NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Đến Nhật vào mùa hè, lưu ý tránh sốc nhiệt

    Đến Nhật vào mùa hè, lưu ý tránh sốc nhiệt

    Mùa hè ở Nhật nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên xanh mướt, những lễ hội và sự kiện bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên khi đến Nhật vào khoảng thời gian này trong năm, có một số lưu ý liên quan đến say nắng/sốc nhiệt mà bạn nên ghi nhớ để bảo vệ sức khỏe của người thân và bạn đồng hành.

    Mùa hè ở Nhật Bản kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, và trong thời gian này, cả nhiệt độ lẫn độ ẩm không khí đều tăng cao, kéo theo những nguy cơ về sức khỏe do hiện tượng sốc nhiệt.

    Hiện tại, Nhật Bản đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục của mùa mưa với nhiệt độ lên đến gần 40 độ C tại một số vùng từ Tokai đến Kanto. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã ban hành cảnh báo say nắng tại 26 tỉnh, kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước cái nóng có khả năng gây tử vong.

    Theo Cơ quan Quản lý Hỏa hoạn và Thảm họa Nhật Bản, có tổng cộng 9.105 trường hợp trên toàn quốc đã bị sốc nhiệt và phải nhập viện từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 7 - mức cao nhất từ ​​đầu năm đến nay. Con số này cũng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số đó, 19 bệnh nhân đã tử vong và 3.248 người phải nhập viện. Gần 60% bệnh nhân, tức 5.378 người, ở độ tuổi 65 trở lên.

    Nếu bạn đang ở Nhật hoặc có dự định đến Nhật trong mùa hè này, thì dưới đây là một số kiến thức cần thiết bao gồm phòng chống sốc nhiệt và cách xử lý khi tình trạng sốc nhiệt xảy ra.

    nhiet-do-cao
    Nhật Bản đang trải qua những ngày nắng nóng bất thường. Ảnh: The Japan Times

    Sốc nhiệt là gì?

    Cơ thể con người vận hành một hệ thống điều chỉnh liên tục để duy trì thân nhiệt lý tưởng. Nếu nhiệt độ xung quanh tăng, nhiệt độ cơ thể cũng tăng và nhiệt được giải phóng. Còn khi nhiệt độ xung quanh giảm, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm theo để giữ nhiệt bên trong.

    Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể chúng ta không thể thực hiện những điều chỉnh này: thân nhiệt tăng đột ngột, đổ mồ hôi nhiều gây mất nước và chất điện giải, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt (làm giảm khả năng thải nhiệt) của thần kinh trung ương.

    Tình trạng này phổ biến nhất vào những tháng mùa hè, xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn.

    Sốc nhiệt cần được điều trị khẩn cấp, nếu không có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu điều trị chậm trễ, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.

    soc-nhiet-la-gi

    Cách phòng chống sốc nhiệt vào mùa hè

    Vào những ngày nhiệt độ tăng đột ngột, bạn nên cẩn thận để tránh xảy ra sốc nhiệt. Trong đó, hai điểm quan trọng nhất là ngăn ngừa mất nước và ngăn nhiệt độ cơ thể tăng cao.

    Đảm bảo bổ sung đủ nước và muối

    Đầu tiên, cần đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước. Tùy thuộc vào độ tuổi, khoảng 50% đến 70% trọng lượng cơ thể con người là nước.

    Việc mất khoảng 2% trọng lượng này khiến bạn cảm thấy khát. Khoảng 3% gây ra các triệu chứng như chán ăn, kích ứng, da khô và mệt mỏi nghiêm trọng. Nếu mất 5% trở lên, bạn sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và thở, đồng thời sẽ bị chóng mặt và co giật.

    Trong suốt cả ngày, chúng ta liên tục mất nước thông qua việc đổ mồ hôi, tiểu tiện và hô hấp. Thường xuyên cung cấp đủ nước là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng mất nước.

    Lưu ý quan trọng: phải cung cấp đủ nước ngay cả khi bạn không cảm thấy khát. Hãy bắt đầu mỗi ngày bằng việc uống một cốc nước khi thức dậy.

    Ngoài ra, nên bổ sung một số dạng dung dịch bù nước để bù lại lượng nước và khoáng chất mất đi thông qua mồ hôi. Ăn umeboshi (mơ muối), súp miso cùng với các loại thực phẩm khác cũng có tác dụng tương tự.

    mua-he-nhat-ban
    Ảnh: Nippon

    Xem thêm: Học cách người Nhật đối phó với nắng nóng

    Tránh nhiệt độ và độ ẩm cao

    Khi ra ngoài, hãy tránh ánh nắng trực tiếp bằng cách sử dụng ô hoặc đội mũ, mặc quần áo làm bằng vật liệu thoáng khí và cũng nên lưu ý sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.

    Khi ở trong nhà, hãy kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm bằng quạt điện hoặc máy điều hòa, đồng thời chặn ánh nắng trực tiếp từ bên ngoài bằng rèm cửa.

    phong-ngua-say-nang
    Phòng chống say nắng mùa hè. Ảnh: gaijinpot

    Lưu ý, nhiệt độ phòng tăng cao trong khi bạn đang ngủ cũng có thể gây ra sốc nhiệt. Điều kiện lý tưởng là nhiệt độ dưới 28°C và độ ẩm dưới 70%.

    Ngoài ra, đừng gắng sức khi nhiệt độ không khí tăng cao. Nếu thời tiết quá nóng và bạn đang đi du lịch, hãy cân nhắc ra đường vào buổi sáng và chiều tối – những thời điểm mát mẻ hơn.

    Kiểm tra cảnh báo sốc nhiệt trước khi ra ngoài

    "Cảnh báo sốc nhiệt" (Heat Stroke Alert) được Bộ Môi trường và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ban hành khi nguy cơ say nắng được dự đoán là cực kỳ cao.

    Nếu chỉ số nhiệt (WBGT) được dự báo là 33 hoặc cao hơn ở bất kỳ nơi nào trong khu vực của tỉnh, cảnh báo say nắng sẽ được ban hành lúc 5:00 chiều ngày hôm trước và lúc 5:00 sáng ngày có nhiệt độ cao nguy hiểm.

    Bắt đầu từ năm 2024, "Cảnh báo sốc nhiệt đặc biệt" (Special Heat Stroke Alert) cũng được ban hành với trường hợp nhiệt độ cao chưa từng có, lan rộng và nguy hiểm dự kiến ​​sẽ xảy ra. Nếu chỉ số nhiệt (WBGT) được dự báo đạt 35 hoặc cao hơn, cảnh báo sẽ được ban hành lúc 2 giờ chiều ngày hôm trước tại mỗi tỉnh.

    Bạn có thể truy cập các cảnh báo say nắng này tại: https://www.wbgt.env.go.jp/en/sp/

    Sử dụng các sản phẩm và vật dụng làm mát

    Người dân Nhật Bản không còn xa lạ với mùa hè nóng nực nên không thiếu những sản phẩm làm mát. Một số món đồ hữu ích là áo lót vải mát, chẳng hạn như dòng AIRism của Uniqlo, dù che nắng, khăn làm mát và quạt di động.

    Ngoài ra, có một phương pháp hữu ích giúp giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng, đó là làm mát lòng bàn tay. Vị trí này có các mạch máu đóng vai trò điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, do đó để lòng bàn tay tiếp xúc với vật lạnh sẽ giúp hạ nhiệt nhanh chóng.

    Với cách này, bạn có thể cầm chai nước lạnh hoặc túi nước đá khi đi ra ngoài hay sử dụng loại băng đeo tay bằng vật liệu làm mát như bên dưới. Lưu ý rằng nếu quá lạnh mạch máu sẽ co lại, khó thoát nhiệt vì vậy chỉ nên duy trì ở mức trên 10 độ C.

    lam-mat-long-ban-tay
    Băng tay CORE COOLER của Descente được làm bằng vật liệu giữ lạnh TEKION do Sharp phát triển, có thể duy trì nhiệt độ 12 độ C trong một khoảng thời gian. Ảnh: Descente 

    Chăm sóc sức khỏe cá nhân

    Cố gắng ăn uống cân bằng để bổ sung chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tập thể dục vừa phải để cơ thể khỏe mạnh, đủ sức vượt qua cái nóng.

    Xem thêm: Natsubate - đối phó với "căn bệnh mùa hè"

    Làm gì khi bị sốc nhiệt?

    Sốc nhiệt có nhiều mức độ và tệ nhất có thể dẫn đến tử vong. Khi nhận thấy cơ thể của mình hoặc của người khác có các dấu hiệu như bên dưới, bạn cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết, nhờ sự giúp đỡ hoặc tìm trợ giúp y tế.

    Các mức độ sốc nhiệt

    • Mức độ 1 (nhẹ): chóng mặt, co thắt cơ, buồn nôn
    • Mức độ 2 (trung bình): nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi
    • Mức độ 3 (nghiêm trọng): Co giật, đỏ bừng da, lú lẫn, không thể đi thẳng, bất tỉnh

    Các bước cần làm

    1. Đến nơi mát mẻ, chẳng hạn như bóng râm hoặc phòng có máy lạnh.
    2. Cởi bỏ quần áo để thoát nhiệt, làm mát cơ thể để hạ thân nhiệt.
    3. Bổ sung lượng nước và muối đã mất.
    say-nang-mua-he
    Nhanh chóng tìm đến bóng râm hoặc nơi mát mẻ khi có dấu hiệu sốc nhiệt. Ảnh: tabunka.tokyo-tsunagari.or.jp

    Nếu ai đó bất tỉnh, hoặc nếu bạn không thể tự uống nước, đừng ngần ngại gọi xe cứu thương. 

    Nếu bạn đang phân vân không biết nên đi khám bác sĩ hay gọi xe cứu thương, hãy bắt đầu với Tokyo EMS. Bạn có thể sử dụng hệ thống tự kiểm tra đơn giản trực tuyến trên website này hoặc gọi số #7119 để nói chuyện với chuyên gia tư vấn. Họ sẽ hướng dẫn bạn bước tiếp theo nên làm.

    Dù đây là dịch vụ của Tokyo nhưng họ sẽ hướng dẫn bạn liên lạc đến đúng kênh nếu bạn gọi từ nơi khác.

    Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay số 119. Đây là số điện thoại khẩn cấp của Nhật Bản và sẽ kết nối bạn với bên cung cấp xe cứu thương.

    soc-nhiet
    Hãy gọi 119 nếu có người bất tỉnh vì sốc nhiệt. Ảnh: tabunka.tokyo-tsunagari.or.jp

    Một số lưu ý khác

    Khoảng một nửa số bệnh nhân bị sốc nhiệt là những người từ 65 tuổi trở lên. Người lớn tuổi dễ bị say nắng hơn vì họ có xu hướng khó nhận biết khi nào cơ thể nóng hoặc khát. Họ cũng có xu hướng dễ bị các triệu chứng say nắng nghiêm trọng hơn.

    Trẻ em cũng dễ bị sốc nhiệt vì khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ.
    Vui lòng chú ý đến trẻ em hoặc người khuyết tật vì một số có thể gặp khó khăn trong việc nói với người khác khi cảm thấy không khỏe.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!