Giải bóng đá cao niên trên 80 đầu tiên ở Nhật Bản

    Một giải bóng đá mới được lên kế hoạch ở Tokyo có quy định “khó” đến mức các thành viên trong đội tuyển Nhật Bản phải đợi hàng chục năm nữa mới đủ điều kiện tham gia.

    Vào mùa xuân tới, giải đấu bóng đá đầu tiên ở Nhật Bản dành cho người chơi từ 80 tuổi trở lên sẽ chính thức được khai mạc. Không có cái tên nào được đặt cho giải đấu, nhưng các thành viên ban tổ chức, hiệp hội bóng đá Tokyo FA Senior cho biết họ mong đợi ba đội tham gia.

    giải bóng đá người cao niên

    Ảnh: Asahi

    Khi dân số Nhật Bản già đi, người cao tuổi có nhiều lựa chọn hơn để duy trì hoạt động, đặc biệt là với những người yêu thích thể thao. Thống kê cho thấy người cao tuổi đã tăng cường tham gia vào các chương trình như vậy, bao gồm cả các môn thể thao đồng đội.

    Tập luyện quyết liệt

    Một buổi tập vào giữa tháng 10 được tổ chức như một phần của quá trình chuẩn bị cho giải đấu dành cho những “lão thủ” trên 80 tuổi cho thấy các trận đấu có thể không hoàn toàn mang tính chất giao hữu mà có sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt.

    Trong trận đấu tập, 41 cầu thủ lớn tuổi tại Công viên Olympic Komazawa ở phường Setagaya, Tokyo đã không ngừng động viên và cả phê bình nhau. Một cầu thủ đã thở hổn hển sau khi không bắt kịp đường chuyền, một người khác đá vào không khí khi ông bỏ lỡ quả bóng. Còn có thể nghe thấy những âm thanh như “nhanh hơn nữa” hay “ông phòng thủ quá chậm”., thậm chí lời lẽ có vẻ hơi quá trớn nên thẻ vàng đã xuất hiện trên sân.

    tập luyện bóng đá
    Các "lão thủ" quyết tâm tập luyện trên sân. Ảnh: Asahi

    Ngoài ra, trang phục luyện tập cũng được quy định theo tuổi tác. Những chiếc quần đùi vàng mà các cầu thủ mặc cho thấy họ đã ít nhất 80 tuổi,  quần màu tím đánh dấu người mặc trong độ tuổi trên 85 hoặc trên 90.

    Tâm sự của các cầu thủ cao niên

    Các cầu thủ đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, bao gồm cả những người đã cống hiến cả cuộc đời cho môn thể thao này. 

    Đặc biệt là sự tham gia của cựu thành viên đội tuyển quốc gia, Mutsuhiko Nomura (82 tuổi), cầu thủ đoạt giải Vua phá lưới đầu tiên của Japan Soccer League (hay JSL, giải đấu bóng đá cấp cao nhất Nhật Bản trong khoảng từ năm 1965 đến 1992, tiền thân của giải J. League chuyên nghiệp hiện nay).

    Khi được hỏi về lối chơi của các “đàn em” tại World Cup 2022 ở Qatar, vua phá lưới một thời phát biểu “Họ truyền cho tôi lòng can đảm, niềm đam mê và tinh thần cạnh tranh, mặc dù tôi không còn kiểm soát được cơ thể mình như trước đây.”

    mitsuhiko nomura
    Mutsuhiko Nomura thi đấu thời trẻ (thứ hai từ trái sang). Ảnh: soccermagazine.jp

    Một cầu thủ cao niên khác tham giá giải đấu là Kim Myong Sik (84 tuổi) là thành viên chủ chốt của “CLB bóng đá của người Hàn Quốc tại Nhật Bản”, tiền thân của FC Korea ngày nay. Khoảng một năm trước, ông Kim đã trải qua ca phẫu thuật ung thư trực tràng nhưng thứ khiến ông hạnh phúc hơn bất kỳ điều gì khác là bản thân có cơ hội được đá bóng. 

    Trong khi đó, cụ Kozo Ishida (82 tuổi) chưa bao giờ chơi bóng đá khi còn là sinh viên, nhưng bắt đầu say mê môn thể thao vua ở tuổi 46 sau khi làm người nhặt bóng cho câu lạc bộ của cậu con trai thứ hai. Ishida nói: “Tôi tự tin vào sức mạnh của bản thân, thứ mà tôi đã xây dựng được nhờ chạy marathon.

    Cầu thủ lớn tuổi nhất trong danh sách 73 người chơi dự định đăng ký giải đấu trên 80 tuổi là một nhà thiết kế xe đua về hưu, 92 tuổi. Các cầu thủ sẽ xuất phát với ba đội xanh, đỏ và trắng.

    Xu hướng giải đấu dành cho người cao niên

    Theo các quan chức cấp cao của Tokyo FA, xu hướng những người về hưu và những người bị giảm giờ làm quay trở lại sân bóng bắt đầu từ khoảng 20 năm trước, trong bối cảnh sự gia tăng của các sân cỏ nhân tạo có khả năng chống chọi với thời tiết và dễ kiểm soát hơn.

    Một yếu tố quan trọng khác là giải đấu Sports Masters Japan năm 2001 mang đến cho các cầu thủ bóng đá từ 40 tuổi trở lên cơ hội giành chức vô địch quốc gia (độ tuổi tối thiểu của sự kiện hằng năm hiện đã được hạ xuống 35).

    [subscribe]

    Năm 2002, Tokyo FA Senior thành lập giải bóng đá ở thủ đô dành cho những người từ 50 tuổi trở lên. Để đáp ứng yêu cầu, hiệp hội đã tạo ra một giải đấu riêng cho những người 60 tuổi vào năm 2008 và một giải đấu khác dành cho những người chơi từ 70 tuổi trở lên vào năm 2012.

    Giải đấu dành cho người trên 60 tuổi hiện có 57 đội (tăng từ 44 vào năm 2018) trong khi giải đấu dành cho người trên 70 tuổi tăng từ 11 lên 15 đội.

    Các cuộc khảo sát của Cơ quan Thể thao Nhật Bản cho thấy 26,6% người ở độ tuổi 70 tập thể dục ít nhất 5 lần một tuần trong năm 2021, tăng so với 18,7% năm 2016. 

    người cao tuổi nhật bản tâ[j thể dục
    Ảnh: cleveland.com

    Đối với việc tập thể dục ít nhất hai lần một tuần, có 61,5%, người già ở độ tuổi 70 – 79 thực hiện trong năm 2021, cao hơn so với 55,5% so với 5 năm trước đó.

    Các sự kiện và giải đấu thể thao dành cho những người cao tuổi từ 80 trở lên đã tồn tại đối với môn bơi lội, điền kinh và bóng bàn.

    Trong các môn thể thao đồng đội, Liên đoàn bóng chày Nippon Kanreki đã và đang tổ chức các giải vô địch quốc gia dành cho những người chơi từ 70 tuổi trở lên, sử dụng bóng cao su thay vì bóng thông thường. Năm 2022 đánh dấu lần thứ 30 giải đấu được tổ chức.

    Hiệp hội bóng chuyền Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức một giải đấu quốc gia dành cho các đội gồm tám cầu thủ nam từ 67 tuổi trở lên và nữ từ 62 tuổi trở lên vào năm 2022.

    Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) đã tổ chức các giải vô địch quốc gia theo độ tuổi từ thập niên 40 đến thập niên 70. Trong năm tài chính 2021, 41.898 cá nhân (gấp chín lần con số 4.669 năm 2000) từ 40 tuổi trở lên đã đăng ký làm cầu thủ cho các giải của JFA, điều kiện tiên quyết để tham gia các giải vô địch quốc gia. 

    giải bóng đá lứa tuổi 70
    Giải bóng đá Nhật Bản lứa tuổi 70 lần thứ 16 do JFA tổ chức. Ảnh: JFA

    Những lo lắng về sức khỏe

    Bệnh tật và chấn thương là mối quan tâm chính của JFA, tuy nhiên sức khỏe của các cầu thủ bóng đá ở độ tuổi 80 sẽ được giám sát.

    Masaru Kawasaki (76 tuổi), cựu thành viên ủy ban thường trực của Tokyo FA Senior, người đã làm việc để chuẩn bị cho giải đấu trên 80 tuổi, cho biết 20 thành viên ban quản lý đã học được bài học về cách sử dụng AED máy khử rung tự động bên ngoài, dùng để điều chỉnh nhịp tim bằng cách gây sốc điện.

    Những người chơi tiềm năng được yêu cầu điền vào bảng kiểm tra sức khỏe trước, bảng này đóng vai trò như một biện pháp kiểm soát lây nhiễm đối với loại COVID-19 mới.

    Các nhà quản lý cũng có biện pháp ứng phó với bất kỳ trường hợp say nắng nào và quyết định xem có nên tạm dừng các buổi huấn luyện hay không dựa trên thời tiết.

    sức khỏe người cao tuổi
    Bệnh tật và chấn thương của những người chơi cao tuổi là mối quan tâm chính của JFA. Ảnh: japantimes.co.jp

    Cụ Kawasaki chia sẻ: “Chúng tôi thường gặp rắc rối với người thân trong gia đình, những người luôn lo lắng cho sức khỏe của các cầu thủ”. Ông cho biết thêm, một số cầu thủ đang có dấu hiệu mất trí nhớ.

    Takayuki Inohana (83 tuổi) cư dân Tama, phía tây Tokyo, là một trong những nhân vật trung tâm trong việc lên kế hoạch cho giải đấu mới tâm sự: “Tình bạn thân thiết giữa chúng tôi đã phát triển và mọi người nói chuyện rất nhiều, điều đó thật tốt cho sức khỏe. Nó mang lại cho tôi một cảm giác thỏa mãn tuyệt vời."

    Xem thêm: Cụ bà Nhật 64 tuổi nắm giữ kỷ lục chạy marathon dưới 3 giờ

    kilala.vn

    23/01/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!