Kinokuniya Bunzaemon: Ông hoàng kinh doanh thời Edo
Từ Mikan đến cá hồi đã cho chúng ta thấy được tầm nhìn, phán đoán nhạy bén, phù hợp với thời cuộc cùng với chiến dịch marketing truyền miệng đỉnh cao, đã giúp Kinokuniya Bunzaemon tạo ra một gia sản vĩ đại.
Vào cuối thế kỷ 17, thương gia Edo quyền lực Kinokuniya Bunzaemon khi có dịp đến thăm một ngôi đền cùng một vài người bạn, thì một người nông dân nghèo tiếp cận họ và nhờ họ giúp mọi người ở khu này cầu mưa. Bunzaemon đồng ý và thật kỳ lạ, một lúc sau, mưa đã thật sự xuất hiện khiến người nông dân phải thốt lên rằng: “Các vị thần luôn lắng nghe người giàu”.
Đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện truyền miệng (có thể đúng hoặc sai) về cuộc đời của Bunzaemon. Nhưng nếu nhìn vào công việc kinh doanh của ông thì có thể thấy rằng có lẽ Bunzaemon thực sự được các vị thần ưu ái.
Làm giàu nhờ Mikan
Kinokuniya Bunzaemon sinh ra trong một gia đình kinh doanh ở tỉnh Kii (tỉnh Wakayama ngày nay), thuộc bán đảo Kii, vùng Kinki trên đảo Honshu. Khi trưởng thành, Bunzaemon bắt đầu kinh doanh Mikan.
Vào một năm, vùng Kii đạt được sản lượng thu hoạch Mikan cao, đồng nghĩa với việc giá bán sẽ bị giảm. Cùng thời điểm đó, ở Edo (Tokyo ngày nay) đang tất bật chuẩn bị lễ hội tôn vinh thần Inari – bảo trợ cho ngành công – thương nghiệp và nghệ thuật của Nhật Bản, nên nhu cầu sử dụng trái cây, đặc biệt là những loại trái có múi (như cam, Mikan...) tăng cao. Tuy nhiên Mikan lại khan hiếm do bão khiến việc vận chuyển chúng đến Edo bằng đường biển gặp khó khăn.
Và điểu đó lại chính là cơ hội dành cho Bunzaemon. Ông bắt đầu thu gom Mikan, chất lên một con tàu và thuê một “biệt đội cảm tử” bao gồm những thủy thủ lão luyện kinh nghiệm. Trên đường đi mặc dù trải qua những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng tàu của ông cuối cùng đã cập bến Edo an toàn và nguyên vẹn.
Như một lẽ dĩ nhiên, khi cầu cao hơn cung thì lượng hàng hóa sẽ nhanh chóng được tiêu thụ với giá cao. Điều đó khiến Bunzaemon giàu lên sau một đêm và câu chuyện của ông trở thành nguồn cảm hứng cho bài hát và phim ngắn Mikanbune (A ship of orange) phát hành năm 1927 – một trong những phim hoạt hình sớm nhất của Nhật.
Một người kinh doanh đầy thủ đoạn
Không chỉ tập trung vào Mikan mà đây chỉ là sản phẩm khởi đầu cho sự thành công của Bunzaemon. Vào thời điểm ông ở Edo thì Osaka đang bùng phát bệnh dịch hạch, “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”, ông nhanh chóng cho người thu mua một số lượng lớn cá hồi muối.
Sau đó cử những người tung tin rằng cá hồi muối là một loại thuốc thần kỳ để chữa bệnh. Và hiển nhiên, sự tìm kiếm của người dân với cá hồi muối tăng cao khiến lượng hàng của Bunzaemon hết sạch chỉ sau vài ngày.
Bunzaemon cũng kiếm được nhiều tiền khi đầu tư vào gỗ và xây dựng nhờ các hợp đồng với chính phủ, mà nhiều người cho rằng có được thông qua hối lộ. Bởi ông nổi tiếng với những bữa tiệc vui chơi xa hoa trên sông Sumida, nơi các quan chức chính phủ uống rượu và ăn tối cùng với các nhạc công, geisha...
Cũng chính trong những chuyến du ngoạn này, Bunzaemon được cho là thích ném những chiếc cốc bằng vàng và sơn mài của mình xuống biển, để sau này một số thường dân may mắn tìm thấy chúng ở hạ lưu.
Thuê trọn phố đèn đỏ Yoshiwara
Không chỉ giỏi kinh doanh mà Bunzaemon còn giỏi việc ăn chơi và hưởng thụ. Là một vị khách thường xuyên đến khu đèn đỏ Yoshiwara nổi tiếng của Edo, ông thường tổ chức những bữa tiệc lớn kéo dài nhiều ngày với nhiều đồ ăn, rượu và những cô gái.
Bunzaemon từng muốn thử cảm giác sở hữu toàn bộ Yoshiwara sẽ như thế nào. Sau một số cuộc đàm phán, ông thuê thành công toàn bộ nơi đây trong một ngày. Cổng lớn dẫn đến Yoshiwara đã bị đóng cửa và Bunzaemon cùng những người bạn của ông dành cả ngày để tiệc tùng với hàng nghìn gái mại dâm, trong khi uống rượu và ăn uống thỏa thích tại bất kỳ cơ sở nào họ muốn.
Cuộc sống bí ẩn và kín tiếng cuối đời
Bunzaemon không phải là không mắc sai lầm khi nói đến kinh doanh và trên thực tế, ông đã mất gần hết số tiền của mình sau khi kí hợp đồng với chính phủ. Cụ thể là ông sẽ đảm nhiệm việc đúc tiền.
Nhưng những đồng xu có chất lượng kém đến mức chúng chỉ được lưu hành trong một năm. Sau đó, Bunzaemon nghỉ kinh doanh. Nhiều năm sau, một tin đồn lan truyền rằng cuối cùng ông chết trong cảnh nghèo khó vì có vẻ kết cục này sẽ tạo nên một câu chuyện hay. Tuy nhiên, trên thực tế, Bunzaemon sống thoải mái cho đến khi qua đời nhờ tất cả số tiền thuê mà ông thu được từ các dự án xây dựng của mình.
Ngày nay, tên của ông chủ yếu tồn tại trong đồ uống có cồn, với một số lượng đáng ngạc nhiên các nhãn hiệu rượu sake, shochu và mikan hiện đại mang tên “Bunzaemon”.
kilala.vn
08/02/2023
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận