Các dòng phim và tác phẩm tiêu biểu trong điện ảnh Nhật Bản (P.2)
Những dòng phim tiêu biểu của điện ảnh Nhật Bản
Siêu bạo lực (Ultra violent)
Siêu bạo lực là một thể loại đặc biệt mà chỉ có vài đạo diễn ở Nhật dám khiêu chiến với nó, vì trong đó có các cảnh phim bạo lực, máu me hơn mức bình thường. Phong cách siêu bạo lực đã xuất hiện trong điện ảnh Nhật Bản với các sub-genre khác thường, có thể kể đến loạt phim Guinea Pig. Thường thiếu cốt truyện, câu chuyện của những bộ phim này chỉ đơn giản là phương tiện để phô bày sự máu me. Mặc dù thực tế là loại phim này chính là bắt nguồn của sự vô cảm đáng chú ý ở lứa khán giả mới khi nền điện ảnh thương mại cần thêm nhiều yếu tố bạo lực hơn để bán được vé, các đạo diễn xuất sắc cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như Takashi Miike với tác phẩm "Audition" và Sion Sono với bộ phim "Jisatsu Sakuru/Suicide Circle".
Hoạt hình
Hoạt hình Nhật Bản xứng đáng có một chương cho riêng nó. Không còn nghi ngờ gì nữa khi người dẫn đầu của thể loại này là đạo diễn Hayao Miyazaki. Tác phẩm của ông nổi bật trong việc nêu bật các giá trị nhân văn dựa trên một kỹ thuật đặc biệt, kết nối với công chúng trên phương diện thẩm mỹ, trở thành một tấm gương trường tồn với thời gian. Những bộ phim hoạt hình đặc sắc phải kể đến là "Mononoke Hime/Princess Mononoke" (1997), và "Spirited Away" (2001), bên cạnh đó còn có Otomo Katsuhiro với "Akira" và Kon Satoshi với "Paprika".
Những đạo diễn tiêu biểu của điện ảnh Nhật Bản
Akira Kurosawa
Nhắc đến đạo diễn Akira Kurosawa là nhắc đến phong cách làm phim truyền thống của phương Tây. Mối quan tâm chính của ông là câu chuyện. Kurosawa là người tiên phong cho nhiều phong cách điện ảnh, và tác phẩm của ông cũng ảnh hưởng đến các bộ phim bom tấn như "Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao" (George Lucas, 1977), đặc biệt là kỹ thuật kể chuyện dưới góc nhìn của nhiều nhân vật.
Một số tác phẩm vĩ đại nhất của ông là các bộ phim bi kịch được chuyển thể từ Shakespeare, chẳng hạn như "Kumonosu-jo/Throne of Blood" (1957) và "Ran" (1985). Bên cạnh đó, ông cũng thực hiện các bộ phim gần gũi hơn, các tác phẩm khơi gợi ý nghĩa thật sự của cuộc sống, chẳng hạn như "Ikiru" (1952) và kiệt tác "Dersu Uzala" (1975).
Shohei Imamura
Sẽ là thiếu sót nếu kể đến Kurosawa Akira mà không đề cập về Shohei Imamura, một trong những đạo diễn Nhật Bản quan trọng nhất thời hậu Thế chiến II, người khai thác cuộc sống của những tầng lớp dưới đáy xã hội.
Imamura miêu tả cách hệ thống kinh tế đã thay đổi cái hồn của Nhật Bản một cách tài tình qua các bộ phim như ""Erogotoshitachi" Yori Jinruigaku Nyumon/The Pornographers" (1966), "Narayama Bushiko/The Ballad of Narayama" (1983), "Kuroi Ame/Black Rain" (1989) và "Unagi" (1997), trong đó Narayama Bushiko và Unagi đều đoạt giải Cành cọ vàng tại Cannes.
Yasujiro Ozu
Đây là đạo diễn được nhiều người yêu thích và chịu ảnh hưởng, bao gồm Wim Wenders và Jim Jarmusch. Đặc trưng của đạo diễn Yasujiro Ozu là thường xuyên sử dụng ống kính 50mm, máy quay được đặt gần sát với mặt đất ngang tầm với nhân vật ngồi trên chiếu tatami, tạo ra những cảnh quay khác với quy tắc hình ảnh thông thường trong điện ảnh.
Đạo diễn Yasujiro Ozu thường kể những câu chuyện đáng yêu theo những cách đơn giản về tầng lớp trung lưu Nhật Bản thời hậu chiến. Ông đã thực hiện một số kiệt tác, đơn cử là "Tokyo Monogatari" (1953), trong đó chỉ đơn giản mô tả chuyện một cặp vợ chồng già đến Tokyo để thăm con và phát hiện ra rằng chúng không có thời gian dành cho mình. Đó chính là điện ảnh của Ozu, một bài học đạo đức, nhưng rất gần gũi với các nhân vật qua lăng kính không ủy mị hay ngọt ngào mà hoàn toàn ngược lại.
Seijun Suzuki
Seijun Suzuki là nhà làm phim tiêu biểu của thể loại Yakuza và là người có ảnh hưởng lớn đến các đạo diễn nổi tiếng trong đó có Tarantino. Đạo diễn Suzuki tạo ra những bộ phim phi lý như chính cuộc sống này, với cách thể nghiệm táo bạo bằng những màn đảo ngược hình ảnh đáng kinh ngạc, những pha hài hước phi lý hòa trong nhịp điệu điên cuồng của bebop (một phong cách nhạc jazz) và sử dụng các yếu tố của điện ảnh Yakuza để nói về sự tồn tại của con người.
Xem thêm: Các dòng phim và tác phẩm tiêu biểu trong điện ảnh Nhật Bản (P.1)
kilala.vn
21/10/2020
Bài: Huyền Quang
Nguồn tham khảo: faena.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận