
Liên tục động đất, Nhật Bản lên kế hoạch ứng phó “siêu động đất” rãnh Nankai
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, từ ngày 21/6 đến 3/7, quần đảo Tokara ở miền Nam Nhật Bản đã ghi nhận hơn 1.000 trận động đất, trong đó có các rung chấn đạt đến 5,5 trên thang cường độ địa chấn Nhật Bản (tối đa là 7).
Liên tiếp xảy ra rung chấn trên quần đảo Tokara
Theo đó, trận động đất có độ lớn 5,5 đã xảy ra vào lúc 16:13 chiều ngày 3/7 tại quần đảo Tokara thuộc tỉnh Kagoshima. Nhà chức trách cho biết không có nguy cơ xảy ra sóng thần và chưa có báo cáo nào ghi nhận có thiệt hại hay thương vong.
Trước đó, tại khu vực này cũng đã xảy ra nhiều cơn rung chấn với mức độ khác nhau, điển hình là hòn đảo Akuseki ghi nhận rung chấn mạnh nhất, tiệm cận mức 6 trên thang cường độ địa chấn Nhật Bản. Tại đảo Kodakara trong cùng quần đảo này ghi nhận rung chấn đạt mức 3. Theo mô tả của Cơ quan Khí tượng, rung chấn tiệm cận mức 5 là đủ để khiến nhiều người hoảng sợ và phải bám víu vào vật gì đó để giữ thăng bằng.

Tâm chấn của trận động đất nằm ngoài khơi, giữa hai đảo, ở độ sâu khoảng 20km. Theo đài truyền hình quốc gia NHK, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập trung tâm quản lý khủng hoảng tại Văn phòng Thủ tướng để ứng phó với trận động đất này. Đài quan sát khí tượng khu vực Fukuoka cũng đang kêu gọi người dân thận trọng vì hoạt động địa chấn vẫn tiếp diễn trong khu vực.
Theo ông Yokose Hisayoshi, phó giáo sư chuyên ngành núi lửa biển tại Đại học Kumamoto, khu vực xung quanh quần đảo Tokara có địa hình đặc biệt, gồm các rặng núi ngầm lớn chìm xuống dưới một mảng kiến tạo. Điều này khiến áp lực dễ tích tụ, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc thường xuyên xảy ra động đất.
Ứng phó nguy cơ "siêu động đất" ở rãnh Nankai
Cùng với đó, Nhật Bản cũng tăng cường quan sát và chuẩn bị kế hoạch ứng phó khu vực rãnh Nankai - khu vực từng gây ra nhiều thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật. Do rãnh Nankai nằm ngoài khơi tỉnh Shizuoka, kéo dài đến tỉnh Miyazaki trên đảo Kyushu, lại là nơi tiếp giáp giữa các mảng kiến tạo quan trọng của Trái Đất, khiến nơi đây như một quả “bom hẹn giờ” của Nhật Bản.

Rãnh Nankai là một rãnh chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, nơi gặp nhau của các mảng kiến tạo Á - Âu và mảng biển Philippines. Theo các chuyên gia địa chất, do mảng biển Phillipines đang trượt dài xuống bên dưới theo từng milimét, dần dần sẽ tạo ra sức căng ngày càng lớn giữa hai mảng kiến tạo, có thể tạo ra thảm họa động đất và sóng thần khi sức căng tích tụ vượt quá giới hạn.
Chính phủ Nhật Bản cho biết đã cập nhật kế hoạch phòng chống thiên tai với mục tiêu giảm khoảng 80% số người thiệt mạng trong trường hợp xảy ra trận siêu động đất tại rãnh Nankai trong 10 năm tới, với ước tính thiệt hại về người tối đa có thể lên đến 298.000 người.

"Khả năng xảy ra một trận động đất tại rãnh Nankai giờ đây được xem là cận kề hơn so với thời điểm lập kế hoạch trước đó, và có thể xảy ra ngay cả khi các biện pháp ứng phó vẫn đang được triển khai", giáo sư Maki Norio thuộc Viện Nghiên cứu Phòng chống Thiên tai Đại học Kyoto nhận định.
"Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ cho chính quyền các địa phương," ông nói thêm. "Dù các biện pháp phòng chống sóng thần như xây dựng tháp sơ tán và đê chắn sóng đã có nhiều tiến triển, nhưng cũng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về kỹ năng sơ tán của cư dân."
kilala.vn
Nguồn: Tổng hợp
Đăng nhập tài khoản để bình luận