Kem dát vàng từ Nhật gây bão tại Việt Nam và thế giới
Quy trình sản xuất lá vàng vô cùng công phu!
Việc sản xuất vàng lá trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Quá trình làm vàng lá trải qua 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1
Cho một lượng nhỏ bạc và đồng được nấu chảy vào vàng và đun ở nhiệt độ 1300 độ C. Việc cho thêm đồng và bạc như vậy để điều chỉnh màu sắc của vàng, đồng thời vì vàng tinh khiết 99,99% quá mềm, rất khó tạo thành vàng lá. Đổ hỗn hợp kim loại sau khi làm tan chảy vào khuôn để định hình.
Giai đoạn 2
Cho hợp kim này vào máy cán, kéo dài thành hình vành đai, quy trình này được lặp đi lặp lại 20 lần đến khi hợp kim mỏng đến độ 0.02 - 0.03 mm. Đem vàng cắt thành các miếng vuông cạnh 6 cm, người ta gọi hình vuông này là koppe.
Giai đoạn 3
Koppe được kẹp giữa các tờ giấy xếp chồng lên nhau, cán mỏng và kéo thành hình vuông cạnh 12 cm, cắt làm tư, tiếp tục làm như vậy để đạt hình vuông cạnh 20 cm, sau đó cũng cắt làm tư. Đến thời điểm này vàng đã mỏng đến mức 0.003 mm.
Giai đoạn 4
Tờ giấy truyền thống ganpishi của Nhật chính là bí quyết làm nên miếng vàng lá mỏng dính này. Giấy được ngâm trong hỗn hợp bao gồm: rơm, trứng gà và nước ép trái hồng. Sau đó được đập bằng búa máy với lực vừa phải trong khoảng 3 tháng để trở nên mỏng và sáng bóng, bề mặt giấy mịn hoàn hảo không tì vết. Kẹp những miếng vàng ở giữa các tờ giấy này và tác dụng lực của búa máy làm cho những lá vàng dàn mỏng đều, không có chỗ lồi lõm. Công đoạn này lặp đi lặp lại trong vài ngày, lá vàng càng ngày càng mỏng hơn, lá lớn sẽ được cắt nhỏ và kẹp vào tờ giấy khác và tiếp tục được tán mỏng. Kết quả cuối cùng là lá vàng cực mỏng chỉ khoảng 0.0001 mm, đến mức có thể nhìn xuyên qua.
Kem dát vàng có ăn được hay không?
Thật sự ngon hay do người ăn ảo tưởng?
Vì vàng là chất hóa học trơ khi đi qua cơ thể không được hấp thụ, giá trị dinh dưỡng của vàng gần như bằng “không”. Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, vàng biểu trưng cho sự sống thọ, ăn vàng có tác dụng trẻ lâu, đẹp da, nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho rằng điều này là đúng hay sai. Vậy tại sao mọi người vẫn chịu bỏ ra một số tiền khá lớn để thưởng thức món ăn đắt đỏ này?
Đơn giản là vì nó thể hiện đẳng cấp và sự xa xỉ, độ chịu chi của người mua, đặc biệt là giới trẻ. Dưới góc độ tâm lí, theo như một nghiên cứu tại trường Đại học Oxford ở Anh, thị giác đóng vai trò quan trọng trong việc thưởng thức món ăn, cách bày trí hấp dẫn, bắt mắt sẽ làm thực khách có cảm giác ngon miệng hơn. Vì thế, dát vàng vào vào món ăn sẽ được nhiều người khen ngon hơn.
Món kem dát vàng đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam của nhà hàng La Vanille Paris bán tại trung tâm thương mại Saigon Center với 2 hương matcha và vani hoặc mix cả hai vị. Giá một cây kem dát vàng tại của hàng này là 149 nghìn đồng.
Nguyên Nguyễn/ kilala.vn
24/10/2017
Bài: Nguyên Nguyễn
Đăng nhập tài khoản để bình luận