Những xu hướng sức khỏe “lên ngôi” tại Nhật Bản trong năm 2024
Một năm qua, người Nhật đã sống khỏe bằng cách chăm tập thể dục, ăn uống "healthy” với thức ăn nhanh giàu dinh dưỡng và sống yêu môi trường hơn.
Tập Pilates
Triển lãm Wellness Tokyo diễn ra từ ngày 27-29/11 tại Tokyo Big Sight năm nay đã chứng kiến mối quan tâm tăng vọt đối với gian hàng trưng bày các thiết bị Pilates dành cho người mới bắt đầu.
Pilates trở thành một xu hướng thịnh hành ở Nhật với đông đảo người theo đuổi. Không chỉ giới trẻ Nhật mong muốn có vóc dáng chuẩn chỉnh và giảm cân an toàn mà người cao tuổi cũng rất ưng ý bộ môn này. Những thiết bị, sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe với Pilates đang phát triển để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi - những người cần phục hồi chức năng.
Pilates xuất hiện vào thập niên 20, do huấn luyện viên thể chất người Đức Joseph Pilates phát minh. Lúc đó, ông gọi phương pháp mình nghĩ ra là Contrology. Phương pháp này gồm nhiều bài tập thể dục nhằm tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, nâng cao nhận thức về cơ thể. Hiện nay Pilates đã phổ biến toàn cầu, ước tính vào năm 2023 có hơn 12 triệu người tập bộ môn này.
Pilates đến Nhật vào đầu những năm 2000 và đặc biệt trở nên rầm rộ gần đây, khi thu hút sự quan tâm của mọi thế hệ từ già đến trẻ.
Masataka Konno của Pilates Search cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về số lượng phòng tập Pilates trên toàn nước Nhật kể từ năm ngoái, hiện nay đã có khoảng 1.700 phòng tập. Gần đây chúng tôi cũng thấy phòng tập cá nhân được yêu cầu nhiều hơn”.
Các chuyên gia cho biết, việc tập Pilates một mình cùng chuyên viên hướng dẫn trong phòng tập riêng đang phát triển mạnh mẽ, dù chi phí đắt đỏ hơn so với các buổi học nhóm thông thường.
Tuy nhiên dịch vụ tập Pilates theo nhóm tiết kiệm chi phí vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Xu hướng tập Pilates ở nhà cũng đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.
Phòng gym Chocozap
"Choco" trong tên thương hiệu là viết tắt của từ "chokotto" (một chút). Chuỗi phòng tập thể dục tự phục vụ 24 giờ này ra đời trong thời dịch Covid-19, thuộc thương hiệu Rizap.
Chocozap là một mô hình đa chức năng bao gồm chuỗi phòng gym có đủ các yếu tố như một cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ.
Đến đây khách hàng có thể tập thể hình, ngoài ra còn được sử dụng các dịch vụ khác như hát karaoke, giặt giũ, làm trắng răng, triệt lông…
Tính đến tháng 10 năm nay, Chocozap đã có 1.700 chi nhánh và ngày càng phổ biến vì tính tiện dụng, giá cả phải chăng. Phí người dùng hàng tháng của Chocozap là 3.278 Yên (khoảng 529.000 VND) với nhiều dịch vụ tiện ích.
Mô hình này dần trở thành “kẻ thống trị” trong lĩnh vực tập thể hình giá rẻ, khai thác nhu cầu của những thành viên trong cộng đồng muốn tập thể dục với mức giá phù hợp.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, chỉ có 28,7% những người từ 20 tuổi trở lên tập thể dục hơn 30 phút ít nhất hai lần một tuần. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu Yano, tỷ lệ này đã tăng lên khi Chocozap ngày càng phổ biến và lan rộng khắp nước Nhật.
Sức khỏe gắn với bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu cùng sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe chung trên thế giới. Nhật Bản năm nay trải qua một mùa hè với nhiều đợt nắng nóng kỷ lục khi có đến 97.578 người phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến nhiệt độ tăng cao.
Việc sử dụng điều hòa là không thể thiếu để tránh nắng nóng, tuy nhiên nhiều người dân Nhật đã ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn.
Những biện pháp làm mát vào mùa hè theo cách truyền thống đã trở nên thịnh hành trong năm nay. Hay túi giữ lạnh đi kèm khi mua thực phẩm đông lạnh được nhiều người tái sử dụng bằng cách quấn trong Tenugui (loại khăn tay mỏng làm từ cotton) và choàng quanh cổ.
Nhiều người cũng tích cực sử dụng vòi nước uống công cộng, tránh phải dùng chai nhựa từ máy bán hàng tự động. Nhận thức được tác động của khí carbon dioxide thải ra môi trường từ chế độ ăn uống, có nhiều người lựa chọn rau thay thế thịt.
Masaka - một nhà hàng thuần chay ở quận Shibuya của Tokyo đã cung cấp chế độ ăn thuần chay thay thế thịt và liệt kê tỷ lệ cắt giảm khí thải carbon dioxide trong thực đơn của họ để khách hàng hiểu rõ, hưởng ứng về việc bảo vệ môi trường qua ăn uống.
Nhật Bản hiện đang là một địa điểm lý tưởng cho ẩm thực thuần chay, không chỉ người dân trong nước mà du khách quốc tế cũng ưa thích.
Theo Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), số lượng du khách quốc tế ăn chay đã tăng lên mỗi năm, vào tháng 4 năm nay có khoảng 1,28 triệu người, chiếm 5,1% tổng số du khách đến Nhật.
Đồ ăn nhanh giàu dinh dưỡng
Người Nhật hiện nay, đặc biệt là thế hệ Gen Z, đang chạy theo lối sống Taipa. Thuật ngữ này là cách viết tắt của cụm từ “taimu pafomansu” (time performance), có nghĩa là hiệu suất thời gian. Taipa được hiểu là tính hiệu quả trong việc sử dụng thời gian dành cho một hoạt động và mức độ hài lòng đạt được từ thời gian đã bỏ ra.
Taipa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chế độ ăn uống của người Nhật khi ngày càng có nhiều người sống một mình, bận rộn với công việc và coi trọng hiệu quả về thời gian dành cho bữa ăn. Nghĩa là họ có nhu cầu thưởng thức những bữa ăn tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Từ đó, xu hướng sản xuất đồ ăn nhanh giàu dinh dưỡng đã lên ngôi, tạo nên một làn sóng mới với dòng thực phẩm dinh dưỡng hoàn chỉnh. Tiên phong trong xu hướng này là những công ty như Base Food hay Nissin.
Base Food đã sản xuất những gói bánh mì và mì ống có chứa một phần ba lượng khuyến nghị hằng ngày của tất cả 33 chất dinh dưỡng thiết yếu trong một khẩu phần ăn. Sản phẩm của họ được quảng bá là chứa đầy đủ 26 loại vitamin và khoáng chất, protein cùng chất xơ, phù hợp với một bữa ăn nhẹ đủ chất dinh dưỡng mà khách hàng cần trong một ngày.
Còn Nissin từ năm 2022 đã ra mắt thương hiệu sản phẩm Kanzen Meshi. Năm nay, công ty đã mở rộng dòng sản phẩm này và mở bán vào tháng 11 món cơm Gapao Thái đông lạnh hay bánh bao thịt lợn thông qua cửa hàng trực tuyến của hãng.
Công ty Orbis cũng tham gia vào cuộc đua với việc tung ra món cơm nắm Cocomogu, với hai khẩu phần ăn sẽ cung cấp một phần ba của 30 chất dinh dưỡng cần thiết hàng ngày vào tháng 5 năm nay.
Mặc dù đồ ăn nhanh giàu dinh dưỡng vẫn khiến nhiều người tiêu dùng phàn nàn về hương vị không được đậm đà, thơm ngon như các loại thông thường, nhưng dòng sản phẩm này vẫn đang “xâm chiếm” và dần phổ biến ở Nhật.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Fuji Keizai, ước tính thị trường thực phẩm dinh dưỡng hoàn chỉnh ở Nhật sẽ tăng trưởng từ 14,4 tỷ yên vào năm 2022 lên 54,6 tỷ yên vào năm 2030.
kilala.vn
Nguồn: The Japan Times
Đăng nhập tài khoản để bình luận