Đối phó khi xảy ra động đất

    Động đất là một thảm họa tự nhiên cực kỳ nghiêm trọng; đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương. Sau một trận động đất, nhà của bạn có thể trở thành một mớ hỗn độn và bạn có thể bị bỏ rơi mà không có một nguồn cung cấp nước và năng lượng nào. Sau đây là một vài điều bạn có thể làm để chuẩn bị cho động đất trước khi nó xảy ra, nhằm giảm bớt thương vong và thiệt hại trong và xung quanh ngôi nhà của bạn.

    1. Kiểm tra và xử lý các mối nguy hiểm trong nhà

    Trong nhà của bạn luôn có một số nguy cơ nào đó cần phải được xử lý trước khi xảy ra động đất. Vì vậy, hãy:

    Xiết chặt tất cả các kệ vào tường.

    Dùng màng bảo vệ cửa sổ để khỏi bị vỡ kính. Bạn cũng có thể dán băng keo chéo qua kính cửa sổ để chúng khỏi bị vỡ.

    Dùng công-xon để cố định giá sách hoặc các loại đồ nội thất to cao khác vào tường. Công-xon khung thép tiêu chuẩn rất thích hợp và cũng dễ sử dụng.

    Đặt các vật nặng ở kệ thấp hoặc trên sàn nhà. Chúng có thể bị rơi khi xảy ra động đất nên độ cao càng thấp càng tốt. Bạn cũng có thể bắt vít cho các loại vật dụng khác như bàn.

    Đặt thảm lót bên dưới các vật nặng như tượng, hồ cá, bình hoa… để chúng khỏi bị trượt. Cắt thảm theo kích thước phù hợp để tiết kiệm.

    Dùng dây nylon buộc chặt những món vật dụng cao nặng vào tường để khỏi bị lật ngã. Bạn bắt một vít vào tường và ràng dây xung quanh vật dụng (ví dụ như chiếc bình to) và buộc vào vít.

    Cho các món đồ dễ vỡ như chai lọ, thủy tinh, đồ sứ… vào trong tủ và gài khóa kín để tránh cửa bị bật mở. Dùng silicon khô để cố định tạm những món vật dụng này.

    Các bức tranh treo tường to nặng, thiết bị chiếu sáng và gương phải được treo cách xa giường, ghế hoặc bất kỳ chỗ nào có người ngồi. Các loại móc thông thường khó giữ được bức tranh khi xảy ra động đất nên bạn phải bẻ cong và khép kín nó lại hoặc dùng dây để ràng kín chỗ hở. Cũng có thể tìm mua các loại móc nghệ thuật chuyên dụng miễn là nó phù hợp với kích cỡ và trọng lượng của bức tranh.

    Đối phó khi xảy ra động đất

    Cố định các vật dụng trong nhà để giảm thiệt hại khi xảy ra động đất (Ảnh: PIXTA)

    Nếu phát hiện có bất kỳ vết nứt nào trên trần nhà hoặc ở móng, bạn cần phải trám chúng lại ngay. Có thể phải tham khảo ý kiến của kỹ sư xây dựng nếu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu về kết cấu. Phải đảm bảo nền móng và cấu trúc ngôi nhà được vững chãi.

    Kiểm tra lại các hệ thống dây điện, thiết bị điện và kết nối khí gas. Tiến hành sửa chữa nếu cần thiết. Trong một trận động đất, các phụ kiện và hệ thống dây điện bị lỗi có thể trở thành một mối nguy hiểm hỏa hoạn tiềm năng. Khi bảo vệ thiết bị, cố gắng không dùng khoan mà thay vào đó là tận dụng những lỗ hổng tự nhiên hoặc tạo những đai da để ràng buộc.

    Thiết bị chiếu sáng trên cao cần phải móc chắc lại để khỏi bị rơi.

    Hỏa hoạn sau động đất thậm chí có thể gây nhiều thiệt hại hơn cả trận động đất. Cho các vật dụng dễ cháy vào trong tủ kín và khóa chốt lại. Dùng dây và móc ràng chặt những bình khí đốt vào tường để chúng khỏi ngã đổ. Sử dụng những phụ kiện linh hoạt cho đường ống dẫn khí và có thể cả đường ống nước trong nhà. Có thể cần một thợ sửa ống nước chuyên nghiệp để làm việc này.

    Nếu nhà bạn có ống khói, chúng có thể là nguyên nhân gây thương vong nếu bị đổ sập do động đất. Cần phải cố định vững chắc vào tường nhà bằng cách sử dụng ke và nẹp kim loại mạ kẽm ở đỉnh, trần và đế. Các góc có thể được bắt chốt vít vào tường, rầm hay rui trần. Với phần ống khói nhô trên mái cần phải ràng buộc vào mái nhà.

    2. Lập kế hoạch phòng chống

    Xác định những việc mà bạn và gia đình cần làm trước khi xảy ra động đất. Cùng nhau thiết lập kế hoạch và duyệt lại thường xuyên.

    Thực hành “nằm xuống, che phủ và bám chặt”. Nằm xuống sàn nhà, ẩn núp dưới bàn vững chắc và bám chặt. Hãy chuẩn bị hứng chịu rung lắc và đối phó các vật thể rơi xuống. Xác định các địa điểm ẩn nấp tốt nhất trong nhà. Chiếc bàn to chắc hay khung cửa vững chãi là những vị trí thích hợp. Nếu không thì nằm trên sàn nhà cạnh một vách ngăn nhẹ và bảo vệ đầu và cổ của mình. Tránh xa những đồ nội thất to lớn, gương, tường bao và cửa sổ, tủ bếp và bất kỳ thứ gì to nặng khác. Lưu ý phải dọn dẹp mọi thứ có thể gây nguy hiểm trên mặt bàn như dao, kéo hoặc bình hoa. Vì nếu có vật thể rơi trúng bình hoa có thể làm nó bị vỡ tung tóe khắp nơi, có thể gây thương tích.

    Chuẩn bị sẵn một đôi giày bền chắc và vớ trong túi nhựa để dưới gầm giường. Bạn sẽ cần đến chúng nếu có gương và kính vỡ trên sàn nhà. Cũng nên để sẵn một chiếc đèn pin.

    Đối phó khi xảy ra động đất

    Luôn để những vật quan trọng như giấy tờ tùy thân, đồ cứu hộ trong trường hợp khẩn, đèn pin, còi cấp cứu. ở ngay bên cạnh kể cả trong lúc ngủ (Ảnh: PIXTA)

    Hướng dẫn mọi người trong nhà cách dùng còi cấp cứu hoặc gõ tín hiệu ba lần liên tục nếu bị mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ trong khi tìm kiếm có thể nghe được âm thanh này.

    Trang bị kiến thức cũng như kỹ năng sơ cứu và hô hấp nhân tạo. Có thể thông qua các nguồn trên mạng hoặc trung tâm hỗ trợ cộng đồng để trang bị cho mình và các thành viên trong gia đình những phương pháp này. Cần phải chuẩn bị sẵn một túi vật tư y tế và sơ cứu.

    Lựa chọn một điểm tập hợp cho gia đình sau trận động đất. Địa điểm cần phải tránh xa các tòa nhà. Tính trước những phương án phòng ngừa nếu xảy ra trường hợp có những người không thể đến được địa điểm tập kết. Khi đó, các thành viên cần phải biết được vị trí của các trung tâm hỗ trợ dân sự gần nhà, trường học hoặc văn phòng. Xác định một người thân ở xa khu vực để mọi người trong gia đình có thể gọi điện hoặc liên hệ.

    Cố gắng phát triển các tuyến đường và phương pháp về nhà sau khi xảy ra động đất. Vì không biết chính xác khi nào động đất xảy ra nên khi đó có thể bạn đang ở văn phòng, trường học, trên xe bus hay trên tàu điện. Vì thế, bạn cần biết trước một số cách để về nhà vì đường xá và cầu có thể bị tắc nghẽn trong một thời gian dài.

    3. Chuẩn bị các nguồn cung cấp thiết yếu cho thảm họa

    Nguồn cung cấp thiết yếu cho thảm họa
    (Ảnh: PIXTA)

    Bạn cần chuẩn bị sẵn trong nhà của mình những thứ sau đây:

    Mua đèn pin và pin dự phòng (tốt nhất là mỗi người một cái). Nên trang bị một radio xách tay và dùng pin. Nếu mua được loại đèn pin hoặc radio chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc động năng thì càng tốt.

    Mua và sử dụng "gậy phát sáng". Nến cũng tiện dụng nhưng phải cực kỳ cẩn thận vì có thể gây hỏa hoạn trong trường hợp rò khí gas hoặc nhiên liệu bị chảy tràn.

    Chuẩn bị một bộ sơ cứu có hướng dẫn kèm theo.

    Tích trữ nước uống và thực phẩm khẩn cấp. Hai tuần là tốt nhất.

    Tập hợp công cụ vào một hòm riêng hoặc một địa điểm. Những món đồ nghề cần phải có là chìa vặn đai ốc cho ống dẫn khí, búa nặng, găng tay bền chắc và một xà beng. Cần chuẩn bị sẵn cả diêm.

    Tập hợp dụng cụ ăn uống và đun nấu cùng với bếp cắm trại. Nhớ kèm theo cả một cái khui đồ hộp.

    Chuẩn bị một số túi nhựa to dày để đựng rác hoặc dùng làm bạt hay áo mưa…

    Chuẩn bị thực phẩm và các vật dụng cho vật nuôi.

    Chuẩn bị một bộ quần áo ấm và thoải mái cho từng thành viên trong gia đình. Cần có cả túi ngủ và gối.

    Điện thoại trả trước và radio hai chiều cũng khá hữu ích. Nhưng không nên trông chờ vào điện thoại vì nó có thể bị mất sóng.

    4. Phối hợp với cộng đồng

    Nếu trong khu vực của bạn không có các nhóm hay tổ chức chuyên trách hỗ trợ về động đất thì mọi người cần phải phối hợp với nhau để nâng cao nhận thức và chuẩn bị sẵn sàng. Kiến thức chính là yếu tố quan trọng nhất để mọi người được an toàn.

    Theo wikiHow

    13/06/2016

    Nguồn: wikiHow/ Dịch: Nguyên Giang/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!