Kurosawa Akira: Người châu Á của thế kỷ, vị Hoàng đế của điện ảnh Nhật Bản
Bàn về dòng phim Samurai, người ta sẽ nhớ ngay đến vị đạo diễn lừng danh Kurosawa Akira, một trong những huyền thoại có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Vào cuối thập niên 30, trong giới nghệ thuật thứ 7 tại xứ Phù Tang xuất hiện một anh tài kiệt xuất, người sau này đã đưa điện ảnh Nhật Bản vươn tầm quốc tế với hàng loạt giải thưởng danh giá. Đó là Kurosawa Akira, cố đạo diễn tài ba đã tạo nên 30 bộ phim trong sự nghiệp vĩ đại kéo dài hơn 5 thập kỷ của mình.
Cuộc đời làm nghệ thuật đầy thăng trầm của Kurosawa Akira
Vào ngày 23/03/1910 tại Oimachi, quận Omori của Tokyo, cậu bé Kurosawa Akira đã cất tiếng khóc chào đời. Akira là người con thứ 8 trong một gia đình trung lưu, có cha thuộc dòng dõi võ sĩ Samurai đến từ tỉnh Akita.
Thời thơ ấu, khác với các anh theo cha học võ, Akira lại theo đuổi đam mê hội họa. Ông đắm mình trong mỹ thuật phương Tây, say mê văn học nước ngoài, háo hức tiếp nhận kịch nghệ, biểu diễn xiếc và phim ảnh.
Người anh Kurosawa Heigo đã tiếp thêm sức mạnh, nuôi dưỡng và định hướng cho chàng trai trẻ theo đuổi ước mơ với nghệ thuật. Đáng tiếc thay, Heigo đã tự vẫn vào năm 1933. Lúc đó, khi 23 tuổi, Akira đã đối mặt với sự mất mát, đau đớn đầu tiên trong đời. Sau này ông đã kể lại sự kiện bi thương ấy trong cuốn tự truyện về đời mình.
Vượt qua nỗi đau mất đi người thân, Akira bắt đầu tự lập, từ một họa sĩ ông rẽ hướng sang làm trợ lý đạo diễn. Định mệnh đã dẫn lối cho Akira đến với điện ảnh khi ông tình cờ đọc được mục tuyển dụng trợ lý đạo diễn trên báo và tham gia ứng tuyển. Bài luận của ông đã gây ấn tượng với đạo diễn Yamamoto Kajirou, và cuối cùng Akira được nhận vào làm ở Photo Chemical Laboratories (P.C.L) mà hiện nay là hãng phim Toho.
Từ năm 1936, dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Kajirou, Akira đã tiếp xúc và dần làm quen với các công việc sản xuất phim như: xây dựng bối cảnh, điều chỉnh ánh sáng, lồng tiếng, biên tập, chỉ đạo diễn xuất, chỉnh sửa kịch bản. Kinh nghiệm làm phim cứ thế được tích lũy theo thời gian giúp Akira tự tin ra mắt với tư cách đạo diễn. Năm 1943, tác phẩm đầu tay Sanshiro Sugata của ông đã được công chiếu.
Bộ phim đầu tiên ấy gặt hái thành công, giúp Akira nhận được giải thưởng Yamanaka Sadao. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời những kiệt tác điện ảnh bất hủ gây ấn tượng sâu đậm đến khán giả. Phim của ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà danh tiếng của chúng còn vang xa khắp toàn cầu. Từ phương Tây đến kinh đô điện ảnh Hollywood, cái tên Kurosawa Akira khiến giới làm phim phải khắc ghi và thán phục.
Lúc 40 tuổi, Akira đã tạo ra tác phẩm kinh điển Rashomon (Lã Sinh Môn). Tuyệt phẩm này đã giành giải Sư tử vàng cho “Phim truyện hay nhất” tại Liên hoan phim Venice và giải Oscar cho “Phim nước ngoài hay nhất” vào năm 1951. Sau đó ông liên tiếp nhận về những thành tích vang dội với Ikiru (1952), Seven Samurai (1954), Yojimbo (1961).
Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Akira đang ở trên đỉnh cao danh vọng với tư cách một đạo diễn. Tuy nhiên, cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, Akira mang giấc mộng điện ảnh của mình đến xứ cờ hoa để chinh phục đỉnh cao mới.
Năm 1966, ông tham gia vào dự án Runaway Train cùng với dàn diễn viên toàn ngôi sao Hollywood. Thế nhưng rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt trong phong cách làm phim đã dẫn đến bất đồng. Người Mỹ cho rằng Akira bị trầm cảm, suy nhược thần kinh và sau đó ông phải đi trị liệu. Cuối cùng, hợp đồng bị hủy bỏ, giấc mơ Mỹ đã tan biến trước hiện thực nghiệt ngã và Akira trở về Nhật Bản. Tuy nhiên, bi kịch vẫn chưa kết thúc.
Sự kiệt quệ về mặt tài chính cũng như sức khỏe suy yếu đã khiến Akira tìm đến cái chết để giải thoát. Ngày 22/12/1971, ông tự tử nhưng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tỉnh dậy sau cơn đau, Akira đã kiên cường trở lại với cuộc đời, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông kiếm tiền mưu sinh khi nhận quay phim quảng cáo và tiếp tục với công cuộc làm phim nghệ thuật.
Mười năm sau vụ tự sát bất thành, Akira đã hồi sinh mạnh mẽ với Kagemusha, một thiên sử thi điện ảnh phát hành vào năm 1980 và đoạt nhiều giải thưởng danh giá: giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1980, giải BAFTA cho Đạo diễn xuất sắc nhất, giải Cesar Phim nước ngoài hay nhất. Tiếp nối thành công của Kagemusha, Akira tiếp tục ra mắt Ran vào năm 1985.
Tác phẩm cuối cùng của Akira là Madadayo (Vẫn chưa), tựa đề phim lấy từ một câu thoại: “Ông đã sẵn sàng sang thế giới bên kia chưa?”, “Chưa, vẫn chưa!”. Madadayo như thể hiện ý chí kiên cường, sự cống hiến vì nghệ thuật của Akira cho đến lúc cuối đời. Ông “vẫn chưa” ngừng sáng tạo, cho ra đời những bộ phim kinh điển, sống mãi trong trái tim hàng triệu khán giả. Năm 1998, ông qua đời do một cơn đột quỵ tại Setagaya, Tokyo.
Xem thêm: Các dòng phim và tác phẩm tiêu biểu trong điện ảnh Nhật Bản (P.1)
Vị đạo diễn cầu toàn luôn sống vì nghệ thuật chân chính
Vì tính cách cầu toàn, không nhân nhượng và có phong cách đạo diễn khá độc tài nên Akira có biệt danh là Tenno (Hoàng đế). Ông luôn muốn đem đến cho khán giả thứ điện ảnh chân thực nhất chứ không phải những bộ phim mang tính thương mại, chạy theo đồng tiền.
Vì vậy, trong quá trình làm việc, Akira luôn chăm chút đến từng khung hình. Trong Rashomon, ông đã sử dụng mực Tàu nhuộm nước mưa để tạo hiệu ứng cơn mưa nặng hạt. Với Throne of Blood, tại cảnh kết phim, ông đã cho xạ thủ chuyên nghiệp bắn mũi tên thật ở cự ly gần vào người của Toshiro Mifune; dĩ nhiên nam diễn viên có đeo tấm bảo vệ bên dưới trang phục nhưng điều này cũng khá rủi ro. Còn trong Ran, ông đã cho xây dựng một lâu đài trên núi Phú Sĩ chỉ để quay cảnh hỏa hoạn sao cho chân thật nhất.
Akira có thói quen cho diễn viên mặc trang phục vài tuần trước khi quay và yêu cầu mặc hàng ngày, vì theo ông bộ phục trang mới sẽ làm nhân vật của mình trông không thật. Để quay ngoại cảnh, ông sẵn sàng chờ hàng tuần, thậm chí hàng tháng theo sự thay đổi của thời tiết.
Thiên nhiên và con người trong phim của Akira hài hòa với nhau một cách hoàn hảo. Như tuyết trong Ikiru, sương mù trong Throne of Blood, mưa nặng hạt trong Seven Samurai, cơn mưa bóng mây trong Dreams (1990). Đó là nét đặc trưng, cái đẹp mà Akira muốn diễn tả qua góc nhìn điện ảnh đầy tinh tế.
Kỹ thuật quay phim của ông cũng rất khác biệt và độc đáo. Akira hay sử dụng máy quay từ xa để diễn xuất của diễn viên “có hồn” hơn. Mỗi một hành động trong các cảnh phim được thể hiện qua nhiều góc máy khác nhau nhằm tạo nên sự sinh động. Cách kết thúc cảnh đặc trưng của ông là hiệu ứng wipe (lau chùi), nghĩa là khi một cảnh kết thúc, một dòng hoặc thanh xuất hiện, di chuyển trên màn hình, "lau đi" hình ảnh hiện tại và đồng thời tiết lộ cảnh tiếp theo.
Kurosawa Akira là một người đa tài, ông không chỉ đạo diễn, sản xuất phim mà còn viết kịch bản. Rất nhiều phim của ông được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, điển hình là của William Shakespeare với Ran dựa theo Vua Lear, Throne of Blood dựa theo Macbeth, The Bad Sleep Well dựa theo Hamlet. Văn học Nga cũng ảnh hưởng đến Akira, với Thằng ngốc chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dostoevsky, Donzoko chuyển thể từ vở kịch của Maxim Gorky, Ikiru dựa theo tiểu thuyết Cái chết của Ivan Ilyich của văn hào Leo Tolstoy.
Phim ẩn chứa nội dung rất Tây nhưng Akira lại thể hiện đậm chất Nhật với những câu chuyện mang tính thời đại, “rất đời”, lột tả được vẻ đẹp của đất nước, con người xứ Phù Tang. Chính ông là người tiên phong, dẫn đầu cho dòng phim Samurai. Ông kể chuyện lịch sử bằng những hình ảnh vĩ đại mang tính thẩm mỹ cao, đem đến cái nhìn gần gũi, sinh động hơn về quá khứ.
The Seven Samurai (1954), Rashomon (1950), Dersu Uzala (1975), Kagemusha (1980) và Ran (1985), đó đều là những tác phẩm để đời không chỉ mang giá trị điện ảnh lớn lao tại Nhật Bản mà còn có tính toàn cầu.
Điện ảnh thế giới đón nhận, chịu ảnh hưởng và được truyền cảm hứng từ phim của Akira. Những đạo diễn lừng danh như Steven Spielberg, Martin Scorsese, Francis Ford Coppola, Sergio Leone. đều yêu mến và học tập, tham khảo phong cách làm phim của vị “Hoàng đế” điện ảnh Nhật.
Chính Seven Samurai cũng đã góp phần khơi nguồn cho xu hướng phim cao bồi, võ thuật tại Hollywood. The Hidden Fortress tạo cảm hứng cho George Lucas xây dựng nên loạt phim đình đám Chiến tranh giữa các vì sao. Rashomon tác động đến phong cách xây dựng cốt truyện, sử dụng khuôn hình và ánh sáng để đặc tả nhân vật, cách dẫn dắt sự kiện chính thông qua lời kể của nhiều nhân vật trong những tác phẩm điện ảnh sau này.
Năm 1990, Kurosawa Akira nhận giải Thành tựu trọn đời tại Lễ trao giải Oscar vì những đóng góp lớn lao của ông cho điện ảnh thế giới. Sau này, ông còn được tạp chí Asianweek và CNN bình chọn là “Người châu Á của thế kỷ” trong hạng mục “Nghệ thuật, Văn học và Văn hoá”. Truyền thông ca ngợi ông là “một trong những người đã đóng góp nhiều nhất vào việc thay đổi châu Á trong 100 năm qua”. Tạp chí Time cũng bầu chọn vị đạo diễn là một trong 20 người châu Á có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
kilala.vn
25/04/2022
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận