Các phong tục ít người biết của Nhật Bản

    Nếu là một người yêu Nhật Bản, có lẽ văn hóa thưởng hoa Hanami, lễ Tiết phân Setsubun hay lễ hội Thất tịch Tanabata đã khá quen thuộc với bạn. Bên cạnh đó, đất nước mặt trời mọc còn khá nhiều truyền thống và lễ hội có quy mô nhỏ hơn nhưng thú vị không kém mà không phải người nước ngoài nào cũng biết đến.

    Nagashi-bina - Thả búp bê

    Xứ sở hoa anh đào có vô số lễ hội về búp bê, nhưng nổi bật hơn cả là lễ hội búp bê Hina Matsuri diễn ra vào ngày 03/03 hằng năm. Lễ hội được cho là đã ra đời cách đây gần 1.000 năm, vào thời Heian (794 – 1185). 

    Trong khuôn khổ Hina Matsuri, ngoài việc trưng bày kệ búp bê và thưởng thức các món bánh kẹo còn có nghi lễ Nagashi-bina (流し雛). Những chiếc thuyền chở theo búp bê được thả trôi sông, tượng trưng cho việc loại bỏ điều xui xẻo khỏi chủ nhân của búp bê, chính là các bé gái. 

    Nagashibina
    Nghi lễ Nagashi-bina. Ảnh: sansai-tamaki.com

    Trong những năm gần đây, Nagashi-bina ngày càng ít được diễn ra. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi duy trì và bảo tồn tập tục này, một trong số đó là Hiệp hội Edo Nagashi-Bina. Hiệp hội đã tổ chức sự kiện thả búp bê tại Tokyo dọc theo sông Sumida mỗi năm. 

    Sự kiện này nổi tiếng đến mức mọi người muốn được thả búp bê xuống sông cần phải đăng ký trước. Và mỗi năm, có khoảng 1.500 người được lựa chọn từ số lượng đông đảo người đăng ký này.

    Junrei - Hành hương

    Là một quốc gia với tôn giáo chính là Thần đạo (Shinto) pha trộn với Phật giáo, có khá nhiều chuyến hành hương (巡礼 – Junrei) đưa các tín đồ khám phá khắp nước Nhật. Một trong số những chuyến hành hương nổi tiếng hơn cả là Shikoku Henro, đi qua 88 ngôi chùa. Tín đồ tham gia chuyến hành hương Shikoku phải vượt qua 1.400km đường bộ và viếng thăm từng ngôi chùa trên cung đường này. 

    hành hương Shikoku
    Chuyến hành hương Shikoku đi qua 88 ngôi chùa. Ảnh: okujapan.com

    Trước đây, tín đồ của Shikoku Henro phải đi bộ đến 40 ngày mới hoàn thành được chuyến hành hương, nhưng hiện nay, việc di chuyển bằng ô tô đã được cho phép. 

    Đi bộ là lựa chọn được khuyến khích nhưng cũng có chi phí cao nhất, ngược lại, di chuyển bằng ô tô chỉ mất 10 ngày và giá cả cũng thấp nhất. Khác với thời xưa, người hành hương hiện đại đã linh hoạt kết hợp đi bộ với sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

    Hành hương là một nét văn hóa đặc biệt của xứ anh đào. Ngoài viếng thăm những địa điểm linh thiêng, thậm chí còn có cả "hành hương anime" đến các địa điểm có thật đã từng xuất hiện trong một số phim hoạt hình (cũng có thể là manga).

    Xem thêm: Nhật Bản phát triển trang phục robot cho người hành hương

    Hatsuhinode - Ngắm bình minh đầu tiên trong năm

    “初日の出 – Hatsuhinode” là truyền thống ngắm bình minh đầu tiên trong năm từ địa điểm cao nhất có thể, chẳng hạn như đài quan sát, để thu vào tầm mắt khung cảnh đẹp đẽ của năm mới. 

    Đây cũng là một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết  của người Nhật vì được cho là mang lại may mắn, thành công cho năm mới. Theo truyền thống này, hoạt động leo núi vào đêm Giao thừa để được ngắm nhìn Hatsuhinode từ trên cao rất phổ biến với người Nhật. 

    Hatsuhinode
    Nghi lễ Hatsuhinode vào đầu năm mới của người Nhật. Ảnh: hibishinbun.com

    Xem thêm: 3 địa điểm tuyệt đẹp để đón bình minh năm mới tại Nhật Bản

    Nanakusa Gayu - Cháo thất thảo

    Vào ngày 07/01 hằng năm, người Nhật có phong tục thưởng thức cháo Nanakusa Gayu (七草粥) được nấu từ 7 loại thảo mộc, được tin là sẽ giúp đánh đuổi yêu ma và bảo vệ sức khỏe trong một năm. Hiện nay, bạn có thể dễ dàng mua những bịch rau Nanakusa được đóng gói tiện lợi ở các siêu thị để nấu tại nhà, hoặc có cả cháo ăn liền dành cho người bận rộn. 

    cháo Nanakasu Gayu
    Cháo Nanakusa Gayu. Ảnh: tokyoweekender.com

    Touji - trị liệu tại suối nước nóng

    Ngày xưa, các nông dân Nhật Bản sẽ rời khỏi nông trang của mình để đến thư giãn tại các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng trong suốt mùa đông nhằm phục hồi sức khỏe. Phong tục này được gọi là "Touji - 湯治", tuy nhiên nó đã dần ít phổ biến hơn trong thời hiện đại. 

    touji
    Kỳ nghỉ đông Touji của nông dân Nhật Bản. Ảnh: tokyoweekender.com

    Vào thời xưa, khi chưa có máy điều hòa không khí và nhà kính, trong cái giá lạnh của mùa đông, người nông dân Nhật không thể làm bất kỳ công việc đồng áng nào. Họ đã tận dụng cơ hội này để hồi phục sức khỏe tại các khu suối nước nóng địa phương. Nông dân trú ngụ tại một cơ sở suối nước nóng trong khoảng 1 tuần, 1 tháng hoặc thậm chí là lâu hơn.

    kilala.vn

    06/03/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: tokyoweekender.com
    Ảnh bìa: @mktribune/ Twitter

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!