Dọn dẹp khán đài World Cup: Chuyện lạ thế giới, chuyện thường ở Nhật

    Hình ảnh các cổ động viên Nhật Bản tích cực thu gom rác trên khán đài sau các trận đấu một lần nữa khẳng định nét văn hóa đáng nể của người Nhật. 

    Dù đội nhà thắng hay thua trong khuôn khổ các trận đấu World Cup 2022, việc các cổ động viên người Nhật vẫn nán lại để dọn dẹp sạch sẽ khán đài đã gây nhiều tò mò với người nước ngoài. Không chỉ cổ động viên, bản thân cầu thủ người Nhật cũng nổi tiếng với việc dọn dẹp phòng thay đồ của đội như treo lại khăn tắm, lau sàn nhà và thậm chí là để lại tờ giấy ghi chú với lời cảm ơn. 

    Những hành động đẹp trên ngay lập tức xuất hiện ở các bài đăng trên mạng xã hội về World Cup 2022 tại Qatar, nhưng đây là lại điều bình thường với cổ động viên hay cầu thủ Nhật Bản. Họ đơn giản chỉ làm điều mà hầu hết mọi người ở Nhật đều thực hiện là dọn dẹp vệ sinh ở nhà, trường học, nơi làm việc hay đường phố. 

    cổ động viên Nhật Bản dọn dẹp rác tại World Cup
    Cổ động viên Nhật Bản ở lại dọn dẹp rác sau trận đấu tại World Cup 2022. Ảnh: dailymail.co.uk

    Huấn luyện viên Hajime Moriyasu chia sẻ: “Với người Nhật, nó chỉ là chuyện thường tình. Khi bạn rời khỏi nơi nào đó, bạn phải để lại một không gian sạch sẽ hơn trước. Đây là điều chúng tôi được giáo dục từ bé. Đó là nét văn hóa cơ bản của nước tôi. Với chúng tôi, nó chẳng có gì đặc biệt cả”. 

    Một phát ngôn viên của Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản cho biết hội đã cung cấp 8.000 bao rác với lời cảm ơn viết bằng tiếng Ả Rập, tiếng Nhật và tiếng Anh bên ngoài bao bì để giúp cổ động viên Nhật thu dọn rác sau các trận đấu. 

    Xem thêm: Văn hóa dọn dẹp của người Nhật

    Barbara Holthus, nhà xã hội học đã sống ở Nhật trong một thập kỷ qua cho biết việc tự mình dọn dẹp vệ sinh đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản. Đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản của Đức, bà Holthus phân tích: “Bạn sẽ luôn phải đem rác về nhà khi ở Nhật bởi vì không có thùng rác trên đường phố. Học sinh Nhật dọn dẹp lớp học. Từ nhỏ, người Nhật đã được học chịu trách nhiệm về sự sạch sẽ của không gian mà họ sinh hoạt”. 

    học sinh nhật dọn dẹp vệ sinh trường lớp
    Học sinh Nhật Bản dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Ảnh: blog.willamette.edu

    Khá nhiều trường tiểu học Nhật Bản không có lao công vì vậy các công việc dọn dẹp thuộc về những học sinh nhỏ tuổi. Nhân viên văn phòng ở xứ sở hoa anh đào cũng thường dành một tiếng đồng hồ để dọn dẹp chỗ làm. Holthus nói thêm: “Điều này một phần là do văn hóa, nhưng cũng nhờ chế độ giáo dục đã rèn luyện mọi người trong một thời gian dài để thực hiện việc dọn dẹp một cách tự giác”. 

    Đây là lần thứ bảy nước Nhật tham gia tranh tài ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup và hành động dọn dẹp của người Nhật đã thu hút truyền thông ngay ở lần đầu tham dự World Cup năm 1998 ở Pháp. 

    Trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo cũng đã đưa ra lời nhắc nhở các cổ động viên tự dọn vệ sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà cổ động viên nước ngoài đã không thể tham dự. 

    cổ động viên nhật bản dọn dẹp rác 2
    Cổ động viên Nhật Bản dọn dẹp rác sau trận đấu Nhật - Đức tại Sân vận động quốc tế Khalifa ở Doha, Qatar vào ngày 23/11. Ảnh: Mainichi 

    Tại Tokyo, đô thị sầm uất bậc nhất Nhật Bản vẫn có vài thùng rác công cộng. Điều này giúp cho đường phố sạch sẽ hơn, tiết kiệm chi phí thu dọn thùng rác và tránh được sâu bọ. 

    Midori Mayama, phóng viên thể thao người Nhật tác nghiệp tại Qatar cho biết: “Không ai ở Nhật muốn được lên báo về hành động dọn dẹp này. Tất cả chúng đều là bình thường”. Cô cũng cho biết việc dọn dẹp này cũng diễn ra ở các giải đấu bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản. 

    Mặc cho điều này là chuyện thường với người Nhật nhưng cầu thủ người Ý Alberto Zaccheroni đã có thời gian huấn luyện tại Nhật từ năm 2010 đến năm 2014 cho rằng nó không phải là việc mà nhiều đội làm khi họ thi đấu ở nước ngoài. 

    Anh cũng nói thêm: “Ở mọi nơi trên thế giới, các cầu thủ thường bỏ lại đồ thi đấu trên sàn của phòng thay đồ. Sau đó, nhân viên dọn dẹp đến và thu gom chúng. Nhưng cầu thủ người Nhật thì khác, họ xếp chồng quần, tất và áo thi đấu lại với nhau”. 

    kilala.vn

    29/11/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!