Vàng tăng giá làm chao đảo nghề truyền thống của Kanazawa
Giá vàng tăng mạnh khiến nghề làm vàng lá ở thành phố Kanazawa chao đảo khi sản lượng bán ra giảm và thiếu vắng thợ thủ công.
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá vàng châu Á tăng mạnh. Theo đại lý vàng bạc lớn của Nhật Bản Tanaka Kikinzoku Kogyo K.K., giá vàng bán lẻ đạt mức cao kỷ lục 9,794 yên/gam (hơn 1,6 triệu VNĐ) vào ngày 10/5.
Kanazawa, thủ phủ của tỉnh Ishikawa, là nơi tập trung hơn 80 công ty sản xuất hoặc bán vàng lá, cùng những nhà làm thủ công gia truyền. Các công ty này phân phối 99% sản lượng vàng lá trong nước, theo Hiệp hội Hợp tác xã ngành Công nghiệp vàng lá tỉnh Ishikawa.
Trong năm tài khóa 2022 (từ 1/4/2021 – 31/3/2022), giá trị sản xuất từ ngành công nghiệp vàng lá trong thành phố đã giảm xuống còn 1,6 tỷ yên - bằng khoảng 10% so với mức 13,6 tỷ yên của năm tài khóa 1990.
Theo Jiji, giá vàng nguyên liệu cao khiến các cửa hàng tăng giá thành, dẫn đến sụt giảm nhu cầu của người dùng.
Ở Nhật Bản, vàng lá được tạo ra bằng cách dát vàng thành những tấm cực mỏng. Chúng chủ yếu được sử dụng để phủ bàn thờ Phật và các vật dụng khác.
Kenichi Matsumura - chủ tịch của Hiệp hội bảo tồn kỹ thuật truyền thống làm lá vàng Kanazawa - cho biết: “Điều tôi lo lắng bây giờ là việc các ngôi chùa đóng cửa”.
Ngày càng có nhiều chùa - thường sử dụng lá vàng để trùng tu mỗi năm - gặp khó khăn trong việc duy trì cơ sở do số lượng danka (người đi chùa) giảm.
Hơn nữa, việc các hộ gia đình ngày càng ít có nhu cầu đặt Butsudan - bàn thờ Phật trong nhà góp phần khiến số lượng vàng lá bán giảm.
Để đáp ứng ngân sách của khách hàng, các nghệ nhân dùng nhiều cách khác nhau như cố gắng giảm lượng vàng lá được sử dụng trên các bộ phận kín đáo như mặt sau của bàn thờ Phật.
Xem thêm: Kirikane - Kỹ thuật thổi hồn cho nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản
Song song, giá vàng tăng còn khiến số lượng thợ thủ công truyền thống dần suy giảm. Trong tình hình kinh tế suy thoái, chỉ một số ít người quyết tâm theo đuổi Entsuke (縁付 - nghệ thuật làm lá vàng truyền thống).
Nghề thủ công làm lá vàng đòi hỏi nghệ nhân có kỹ thuật cao. Theo japannews, mỗi người cần 3-4 năm để học về toàn bộ quy trình. Sau đó, họ lại cần thêm 5 đến 10 năm để thành thạo các bước của Entsuke.
Trong khi đó, làm lá vàng kiểu Tachikiri - một phương pháp công nghiệp tinh giản - lại nhanh hơn và ít tốn kém chi phí.
Theo đó, hằng năm, số lượng thợ thủ công truyền thống lại càng suy giảm - là dấu hiệu đáng lo cho việc bảo tồn những cách làm truyền từ đời cha ông.
Xem thêm: Quy trình làm lá vàng
kilala.vn
31/05/2023
Bài: Quỳnh Tora
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận