Jusan-mairi: Nghi lễ đánh dấu tuổi 13 của trẻ em Nhật Bản
Là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của một đứa trẻ nhưng Jusan-mairi thường ít được biết đến hơn so với các nghi lễ Shichi-go-san, Lễ Thành nhân... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều gia đình người Nhật đưa con cái đến thăm các đền chùa để thực hiện nghi lễ này.
Jusan-mairi - nghi lễ đánh dấu tuổi 13
Jusan-mairi (十三詣り) là một sự kiện diễn ra vào ngày 13/3 âm lịch (ngày nay được tổ chức vào ngày 13/4 dương lịch) tại Nhật Bản. Vào ngày này, những cô bé, cậu bé 13 tuổi sẽ viếng thăm các đền chùa thờ vị Bồ tát Hư Không Tạng (Kokuzo Bosatsu) để tạ ơn vì đã đến tuổi 13 và cầu tri thức, hạnh phúc, sức khỏe cho tương lai.
Nguồn gốc
Nghi lễ Jusan-mairi được cho là bắt nguồn từ thời Heian (794 -1192). Tương truyền, Thiên hoàng Seiwa đã tổ chức nghi thức thành nhân tại chùa Horin-ji ở Arashiyama, Kyoto và vì lúc bấy giờ Thiên hoàng 13 tuổi, nên kể từ đó viếng đền chùa ở tuổi 13 đã trở thành phong tục.
Là một sự kiện có nguồn gốc từ Kyoto, Jusan-mairi trước đây thường được tổ chức ở vùng Kansai nhưng dần dần trở nên phổ biến ở vùng Kanto. Ở Kansai, Jusan-mairi phổ biến hơn Shichi-go-san.
Thời gian thực hiện Jusan-mairi
Trước đây, Jusan-mairi được tổ chức vào ngày 13/3 âm lịch, sau là ngày 13/4 theo dương lịch. Tuy nhiên, do hầu hết các trường học đã bắt đầu học kì mới vào ngày 13/4 nên mọi người thường viếng thăm đền chùa vào kì nghỉ xuân hay Tuần lễ Vàng, các ngày lễ khác hoặc cuối tuần. Vì vậy, hiện nay Jusan-mairi thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5.
Cầu nguyện theo nghi thức Jusan-mairi
Trang phục
Theo truyền thống, trang phục của con trai khi tham gia nghi lễ Jusan-mairi là áo khoác haori và quần hakama.
Trong khi đó, bé gái sẽ mặc hai loại kimono trang trọng dành cho nữ giới trưởng thành là furisode hoặc homongi với nếp gấp ở vai. Nếp gấp sẽ được gỡ ra sau chuyến viếng thăm đền chùa. Các cô bé cũng sẽ được trang điểm lần đầu tiên.
Viết Kanji
Các cô cậu bé sẽ chọn một chữ Hán (thường thể hiện nguyện ước của bản thân) rồi viết lên giấy theo kiểu thư pháp. Chữ Kanji sẽ được dâng lên Bồ tát Hư Không Tạng để nhận được phước lành.
Sau khi cầu nguyện, các em sẽ nhận được bùa hộ mệnh và lễ vật. Chiếc bùa thường được gắn vào cặp đi học hoặc ví tiền để mang đến may mắn và bình an cho các cô cậu bé.
Khi rời khỏi chính điện, những đứa trẻ không được ngoảnh đầu nhìn lại cho đến khi bước qua cổng Torii. Về đến nhà, các em sẽ bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ và đón nhận lời chúc lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc từ các thành viên trong gia đình.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận