Furariiman – những người đàn ông không muốn về nhà sau giờ làm

    Được tan làm đúng giờ, không phải tăng ca có lẽ là ước mơ của hầu hết dân văn phòng, nhất là những người đã lập gia đình lại càng muốn tranh thủ thời gian trở về với tổ ấm nhỏ, chăm sóc gia đình, con cái. Thế nhưng, trong xã hội Nhật Bản lại có một hiện tượng khá “lạ đời”, có những người tan làm nhưng không muốn về nhà ngay, họ được gọi là những “furariiman”. 

    “Furariiman” là gì?

    Thuật ngữ “furariiman - フラリーマン” (flurryman) được đặt ra bởi Shozo Shibuya - nhà tâm lý học xã hội và giáo sư danh dự tại Đại học Mejiro, trong một cuốn sách vào đầu những năm 2000.

    Khi Shibuya sử dụng thuật ngữ này, đó là thời đại mà những người thuộc thế hệ baby boomer (những người sinh từ năm 1947-1949) sắp bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Là những "chiến binh" trong công việc, thế hệ này đã cống hiến tất cả cho công ty mà không màng quan tâm đến gia đình. Để rồi sau khi nghỉ hưu, không còn địa vị xã hội, họ thường loanh quanh khắp khu phố để giết thời gian ngày qua ngày.

    flurryman
    Ảnh: workit.vaio.com

    Tuy nhiên, hiện nay “Furariiman” ngày càng được dùng phổ biến để chỉ những người đàn ông trong độ tuổi 30, 40 cảm thấy chênh vênh khi ở nhà, không về nhà sớm sau giờ làm mà dành thời gian một mình ở công viên, khu trò chơi điện tử và quán rượu.

    Vì sao các Furariiman xuất hiện ngày càng nhiều?

    Quy định về làm thêm giờ thay đổi

    Nhật Bản thường được biết đến là quốc gia “cuồng công việc”, làm thêm giờ dường như trở thành một điều hiển nhiên trong xã hội, các tòa nhà, cao ốc văn phòng vẫn sáng đèn vào đêm muộn cũng là hình ảnh vô cùng quen thuộc tại đất nước Mặt trời mọc. Trước đây, tại các doanh nghiệp ở Nhật thậm chí còn thịnh hành với các giá trị quan như “càng làm thêm giờ càng xuất sắc”, “ở công ty càng trễ càng tốt”. 

    Tuy nhiên những giá trị này dần trở thành dĩ vãng khi lực lượng lao động giảm sút và yêu cầu về hiệu suất lao động cũng thay đổi. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu thay đổi giá trị quan và chuyển sang ý tưởng rằng nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu không phải làm việc ngoài giờ.

    tăng ca đặc sản của các doanh nghiệp nhật bản
    Ảnh: The Japan Times

    Mặt khác, có quá nhiều trường hợp được công nhận là tai nạn lao động do karoshi (chết vì làm việc quá sức) hoặc tự tử vì căng thẳng trong công việc đã khiến chính phủ thúc đẩy các chính sách nhằm hạn chế thời gian làm việc kéo dài để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người lao động.

    Với những quy định trên, người lao động có thể đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những người đàn ông vốn dĩ chỉ tập trung vào công việc, sự đổi mới này lại chẳng hay ho gì. Lúc này, khi có thời gian rảnh sau giờ làm, họ không biết phải làm thể nào để tận hưởng cuộc sống riêng tư. 

    Tất nhiên, nếu không làm thêm giờ, thu nhập cũng giảm đi một khoản, và thế là sau khi tan ca, họ thường làm những việc như mua sắm qua mạng, đọc sách trên ghế công viên, uống rượu và những cách khác để giết thời gian mà không phải quá tốn kém.

    Vì sao lại có tâm lý sợ trở về nhà sau khi tan làm?

    Cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác, người Nhật vẫn còn xem nặng tư tưởng phân công lao động theo giới tính, trong đó đàn ông lo liệu tài chính và phụ nữ đảm đương công việc nội trợ. Vì lý do này, nhiều người đàn ông Nhật Bản không thể tham gia tích vực vào công việc trong gia đình ngay cả khi người vợ vừa phải chăm lo gia đình vừa có làm việc ngoài xã hội.

    tâm lý sợ trở về nhà
    Ảnh: workit.vaio.com

    Mặt khác, cũng có những người không muốn về nhà vì “ngay cả khi về nhà sớm, cũng không thể giúp được việc nhà” và sợ phải nghe vợ phàn nàn. Vì vậy, họ quyết định "giảm bớt" gánh nặng cho vợ bằng cách về nhà muộn.

    Muốn có thời gian riêng tư

    Một số người trờ thành “furariiman” nói rằng, họ không về nhà ngay sau khi tan ca vì muốn tìm kiếm thời gian riêng tư để thư giãn. Nếu trở về đúng giờ, chắc chắn việc nhà và chăm sóc con cái đang chờ đợi họ. Giải phóng bản thân khỏi công việc, chức vụ ở chốn làm và vai trò trong gia đình, nhiều người mong muốn có khoảng thời gian rảnh rỗi của riêng mình như vậy. 

    muốn có thời gian riêng tư
    Ảnh: workit.vaio.com 

    Xem thêm: Nhìn lại lịch sử 100 năm nghề văn phòng ở Nhật Bản

    kilala.vn

    27/05/2023

    Bài: Ciro
    Nguồn: nice2meet.us

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!