Vài giờ sau, Phó đô đốc Ugaki, tư lệnh hạm đội 5 ở Kyushu cùng với 10 phi công cảm tử đã bay về hướng Okinawa, và trước khi thực hiện cuộc tấn công cảm tử cuối cùng vào các tàu của Mỹ, đã gửi lại một thông điệp bày tỏ niềm tin về sự bất tử của đế chế và tinh thần Kamikaze.
Thất bại của Nhật đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại ngắn ngủi của biệt đội phi công Thần Phong trong lịch sử nước Nhật. Và theo dữ liệu về cuộc Ném bom Chiến lược của Mỹ được lưu trữ tại đền Yasukuni ở Tokyo, ước tính có tổng cộng khoảng 2.500 phi công Kamikaze đã thiệt mạng trong chiến dịch này, nhưng con số thực tế thậm chí được cho là còn cao hơn thế.