Các loại Kimono

    Mặc dù gọi chung là Kimono nhưng bạn có biết, Kimono cũng có rất nhiều loại với từng “tư cách” khác nhau. Được diện để đến các dịp trang trọng hay chỉ mặc hằng ngày đều phụ thuộc vào “tư cách” của mỗi loại. Cùng tìm hiểu sự khác biệt này để trở thành người mặc Kimono đúng và chuẩn nhất nhé!

    Shiromuku (白無垢)

    các loại Kimono
    Shiromuku (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Là trang phục cưới của cô dâu khi tổ chức lễ kết hôn ở đền thờ Thần đạo. Cả trang phục và các phụ kiện đều đồng nhất một màu trắng nhằm thể hiện sự thuần khiết. Trong bữa tiệc chiêu đãi (Hiroen), cô dâu sẽ thay sang một loại Kimono khác được nhuộm vô cùng rực rỡ, gọi là Iro-uchikake (色打掛), mang ý nghĩa “Đã trở thành một thành viên của gia đình nhà chồng”.

    Furisode (振袖)

    trang phục Kimono của phụ nữ chưa thành hôn
    Furisode (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Là bộ có “địa vị” trang trọng nhất trong các loại Kimono của phụ nữ chưa thành hôn. Ở thời Edo, việc phe phẩy tay áo bản lớn là một hình thức bày tỏ tình cảm nên Furisode (Furi: vẫy, Sode: tay áo) là loại Kimono dành riêng cho các cô gái chưa lập gia đình. Dựa vào độ lớn của tay áo mà Furisode được chia làm 3 loại, loại lớn nhất là loại trang trọng nhất, được dùng khi kết hôn hoặc dịp lễ thành nhân.

    Tomesode (留袖)

    Kimono của phụ nữ đã kết hôn
    Tomesode (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Là bộ có “địa vị” trang trọng nhất trong các loại Kimono của phụ nữ đã kết hôn. Do không cần thể hiện tình cảm nên khác với Furisode, Tomesode có ống tay áo nhỏ hơn và màu sắc đằm thắm hơn. Các cô gái chưa chồng cũng có thể mặc Iro-tomesode - loại Tomesode được nhuộm màu tươi sáng .

    Homongi (訪問着)

    Kimono mặc trong những dịp xã giao

    Homongi (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    “Homon” trong tiếng Nhật có nghĩa là viếng thăm gia đình ai đó. Với mức độ trang trọng chỉ đứng sau Iro-tomesode, Homongi thường được mặc trong những dịp có sự xã giao như đám cưới, hội họp. Vào thời Meiji, Homongi được bày bán như một loại Kimono không quá sặc sỡ cũng không quá giản dị và ngay lập tức trở nên thịnh hành.

    Tsukesage (付下げ)

    hoa văn chạy dọc thân áo
    Tsukesake (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Thời nay, Tsukesage được xem là trang trọng không kém Homongi. Vào thời chiến, các bộ Homongi sặc sỡ bị cấm mặc và Tsukesage, vốn giản dị hơn, trở thành trang phục thay thế. Đặc trưng của Tsukesage là phần hoa văn chạy dọc thân áo được thiết kế không quá nổi bật mà nhỏ nhắn và đằm thắm. 

    Iromuji (色無地)

    Kimono mặc khi đi dạo phố
    Iromuji (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Là loại Kimono được nhuộm đơn sắc, trừ màu đen, mang đến vẻ gọn gàng cho người mặc. Iromuji được mặc trong nhiều dịp như đám cưới, lễ nhập học/ tốt nghiệp của con hay khi đi dạo phố. Người mặc có thể chọn loại vải và nhuộm lại nhiều lần.

    Tsumugi (紬)

    loại Kimono được nhiều người yêu thích
    Tsumugi (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Trong những trang phục dệt may, Tsumugi - vốn được sản xuất hoàn toàn từ lụa - được xem là trang nhã nhất và là loại Kimono được nhiều người yêu thích. So với các loại Kimono khác, Tsumugi khá đơn giản nên không được mặc đến các buổi tiệc trang trọng, nhưng trong đời sống thường nhật, Tsumugi cũng giống như quần jeans của giới trẻ, có thể mặc khi đi ăn uống hoặc mua sắm.

    Komon (小紋)

    Kimono cho những bữa tiệc thân mật
    Komon (Ảnh: Kimino-ya Kururi)

    Có đặc trưng là các hoa văn được lặp lại trên toàn bộ thân áo. Tương tự với Tsumugi, Komon cũng không phù hợp với những dịp trang trọng nhưng tùy vào cách phối đồ mà có thể diện khi đến những bữa tiệc thân mật hoặc mặc thường ngày. Komon có rất nhiều hoa văn nên chỉ việc lựa chọn cũng đem đến cho bạn niềm vui!

    Mayu Senda / kilala.vn

    30/12/2015

    Bài: Mayu Senda / Biên dịch: Lê Mai
    Ảnh: Kimino-ya Kururi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!