Các dòng phim và tác phẩm tiêu biểu trong điện ảnh Nhật Bản (P.1)
Tính chất tổng hợp của nghệ thuật Nhật Bản đã là một phần của điện ảnh Nhật kể từ những ngày đầu. Ý tưởng của thơ Haiku trong việc kể chuyện bằng hình ảnh đã truyền cảm hứng cho các đạo diễn bậc thầy như Kenji Mizoguchi và Yasujiro Ozu ghép các cảnh quay trong phim câm thành một bộ phim, và điện ảnh Nhật Bản cũng từ đó đã tìm ra một nét đặc biệt làm nền tảng cho bản sắc riêng biệt. Có thể thấy rằng, trường phái phim của xứ sở hoa anh chia đôi thành: chủ nghĩa hiện thực và giả tưởng. Cùng điểm qua những dòng phim tiêu biểu nhất trong nền điện ảnh Nhật Bản nhé!
Những dòng phim tiêu biểu của điện ảnh Nhật
Dòng phim Samurai
Dòng phim Samurai là một thể loại không thể thiếu trong điện ảnh Nhật Bản, giống như các cuộc đấu tay đôi trong điện ảnh Hollywood phương Tây. Dòng phim này cũng thường xoay quanh các cuộc đấu tay đôi giữa các võ sĩ, nhưng thay vì súng lục Colt thì họ sử dụng thanh kiếm Katana. Danh dự người võ sĩ được lấy làm chủ đề của cốt truyện, và sự trả thù sẽ quyết định lời thoại của nhân vật như thế nào, trang phục ra sao, cũng như quyết định nhiều yếu tố khác trong bộ phim.
Dòng phim Samurai do đạo điễn Akira Kurosawa dẫn đầu. Những bộ phim hay nhất của ông ở thể loại này có thể kể đến là "Yojimbo" (1961) và "Sanjuro" (1962). Ngoài ra, bộ phim Samurai phức tạp nhất có lẽ là "Harakiri" (1962) của đạo diễn Masaki Kobayashi, với cấu trúc câu chuyện chịu ảnh hưởng của "Rashomon" (Akira Kurosawa, 1950), sử dụng lối kể "chuyện lồng trong chuyện" theo góc nhìn của nhiều nhân vật. Bản thân bộ phim cũng không có đáp án rõ ràng, mỗi khán giả sẽ có cho mình một câu trả lời riêng.
Điện ảnh và chiến tranh
Khi điểm lại điện ảnh Nhật Bản, chúng ta không thể không nhắc đến những bộ phim phản chiến của Kon Ichikawa, những câu chuyện mạnh mẽ và mang tính xã hội chẳng hạn như "Biruma no Tategoto/The Burmese Harp" (1956). Điều đáng nói là nếu không có những bộ phim đó thì sẽ không có những tác phẩm kinh điển đương đại như "The Thin Red Line" (Terrence Malick, 1998) hay "Letters from Iwo Jima" (Clint Eastwood, 2006). Trong thể loại phản chiến này, có thể kể đến những bộ phim đề tài chống hạt nhân với nhân vật chính là các sinh vật đột biến, do Ishiro Honda dẫn đầu với loạt tác phẩm nổi tiếng về quái vật Godzilla, từ năm 1954.
Dòng phim Yakuza
Một thể loại gây tò mò khác trong phim Nhật từ cuối những năm 1950 là Yakuza. Với mối liên quan mật thiết đến các bộ phim xã hội đen của Hollywood, thể loại này miêu tả cách thức hoạt động của mafia Nhật Bản, một hiện tượng văn hóa có tiền thân là truyền thống samurai với các quy tắc hóm hỉnh. Theo thời gian, nền điện ảnh Yakuza trở nên cực kỳ bạo lực dưới bàn tay của các đạo diễn như Takashi Miike với những bộ phim như "Gozu" (2003).
Từ chủ nghĩa siêu thực đến khủng bố
Hiroshi Teshigahara (1927 - 2001) là người đề xướng vĩ đại nhất của Nhật Bản về điện ảnh siêu thực. Các bộ phim như "Suna no Onna/The Woman in the Dunes" (1964) và "Tanin no Kao/The Face of Another" (1966) đã có những khám phá mang tính ẩn dụ về mặt tối của con người và đề cao nghệ thuật làm phim. Những bộ phim nổi bật khác trong thể loại này là "Kwaidan" (Masaki Kobayashi, 1964) với tính nghệ thuật đặc biệt được đưa lên màn ảnh rộng, và "Kuroneko" (Kaneto Shindo, 1968), một tác phẩm có giá trị biểu hiện rất lớn lấy bối cảnh Nhật Bản thời trung cổ.
Kế đến, đạo điễn Nobuhiko Obayashi đã mở đầu cho một phong cách làm phim mới với "House" (1977), kết hợp nghệ thuật đại chúng với kinh dị. Mặt khác, Hideo Nakata với "Ringu/The Ring" (1998) đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng phim kinh dị đương đại, và cùng với "Ju-On" (2000) của Takashi Shimizu đã đưa Nhật Bản lên bản đồ điện ảnh thương mại, cả hai thậm chí còn đến Hollywood để đạo diễn các phiên bản Mỹ của chính tác phẩm của mình.
Kiyoshi Kurosawa được xem là người thừa kế vĩ đại của thể loại kinh dị siêu thực này, với sự trừu tượng bí truyền, nửa thực nửa mơ, chẳng hạn như "Cure" (1997) và "Charisma" (1999).
Pink Cinema (Phim hồng)
Phim hồng (ピンク映画) là thuật ngữ phiếm chỉ các xuất phẩm điện ảnh mang thiên hướng khiêu dâm tại Nhật Bản các thập niên 1960 - 1980. Với phim hồng, các tác phẩm của Nhật Bản đã đạt được thành công trên trường quốc tế. Gần như là khiêu dâm, những bộ phim khai thác tình dục này giúp các hãng phim độc lập bỗng chốc hốt bạc. Kết quả là, một làn sóng điện ảnh Nhật Bản mới xuất hiện, với các đạo diễn ra mắt ở thể loại này và sau đó chuyển sang thể loại khác.
Phong cách phim hồng chịu ảnh hưởng của biên kịch, nhưng chính các công ty sẽ quyết định bộ phim được sản xuất như thế nào. Nhìn chung, phía biên kịch muốn một phong cách nghệ thuật và điện ảnh, trong khi phía công ty thường muốn nội dung tập trung vào mô tả tình dục để kiếm lời, còn đạo diễn thì muốn làm ra những tác phẩm có chủ đề mang tính thể nghiệm và thể hiện phong cách cá nhân. Những tác phẩm phim hồng ra đời trong sự va chạm này. Đạo diễn Nagisa Oshima là người đã thực hiện hơn 20 bộ phim ở thể loại này, từ năm 1959 đến năm 1999.
Xem thêm: Các dòng phim và tác phẩm tiêu biểu trong điện ảnh Nhật Bản (P.2)
kilala.vn
20/10/2020
Bài: Huyền Quang
Nguồn tham khảo: faena.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận