Nhu cầu matcha tăng cao, “vắt kiệt” các trang trại trà Nhật Bản
Matcha, loại trà xanh xay mịn nổi tiếng trong các nghi lễ trà của Nhật Bản, đang trở thành cơn sốt “xanh lá” trên khắp thế giới. Nhu cầu matcha tăng vọt trên toàn cầu gây ra tình trạng thiếu hụt, giá cả tăng cao và đè áp lực lên các nhà sản xuất trà Nhật Bản.
Cơn sốt với loại thức uống màu xanh này trở nên lan rộng trên khắp thế giới, khiến chuỗi cung ứng matcha toàn cầu rơi vào khủng hoảng, “vắt kiệt” các trang trại trà trên khắp Nhật Bản. Tại thành phố Sayama, ông Okutomi Masahiro, thế hệ thứ 15 của một hộ sản xuất trà truyền thống phải ra thông báo tạm ngưng tiếp nhận đơn hàng trên trang website của doanh nghiệp trước áp lực nhu cầu ngày một tăng.
Quá trình sản xuất công phu
Bột matcha được làm từ lá trà xanh tencha, che mát trong bóng râm khoảng 20-30 ngày trước khi thu hoạch. Việc che mát giúp lá trà phát triển từ từ, tăng hàm lượng axit amin và chất diệp lục, tạo nên hương vị đặc trưng và màu xanh sáng rực rỡ của matcha.

Sau khi thu hoạch, lá trà được hấp ngay lập tức để tránh bị oxi hóa và trải qua quá trình sấy, tách cuống, rồi được nghiền thành bột mịn. Loại matcha cao cấp nhất thường dùng trong các nghi thức trà đạo Nhật Bản - matcha nghi lễ (ceremonial matcha), được thu hoạch từ những lá trà non nhất vào vụ xuân và xay bằng cối đá truyền thống. Quá trình này tốn nhiều thời gian và công sức, nên sản lượng rất ít.
Tuy nhiên, khi cơn sốt matcha bùng nổ từ năm ngoái, người tiêu dùng bắt đầu đổ xô tìm mua loại cao cấp. “Ngay cả các trường dạy trà đạo ở Nhật cũng không thể tìm thấy loại matcha họ thường sử dụng,” Anna Poian, đồng sáng lập Hiệp hội Trà Nhật Bản Toàn cầu, cho biết.

“Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất matcha chưa đối mặt với tình trạng thiếu hụt, nhưng không ngờ nhu cầu lại tăng đột biến đến vậy,” Poian giải thích. Sự lan truyền chóng mặt của các video về matcha trên mạng xã hội, kết hợp với làn sóng du lịch kỷ lục tại Nhật Bản, khiến nguồn cung loại trà này nhanh chóng cạn kiệt.
Nhiều thương hiệu matcha nổi tiếng tại Nhật như Ippodo Tea, Yamasan và Marukyu Koyamaen đã phải đăng lời xin lỗi và thông báo sẽ giới hạn số lượng, loại matcha cung cấp cho khách hàng.
Bước ngoặt của ngành trồng trà Nhật Bản
Bên cạnh những yếu tố khách quan, sự thiếu hụt sản lượng matcha còn bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong ngành trồng trà Nhật Bản suốt hai thập kỷ qua. Trong nước, sản lượng trà và lượng tiêu thụ đều giảm, lực lượng nông dân trồng trà cũng ngày càng lớn tuổi trong khi người kế nghiệp ngày càng ít.

“Ngành trồng trà Nhật Bản đã suy giảm trong 15-20 năm qua do người dân trong nước uống trà ít đi,” Poian cho biết. Nhưng ngược lại, xuất khẩu trà Nhật sang các nước khác lại tăng mạnh. Trong số đó, matcha chiếm hơn một nửa trong số 8.798 tấn trà xanh xuất khẩu của Nhật vào năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản.
Tuy lượng xuất khẩu tăng cao, matcha lại chỉ chiếm khoảng 6% tổng sản lượng trà của Nhật. Nhiều nông dân trồng sencha đang chuyển hướng sang tập trung sản xuất matcha, nhưng sự thay đổi này không hề dễ dàng. Jason Eng, giám đốc phát triển kinh doanh và quan hệ đối tác của công ty sản xuất trà Kametani Tea tại tỉnh Nara, cho biết: "Nhiều người nông dân không có đủ nguồn lực để làm điều đó. Việc nâng cấp tất cả máy móc hoặc thay đổi hoàn toàn máy móc đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn."

Theo công ty Kametani Tea, trước biến động trong chuỗi cung cầu này, bột matcha sẽ phải tiếp tục tăng giá khi vụ thu hoạch tiếp theo đã sẵn sàng. Dù đã trải qua nhiều đợt tăng giá trong thời gian vừa qua, nhưng trước nhu cầu thưởng thức matcha trên toàn thế giới, dự kiến sản lượng matcha Nhật hiện nay sẽ không thể đáp ứng được, đặt ra bài toán nan giải cho ngành trồng trà Nhật Bản.
kilala.vn
Nguồn: CBC, SCMP
Đăng nhập tài khoản để bình luận