Mikan ở vùng Kyushu: Một mảnh lịch sử đầy ngọt ngào

    Cứ vào mùa thu – đông ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy khắp nơi xuất hiện thứ trái cam không hạt, ngọt nhiều, chua nhẹ mà người dân xứ Phù Tang gọi bằng cái tên Mikan. Và bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết Mikan vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng qua bàn tay sáng tạo của người Nhật Bản, đến nay khi nhắc tới Mikan, người ta chỉ nghĩ đến Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc.

    Lịch sử của Mikan

    Ở Nhật Bản, lịch sử của trái cây bắt đầu từ khoảng 1.200 năm trước. Dựa trên các bài viết trong Kojiki (Cổ Sự Ký) – một trong những ghi chép biên niên cổ nhất còn sót lại về lịch sử và truyền thuyết Nhật Bản được biên soạn cho triều đình Yamato vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8, người ta cho rằng những hạt giống Mikan đầu tiên đã được mang về từ Trung Quốc. Vì vậy, tên thực vật của Mikan trong tiếng Nhật là "Unshu mikan", có nguồn gốc từ tiếng Trung cổ và mang nghĩa “Cam ngọt Ôn Châu” với Ôn Châu là tên một vùng sản xuất cam quýt nổi tiếng ở Trung Quốc. 

    mikan ở vùng kyushu một mảnh lịch sử đầy ngọt ngào
    Những hạt giống Mikan đầu tiên được mang đến Nhật Bản từ Trung Quốc. Ảnh: acure-fun.

    Mặc dù ban đầu, tỷ lệ gieo trồng cây giống thất bại là khá cao nhưng người ta cho rằng chúng được trồng thành công lần đầu tiên ở thành phố Yatsushiro nằm phía tây tỉnh Kumamoto, khiến unshu mikan trở thành đặc sản vùng Kyushu. Vào những năm 1570, một phiên bản không hạt nhỏ hơn của unshu mikan được tìm thấy ở cùng khu vực và được xem là “hạt giống” của loại Mikan được yêu thích ngày nay. Ta có thể kết luận tất cả loại Mikan ngày nay ở Nhật Bản đều có nguồn gốc thực vật từ unshu mikan.

    Vì sao Mikan có mối liên kết chặt chẽ với Kyushu?

    Ở thời điểm hiện tại, các vườn trồng Mikan hàng đầu Nhật Bản không còn nằm ở Kyushu mà là tại tỉnh Wakayama, Ehime và Shizuoka. Nhưng cội nguồn của lịch sử thường bắt đầu từ những hạt giống đầu tiên – tại Kyushu. Bằng chứng là một số cây Mikan lâu đời nhất vẫn còn cho ra quả ở Kagoshima, trong khi Oita tự hào có những cây được cho là khoảng 860 năm tuổi. 

    vì sao Mikan có mối liên kết chặt chẽ với Kyushu
    Loại cây mikan cổ có tuổi đời hơn 860 năm tuổi tại thành phố Tsukumi, tỉnh Oita. Nguồn: Mainichi Shinbun

    Năm 1878, vợ của tướng Van Valkenburgh – Bộ trưởng Mỹ, lúc bấy giờ đến Nhật Bản, đã nhập khẩu Mikan từ Kagoshima, nơi có phần phía Tây gọi là Satsuma, vào Hoa Kỳ. Vì vậy, loại trái cây này ở nơi phương Tây có tên là “Satsuma”, nhanh chóng được yêu thích bởi hương vị thơm ngon và trở nên phổ biến. Từ năm 1908 đến năm 1911, hơn một triệu cây Mikan đã được nhập khẩu đến các tiểu bang, vùng vịnh thấp hơn. Nên ta có thể nói dù xã hội biến chuyển thế nào thì cái “gốc” của Mikan vẫn nằm ở vùng Kyushu và mối liên kết này không bao giờ bị cắt đứt.

    Điểm danh các loại Mikan đặc trưng của vùng Kyushu

    1. Dekopon

    điểm danh các loại Mikan đặc trưng của vùng Kyushu
    Loài Mikan Depokon có hình dáng rất độc đáo. Nguồn: media.timeout.

    Dekopon lần đầu tiên được gieo trồng tại tỉnh Nagasaki vào những năm 1970 nhưng bị chối bỏ do có hình dạng bất thường. Sau đó, loại Mikan này được chuyển đến vùng Kumamoto, nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp để trồng Dekopon hơn. Kết quả là một đặc sản vùng Kumamoto ra đời, với vị ngọt đặc biệt, ít chua và thơm ngon.

    Xem thêm: Cam Dekopon của người Nhật chinh phục thế giới

    2. Green House Mikan

    green house mikan
    Green House Mikan có thời gian thu hoạch khác với các loại Mikan thông thường. Nguồn: Twitter

    Loại Mikan này được trồng trong nhà và phát triển tại quận Saga vào những năm 1970. Điểm đặc biệt của Green House Mikan là thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9 chứ không phải Thu – Đông như loại Mikan thông thường. Điểm đặc biệt thứ hai là nó có lớp vỏ xanh như trái chanh, đạt được sự cân bằng giữa vị ngọt và độ chua.

    3. Harumi Mikan

    harumi mikan
    Harumi Mikan có lớp vỏ dễ bóc. Nguồn: Dandanbatake

    Harumi ở quận Oita được biết đến là loại Mikan đặc biệt ngọt ngào với lớp vỏ dễ bóc. Harumi có từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng Ba, nhiều thịt với độ chua cực thấp, lại cực kỳ mềm nên thường được dùng làm bánh ngọt và bánh tart.

    4. Hakata Mild

    hakata mild
    Hakata Mild có hàm lượng đường đặc biệt cao. Nguồn: Rakuten

    Hakata Mild là loại Mikan được trồng ở tỉnh Fukuoka, áp dụng kỹ thuật canh tác sáng tạo, giúp che chắn cho cây trồng khỏi mưa. Điều này đã giúp Hakata Mild có hàm lượng đường đặc biệt cao. Bạn có thể thưởng thức hương vị đậm đà và vị ngọt của mikan mà vẫn giữ được độ tươi lâu, không bị hư. Thời gian thích hợp để thưởng thức là từ cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau.

    kilala.vn

    01/05/2021

    Bài: .Ngưn.
    Ảnh cover: newsweekjapan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!