Futon: Chiếc nệm thân thương của người Nhật Bản
Futon từ lâu đã trở thành văn hóa của người Nhật Bản, việc sử dụng Futon không chỉ mang đến sự thoải mái, tiết kiệm không gian mà còn gọn nhẹ và dễ di chuyển.
Nếu là fan cuồng của bộ truyện tranh Doraemon thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với căn phòng của Nobita, trong đó có chiếc bàn học ngay cạnh cửa sổ, chiếc tủ quần áo nơi Doraemon nằm ngủ, và cả tấm nệm mà cậu hay. tè dầm nữa! Và bạn có biết, tấm nệm ấy chính là một trong số những nét văn hóa đặc trưng nhất trong lối sống của người Nhật Bản có tên gọi "Futon".
Đôi nét về Futon
Futon (布 団) được hiểu nôm na là bộ vật dụng phòng ngủ truyền thống của Nhật Bản. Một bộ Futon hoàn chỉnh gồm có một tấm nệm gọi là "Shikubuton (敷 布 団) và tấm chăn bông đắp bên trên gọi là "Kakebuton" (掛 布 団). Futon được trải trên nền chiếu Tatami được xem là hình ảnh quen thuộc của những ngôi nhà Nhật truyền thống. Do tính chất sử dụng qua lại các không gian trong nhà của một căn phòng kiểu Nhật truyền thống (gọi là Washitsu) mà sau khi sử dụng, Futon có thể được gấp lại và cất gọn gàng trong ngăn tủ chứa đồ để tạo không gian trống dùng vào những việc khác. Mặc dù trông có vẻ nặng nề nhưng Futon thật ra rất thoáng khí, thích hợp sử dụng trong cả mùa đông lẫn mùa hè.
Futon xuất hiện khi nào?
Tuy nhiên, thời gian này, người Nhật vẫn chưa phát minh nên tấm đệm bông mà vẫn chỉ ngủ "trần" trên các tấm chiếu Tatami. Mặc dù cây bông đã tồn tại ở Nhật Bản từ thời Heian song lại không được chú trọng. Đến thời đại Chiến quốc (1467 – 1615), bông được sử dụng để làm vật liệu chiến tranh như làm ngòi nổ ở dây bom. Đầu thời kỳ Edo (1603 –1868), nhu cầu về bông cho chiến tranh đã giảm xuống, do đó, bông bắt đầu đưa vào sử dụng trong dân chúng. Vào thời điểm đó, người Nhật chưa có khái niệm về "đồ ngủ". Vì vậy, sự gia tăng sử dụng bông đã dẫn đến sự phát triển của những bộ đồ ngủ đầu tiên của Nhật Bản được gọi là "Kaimaki futon" (掻 巻 布 団). Đây được xem là tiền đề cho sự ra đời của Futon.
Những chiếc Futon đầu tiên được làm với chất lượng thấp, ít bông nên còn khá cứng. Loại chất lượng cao, được làm thủ công và dùng những loại bông tốt nhất chỉ có những gia đình quyền quý, giàu có mới có thể mua được. Cho đến khoảng cuối thế kỷ 19, các cửa hàng chuyên bán nệm bông ép mới bắt đầu xuất hiện, thêm vào đó là việc nhập khẩu bông đã giúp cho giá thành Futon rẻ hơn, từ đó dần trở nên phổ biến trong cộng đồng.
Giặt và bảo quản Futon thế nào?
Futon trở nên thịnh hành trong các gia đình Nhật Bản vì sự tiện lợi của mình. Nếu không sử dụng, Futon có thể xếp gọn và cất trong tủ, nhường không gian cho các sinh hoạt khác trong gia đình, đặc biệt là với những ngôi nhà có diện tích không lớn.
Do tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà nên người Nhật rất thường xuyên vệ sinh Futon cũng như mang Futon ra ban công phơi vào những ngày nắng tốt để chống ẩm mốc, đặc biệt là trong mùa đông và mùa mưa (Tsuyu). Vào thời xưa, khi máy giặt chưa trở nên phổ biến, người Nhật thường vệ sinh Futon bằng cách phơi nắng và dùng một dụng cụ gọi là "Futon-tataki" (布団たたき) để đập hết bụi bẩn ở trong nệm ra ngoài. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng giặt Futon tại những tiệm giặt ủi chuyên dụng, hoặc tự giặt tại nhà đối với loại Futon có kích cỡ nhỏ. Người Nhật còn sáng tạo ra loại kẹp cỡ lớn chuyên dùng để cố định các tấm Futon khi phơi trên lang cang ban công gọi là "Futonbasami" (布団ばさみ). Hình ảnh những tấm Futon treo trên ban công hóng gió dưới ánh nắng mặt trời cũng là điểm đặc trưng và khiến nhiều người nghĩ đến khi nhớ về Nhật Bản.
Nét văn hóa đặc trưng nhất trong lối sống người Nhật Bản
Futon là một vật dụng không thể thiếu trong một căn phòng ngủ theo lối Washitsu. Với nhiều người Nhật, khi họ nhìn thấy một căn phòng được trải Futon thì họ sẽ bất chợt cảm giác thân quen như đang ở nhà vậy.
Xem thêm: Khi nào người Nhật cảm thấy mình là người Nhật Bản?
Với người nước ngoài, ngủ trên Futon cũng là một lựa chọn thú vị. Những khách sạn được xây theo kiểu truyền thống, được gọi là Lữ quán – Ryokan (旅館) với sàn nhà trải Tatami và nệm là Futon luôn được nhiều du khách yêu thích và lựa chọn như một cách cảm nhận không khí Nhật Bản khi đến du lịch nơi đây.
Việc lựa chọn Futon ngoài vấn đề tiết kiệm không gian, thoải mái còn về vấn đề an toàn. Theo thống kê, mỗi năm Nhật Bản phải chịu khoảng 7.500 trận động đất lớn nhỏ khác nhau, chính vì thế, sự an toàn luôn được đề cao tại quốc gia này. Khi có động đất xảy ra, những khung giường lớn và nặng có thể gây thương tích cho người sơ tán. Trong khi đó, Futon lại là một lựa chọn an toàn lại còn dễ dàng di chuyển và trong nhiều tình huống khẩn cấp còn có thể dùng làm vật che chắn.
Xem thêm: Đối phó khi xảy ra động đất
kilala.vn
01/04/2021
Bài: Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận