Hanachouzu: Hoa nở trên nước tại nơi linh thiêng ở Nhật Bản

    Những bồn nước nở đầy hoa rực rỡ như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của những ngôi đền, chùa tại xứ Phù Tang.

    Theo nghi lễ thông thường, khi viếng thăm chùa hay đền Thần đạo ở Nhật, mọi người thường nán lại bên bồn nước được đặt trong khuôn viên đền chùa để rửa tay, rửa miệng như một cách thanh lọc cơ thể trước khi bước vào nơi cư ngụ của thần linh, và nghi thức này có tên gọi là Misogi (禊ぎ). Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, hầu hết các địa điểm linh thiêng đã phải tạm dừng hình thức rửa tay nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Thay vào đó, các đền/chùa trên toàn đất nước Nhật Bản đã tận dụng những bồn nước này để trang trí các loài hoa muôn vẻ, muôn sắc nổi trên mặt nước nhằm an ủi trái tim khách thập phương đến thăm viếng. Bồn nước này được gọi là "Hanachouzu - 花手水", là sự kết hợp giữa “Hana" (hoa) và "Chouzu" (nước để rửa tay).

    hanachouzu
    Ảnh: PIXTA

     “Đóa hoa trên nước” đầu tiên đã nở ở chùa Yokoku, Kyoto

    Trước dịch bệnh, chùa Yanagidani Kannon (chùa Yokoku) ở Kyoto đã triển khai kiểu trang trí bồn nước độc đáo bằng hoa. Ngôi chùa nổi tiếng với bức tượng Bồ tát Quan âm mười một mặt, nghìn tay thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng và cầu nguyện. Trên tầng hai là Phòng học Kamishoin, nơi từng là phòng nghiên cứu dành riêng cho giới tinh hoa trong thời Minh Trị (1868-1912). Đặc biệt, bao quanh chùa là con đường hoa cẩm tú cầu, địa điểm nổi tiếng để thưởng thức hơn 4.500 cây hoa cẩm tú cầu khoe sắc vào tháng 6 và những tháng mùa hè. Sang thu, nơi đây lại được tô điểm bởi sắc đỏ của hàng cây lá phong, tạo nên khung cảnh rực rỡ hiếm thấy. Đây chính là hai “vật liệu” trang trí chính làm nên phong cách Hanachouzu tại chùa Yokoku.
    hanachouzu
    Chùa Yokoku thu hút khách du lịch bởi hoa cẩm tú cầu tuyệt đẹp. Ảnh: Welcome to Kyoto

    Ban đầu, thuật ngữ Hanachouzu được dùng để chỉ việc rửa tay bằng cách chà xát tay với hoa hoặc lá thay vì dùng nước trong các lễ hội đền thần ngoài trời không có nước để rửa tay. Sau này, Hanachouzu trở thành từ để chỉ phong cách bồn rửa tay “nở hoa” ở chùa Yokoku. Vẻ đẹp đầy sức sống này đã trở thành đề tài hấp dẫn trên mạng xã hội và phổ biến khắp cả nước. 

    hanachouzu

    Hanachouzu tại chùa Yokoku. Ảnh: Tenki.jp

    Những đóa hoa tái sinh trong nước

    Khi dịch bệnh bắt đầu trở nên phức tạp, tại nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản, những ngôi đền, chùa bắt đầu tạm ngưng việc rửa tay tại bồn để hạn chế lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số lượng hoa lớn đã được chuẩn bị cho các buổi lễ, hội họp… nhưng không được dùng đến và gần như bị bỏ đi do các lễ hội bị hủy. Điều này đã tạo nên “một nốt trầm” trong cuộc sống của người dân Nhật Bản. 
    hanachouzu
    Rửa tay là một nghi lễ linh thiêng trước khi vào đền/ chùa tại Nhật. Ảnh: Tenki.jp

    Chính vì thế, để tránh tình trạng lãng phí cũng như tiếp thêm động lực cho mọi người, nhiều đền chùa ở Nhật đã lấy cảm hứng từ chùa Yokoku để mang những đóa hoa trở về đúng vai trò tỏa hương, tỏa sắc của chúng, bằng cách tạo nên Hanachouzu. Có thể kể đến một số nơi như: đền Dazaifu Tenmangu, chùa Toufuku, đền Kitano-tenmangu…

    hanachouzu
    Ảnh: PIXTA

    Đa dạng loại hoa khoe sắc

    Vì hoa trang trí trên nước là hoa tươi, nên tuổi thọ của chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí của bồn rửa tay, loại hoa và cả thời tiết. Từ khi thả hoa vào nước, hoa có thể giữ được hương và sắc trong khoảng 3 ngày vào mùa hè, 1 tuần vào mùa thu, và có thể lên đến 2 tuần vào mùa đông. 

    hanachouzu
    Ảnh: PIXTA

    Giờ đây, nghệ thuật Hanachouzu không chỉ giới hạn trong hai loại là hoa cẩm tú cầu và lá phong mà trở nên đa dạng hơn: có thể là hoa do đền/ chùa thả hay người viếng chùa dâng lên để nhận lại ấn tự (những ngôi chùa lớn thường phát ấn cho du khách và thường được đóng ấn vào sổ Goshuincho). Tiền mua hoa cũng có thể được quyên góp qua thùng từ thiện đặt cạnh bồn rửa tay.

    kilala.vn

    31/08/2021

    Bài: Hoàng Quyên

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!