Chó Nhật: Người bạn bốn chân đặc biệt Hojoken

    Nhắc đến chó nghiệp vụ, người ta thường nghĩ đến những chú chó thông minh dũng cảm luôn sát cánh bên các chiến sĩ công an, quân nhân. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chó nghiệp vụ không chỉ được huấn luyện trong nhiệm vụ an ninh quốc phòng mà còn phục vụ cả trong lĩnh vực dân sự.

    Ở Nhật, những người khuyết tật sống một mình hay những cụ già neo đơn tuy được hỗ trợ bởi rất nhiều thiết bị hiện đại, nhưng họ vẫn có xu hướng lựa chọn nhận nuôi chú chó nghiệp vụ. Và những chú chó này được biết đến với tên gọi Hojoken. Các Hojoken được xem như một người bạn trung thành luôn ở bên giúp đỡ những đối tượng trên trong sinh hoạt đời thường.

    1. Chó Hojoken là gì? 

    Hojoken (補助犬) là những chú chó được huấn luyện đặc biệt để hỗ trợ người khuyết tật. Hojoken gồm 3 loại:

    + Mōdōken (盲導犬) – Chó dẫn đường: những chú chó này có nhiệm vụ làm đôi mắt thứ 2 cho người khiếm thị. Khi phát hiện ra vật cản, ngã rẽ hoặc cầu thang chúng sẽ ra hiệu cho chủ.

    chó Hojoken
    Một chú chó dẫn đường đang làm nhiệm vụ. (Ảnh và nguồn: docdog.jp)

    + Kaijoken (介助犬) – Chó trợ giúp: chúng có nhiệm vụ giúp người khuyết tật không thể tự di chuyển trong các hoạt động hằng ngày như mở cửa, nhặt đồ đánh rơi, xách giỏ đi chợ,.

    chó Kaijoken

    Chú chó Kaijoken đang giúp chủ cởi vớ (Ảnh và nguồn: wannya365.jp)

    + Chōdōken (聴導犬) – Chó hỗ trợ người khiếm thính: với nhiệm vụ ra hiệu bằng hành động nhằm thu hút sự chú ý, những chú chó này sẽ giúp chủ nhận biết các âm thanh xung quanh như tiếng chuông báo thức, chuông điện thoại, tiếng nước sôi…

    chó hỗ trợ

    Chōdōken còn giúp chủ nhận biết âm thanh của các phương tiện giao thông từ phía sau. (Ảnh: シャチ. Nguồn: 聴導犬PR犬.)

    Mỗi bé cún ở trên đều được tuyển chọn dựa theo “năng khiếu”, từ đó các nhân viên ở trung tâm huấn luyện sẽ có kế hoạch tập luyện riêng cho từng bé. Bản thân các em cũng phải cố gắng nỗ lực thật nhiều để vượt qua các bài tập nhận biết âm thanh, học cách ra hiệu và các quy tắc nhất định tuân theo như không được nhặt đồ ăn rơi vãi, không sủa lung tung, không được ngồi trên ghế, thậm chí là “đi vệ sinh” đúng giờ. Chính những hành động nhỏ bé của các chú cún sẽ giúp ích rất nhiều và mang lại niềm vui cho những người kém may mắn. 

    2. Chó nghiệp vụ và những hạn chế trong xã hội Nhật Bản

    Theo “Đạo Luật về chó nghiệp vụ dành cho người khuyết tật” được ban hành năm 2002, việc tiếp nhận chó trợ giúp đi cùng người khuyết tật vào nơi công cộng như bệnh viện, nhà hàng, khách sạn hay siêu thị là bắt buộc. Tuy ra đời cách đây khá lâu, nhưng đến nay đạo luật này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Ngoại trừ những tiệm cà phê thú cưng, và một vài nhà hàng đặc cách cho phép thú nuôi vào cùng chủ, còn lại hầu như đều từ chối.

    Chó nghiệp vụ không được xếp vào danh mục thú cưng, nhưng phần đông các nhà hàng đều e ngại các chú chó sẽ khiến những vị khách khác cảm thấy bất tiện. Hành động từ chối chó nghiệp vụ cũng bị xem như kỳ thị người khuyết tật. Chính vì vậy, tháng 6 năm 2002, Hiệp hội chó nghiệp vụ Nhật Bản ra đời, không chỉ là nơi đào tạo những chú chó thông minh nhất mực trung thành mà còn là tiếng nói bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật.

    huấn luyện chó ở Nhật

    Một buổi giới thiệu về chó trợ giúp do Hiệp hội tổ chức tại một trường tiểu học ở Shimizu

    Đến nay, Hiệp hội chó nghiệp vụ Nhật Bản đã phối hợp tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chó nghiệp vụ cũng như giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập vào xã hội. Một số tỉnh cũng thành lập các Trung tâm bảo vệ chó nghiệp vụ và hỗ trợ người tàn tật. Trước thềm Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đang đến gần, nhiều người khuyết tật hy vọng họ và người bạn bốn chân đặc biệt đều có thể tự do hòa mình vào không khí nô nức của Lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh mà không phải lo ngại bất cứ điều gì. 

    3. Chó trợ giúp lần đầu xuất hiện trong truyện tranh: 

    Ngày 1 tháng 11 năm 2019, bộ manga 介助犬ライカ(Kaijoken Raika, tạm dịch: Chú chó Leica) lấy chủ đề về chó trợ giúp được đăng định kỳ hàng tháng trên homepage của Hiệp hội chó trợ giúp Nhật Bản. Nội dung kể về hành trình trưởng thành của cậu thiếu niên yêu động vật Ibara Tasuku và chú chó trợ giúp Leica tại trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ.

    Nhóm tác giả của bộ truyện - Maki Naruse - chia sẻ, cả hai đều đã có những trải nghiệm quý báu tại Trung tâm huấn luyện Cynthia no Oka, thuộc Hiệp hội chó trợ giúp Nhật Bản, tọa lạc tại thành phố Nagakute, tỉnh Aichi. Sau buổi tham quan, họ quyết định gia nhập nhóm những người ủng hộ chó nghiệp vụ, tham gia vẽ tranh cổ động về chó tại các sự kiện, thiết kế nhãn dán trên mạng xã hội LINE và dùng toàn bộ số tiền kiếm được quyên góp cho chương trình huấn luyện chó trợ giúp của Trung tâm. Bộ truyện được vẽ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Cynthia no Oka, tái hiện một cách chân thực từ những bài luyện tập đặc biệt cho đến giây phút những chú chó nhỏ gặp được chủ nhân của mình.

    bộ manga về chó trợ giúp

    Nhóm tác giả Maki Naruse cùng bộ manga về chó trợ giúp. (Ảnh và nguồn: sippo.asahi.com.)

    “Chúng tôi hi vọng thông qua bộ truyện này, mọi người sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chó trợ giúp.” – Maki Naruse cho biết. Theo dự tính, bộ truyện có tất cả 16 tập đăng liên tục mỗi tháng, và tất nhiên là miễn phí để bất kỳ ai cũng có thể vào xem. 

    Dẫu đảm nhiệm bất cứ vai trò nào, là dẫn đường, đánh thức chủ nhân đúng giờ, hay phụ giúp trong sinh hoạt hằng ngày, những chú chó nghiệp vụ thông minh đáng yêu chính là đôi mắt, đôi tai hay đôi chân của người khuyết tật. Trong tương lai, hi vọng tất cả sẽ mở rộng vòng tay đón nhận người khuyết tật cùng chú chó nghiệp vụ như một phần của xã hội, trao cho họ quyền được đối xử bình đẳng để họ có thể sống cuộc sống bình thường như bao người.

    Nếu tình cờ bắt gặp một em chó nghiệp vụ đi cùng chủ, bạn không nên đến gần vuốt ve, chụp ảnh hay cho ăn nhé, vì các bạn ấy đang trong “giờ làm việc” mà. Những hành động tưởng chừng như rất bình thường của bạn có lẽ sẽ khiến người khuyết tật cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu thấy họ đang gặp khó khăn, đừng ngần ngại mà hãy bước đến và yêu cầu được giúp đỡ nhé. Chắc hẳn cả người ấy và em cún đều rất vui vì nhận được sự quan tâm từ những người xung quanh đó!

    kilala.vn

    10/01/2020

    Bài: Nguyễn Ngân
    Ảnh minh họa: Guidedog.org.za

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!