
Hương vị Ramen từ 47 tỉnh thành Nhật Bản
Ramen được coi là một phần không thể thiếu của ẩm thực Nhật. Nếu đến thăm quốc gia này, có lẽ bạn sẽ "hoa mắt" bởi vô số biến thể của Ramen trải dài khắp đất nước. Trong chuyến hành trình khám phá 47 tỉnh thành Nhật Bản lần này, cùng Kilala "thưởng thức" món Ramen đại diện cho từng địa phương nhé!
Vùng Hokkaido
Hokkaido – Sapporo Ramen
Sapporo Ramen là món ăn nổi tiếng của Sapporo và là một trong ba loại mì ramen được yêu thích nhất tại Nhật Bản. Mì được đặc trưng bởi phần xúp miso đậm đà với nước hầm xương được hầm trong nhiều giờ.

Sợi mì là loại được ủ với hàm lượng nước cao, có độ xoăn và độ dày vừa phải, thưởng thức cùng giá, bắp, bơ, thịt xá xíu. Hương vị đậm đà khiến loại mì này được ưa chuộng ở những vùng có khí hậu lạnh. Ngoài topping thông thường, một số nhà hàng ngày nay còn sáng tạo những phiên bản biến tấu đa dạng như cua và sò điệp.
Vùng Tohoku
Akita – Jumonji Ramen
Jumonji Ramen là món mì ramen có thể được thưởng thức ở khu vực Jumonji thuộc thành phố Yokote, tỉnh Akita. Đặc điểm nổi bật của Jumonji Ramen là mì được nhào hoàn toàn bằng tay mà không sử dụng kansui (một chất phụ gia có tính kiềm, dùng trong chế biến mì sợi và các sản phẩm từ bột mì để tạo độ dai giòn). Kết cấu độc đáo và sợi mì mỏng, xoăn kết hợp hoàn hảo với nước xúp được nấu từ nước tương, cá ngừ khô và cá mòi khô. Topping bao gồm thịt chashu, hành lá, măng và đôi khi có kamaboko.

Aomori – Hachinohe Ramen
Một trong những đặc điểm của Hachinohe Ramen là sử dụng nhiều nguyên liệu địa phương, chẳng hạn như thịt gà Nanbu, cá mòi khô từ Shirogane và các loại rau khác được trồng tại địa phương.

Món ăn này ban đầu được tạo ra để chào mừng việc mở rộng tuyến tàu Shinkansen Tohoku đến ga Hachinohe, và chỉ mới được bán cách đây chưa đầy 20 năm. Dù không có lịch sử lâu đời nhưng vì sử dụng nguyên liệu đặc trưng của địa phương nên loại mì này cũng được nhiều người yêu thích.
Fukushima – Kitakata Ramen
Kitakata Ramen có nguồn gốc từ thành phố Kitakata, tỉnh Fukushima, và là một trong ba loại mì ramen chính ở Nhật Bản. Loại mì này đặc trưng bởi nước dùng từ nước tương nhạt. Sợi mì dày, dẹt, xoăn và có kết cấu dai. Đây là một trong những món mì ramen địa phương nổi tiếng trên cả nước và được cho là nguồn gốc của mì ramen, ra đời cách đây gần 80 năm.

Iwate – Ofunato Sanma Ramen
Không sử dụng thịt heo hay thịt gà như những loại ramen thông thường, nguyên liệu chính của Ofunato Sanma Ramen lại là cá thu đao. Xuất phát từ thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, Ofunato Sanma Ramen được tạo ra vào năm 2010 với mục đích quảng bá địa phương. Mỗi cửa hàng mì đều sử dụng cá thu đao theo công thức riêng, và có nhiều biến thể về nước dùng, đồ ăn kèm.

Miyagi – Karamiso Ramen
Karamiso Ramen là món ramen có hương vị cay được yêu thích ở Sendai, Miyagi. Nước dùng của ramen này sẽ bao gồm miso cay hòa cùng nước xúp miso thông thường tạo nên vị cay đậm đà. Chính vì thế, đây là món được ưa chuộng vào mùa đông.

Yamagata – Torimotsu Ramen
Torimotsu Ramen là một loại mì ramen chủ yếu được phục vụ ở thành phố Shinjo, tỉnh Yamagata, gồm nước dùng vị thanh từ nước tương, ăn kèm với nội tạng gà hầm. Ở thành phố Shinjo, một số vùng có phong tục hầm phần nội tạng. Vì nhiều thực khách gọi cả nội tạng cùng mì ramen nên ý tưởng kết hợp cả hai món đã nảy sinh và Torimotsu Ramen ra đời.

Vùng Kanto
Chiba – Katsuura Tantanmen
Katsuura Tantanmen là món mì độc đáo được phục vụ tại các nhà hàng quanh thành phố Katsuura, tỉnh Chiba. Món này đã có từ rất lâu và được cho là món mà các ngư dân và thợ lặn nữ thường hay ăn để làm ấm cơ thể sau khi lao động. Một đặc điểm chính của món Tantanmen kiểu Katsuura là thịt heo và hành tây được xào với loại dầu ớt vị nước tương, tạo nên hương vị khó quên.

Gunma – Fujioka Ramen
Fujioka Ramen là một đặc sản của thành phố Fujioka thuộc tỉnh Gunma, nổi bật với sợi mì xoăn dày được làm thủ công và nước dùng vị nước tương, hầm cùng xương gà và xương heo trong nhiều giờ để tạo nên hương vị đậm đà. Các loại topping bao gồm thịt heo chashu, măng, hành lá, rong biển, giá…

Ibaraki – Stamina Ramen
Một trong những món mì ramen địa phương có lịch sử lâu đời nhất ở Ibaraki là "Stamina Ramen". Món ăn truyền thống này đã có từ hơn 40 năm trước, với mì được phủ một lớp nước sốt làm từ nước tương cay nồng. Có thể nói đây là món ăn linh hồn của người dân tỉnh Ibaraki.

Nhiều thành phần chẳng hạn như gan, bắp cải và bí ngô có phần hơi lạ, nhưng chúng lại rất hợp với loại mì dày đặc trưng của món này. Nếu bạn muốn thưởng thức đặc sản của Ibaraki, hãy đến "Stamina Ramen Matsugoro" - một cửa hàng mì ramen lâu đời ở thành phố Mito.
Kanagawa – Sanmamen
Sanmamen là một loại mì ramen có nguồn gốc từ Yokohama, tỉnh Kanagawa, với điểm khác biệt là sử dụng cả giá đậu nành và giá đậu xanh. Trước Thế chiến thứ II, soba thịt là một món ăn phổ biến ở Phố Tàu Yokohama nhưng nó rất đắt, vì vậy Sanmamen - món mì với rau đã ra đời. Sau chiến tranh, từ năm 1947 đến năm 1948, Sanmamen bắt đầu được phục vụ cho công nhân tại cảng Yokohama như một món giúp no bụng, giá rẻ và giữ ấm được lâu.

Thành phần của Sanmamen có thể thay đổi đôi chút tùy theo nhà hàng, nhưng nước dùng cơ bản vẫn là vị nước tương. Ngày nay, ngoài giá, người ta còn sử dụng các loại rau theo mùa như nấm hương, ớt xanh, nấm mèo, thịt heo... để tạo nên món ăn cân bằng dinh dưỡng.
Saitama – Miso Sake Ramen
Miso Sake Ramen từ thành phố Ageo, tỉnh Saitama là loại mì ramen địa phương được làm từ bã rượu sake của Bunraku - xưởng rượu địa phương lâu đời. Phần nước dùng miso đặc trưng của mỗi cửa hàng đều được pha trộn với bã rượu sake để mang lại hương vị tinh tế và đậm đà.

Tochigi – Sano Ramen
Sano Ramen có nguồn gốc từ thành phố Sano, tỉnh Tochigi, với đặc trưng là sợi mì dẹt, xoăn được kéo thủ công bằng một đoạn tre dày để dưới đầu gối, tạo nên kết cấu dai đặc trưng. Món này thường ăn cùng thịt heo chashu và hành trắng, có nước dùng trong, đậm đà vị gà và nước tương - hương vị tuy đơn giản nhưng vẫn đủ hấp dẫn. Lý do Sano Ramen luôn được yêu thích là vì nó có hương vị mà bất kỳ ai, từ trẻ em đến người già, đều có thể ăn hàng ngày mà không thấy chán.

Tokyo – Ogikubo Ramen
Món này được phục vụ quanh ga Ogikubo trên tuyến JR Chuo, ở phường Suginami, Tokyo, và đặc trưng bởi nước dùng kiểu Nhật làm từ hải sản, nước tương đen cùng sợi mì mỏng vừa phải. Trong thời kỳ bùng nổ mì ramen những năm 1980, Ogikubo Ramen đã được giới thiệu trên truyền hình và tạp chí khiến món ăn này lan rộng khắp cả nước.

Vùng Chubu
Aichi – Taiwan Ramen
Món mì ramen địa phương đặc trưng của Aichi được gọi là "Taiwan Ramen". Trên thực tế, dù có chữ Taiwan trong tên, bạn không thể tìm thấy món này ở Đài Loan. Lý do có tên này là vì người chủ đầu tiên của nhà hàng Trung Hoa tại Aichi, nơi khai sinh ra món mì, là một người đàn ông gốc Đài. Điểm đặc trưng nhất của Taiwan Ramen là độ cay, nguyên liệu gồm có lá hẹ, hành lá, giá và thịt heo bằm trộn với tỏi, bột ớt.

Fukui – Tsuruga Ramen
Có nguồn gốc từ thành phố Tsuruga, tỉnh Fukui, Tsuruga Ramen ra đời chỉ với một xe đẩy mì ramen vào năm 1953. Sự kết hợp giữa sợi mì mỏng, thẳng và nước dùng thanh nhẹ hầm từ xương heo và gà tạo nên món ăn được người dân địa phương ưa chuộng. Ngày nay, món mì ramen này được phục vụ tại nhiều nhà hàng ở thành phố Tsuruga và đã trở thành món ăn được khách du lịch yêu thích.

Gifu – Takayama Ramen
Mì Takayama Ramen của Gifu, hay còn được gọi là Hida Ramen, là đặc sản của thành phố Takayama. Nước dùng được hầm từ xương gà, rau củ và cá ngừ bào, ăn cùng sợi mì mỏng và xoăn. Topping chủ yếu là loại hành lá địa phương gọi là Hida negi, thịt lợn nướng hoặc chashu thái mỏng và măng muối.

Ishikawa – UFO Ramen
Đây là món mì phổ biến ở thành phố Hakui, tỉnh Ishikawa – một khu vực nổi tiếng với nhiều lần phát hiện UFO. Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ miếng chả cá kamaboko có chữ UFO ở trên, còn về phần hương vị thì khá nguyên bản và đơn giản với vị nước tương nhẹ nhàng.

Nagano – Anyouji Ramen
Món mì này được nấu từ miso Anyouji, một loại tương miso địa phương có nguồn gốc từ Chùa Anyouji, thành phố Saku, tỉnh Nagano. Để được định nghĩa là Anyouji Ramen, 80% lượng miso sử dụng phải là loại này, còn lại không có quy định về topping hay nước dùng nên có nhiều phiên bản khác nhau tùy theo mỗi nhà hàng.

Niigata – Tsubame Sanjo Ramen
Đây là loại mì có thể thưởng thức ở thành phố Tsubame và Sanjo thuộc tỉnh Niigata. Phần xúp có vị nước tương đậm đà và được hoàn thiện bằng một lượng mỡ lưng heo “hào phóng”, kết hợp với sợi mì dày.

Shizuoka – Fujieda Asa Ramen
Thành phố Fujieda ở tỉnh Shizuoka là vùng trồng trà nổi tiếng, tại đây việc mua bán trà thường diễn ra rất sớm, từ khoảng 3 đến 6 giờ sáng. Để phục vụ những người làm công việc này, các chủ tiệm ramen đã mở cửa từ sáng tinh mơ và sáng tạo ra một loại ramen nhẹ bụng, dễ tiêu.
Fujieda Asa Ramen được đặc trưng bởi sợi mì mềm và nước dùng từ hải sản thanh nhẹ, ít chất béo nên không gây nặng bụng ngay cả khi ăn vào buổi sáng. Điểm đặc biệt là món này thường được phục vụ theo set hai tô, một nóng và một lạnh.

Toyama – Toyama Black Ramen
Mì "đen" Toyama ra đời tại thành phố Toyama, tỉnh Toyama vào khoảng năm 1955, có đặc điểm là nước dùng sẫm màu và đậm đà được nấu từ nước tương đen. Ban đầu, món này được tạo ra để giúp những người lao động chân tay bổ sung lượng muối cần thiết. Bên cạnh đó, Toyama Black Ramen còn nổi bật với sợi mì dày và vị thơm cay của tiêu đen xay. Ngày nay, thực khách thường gọi set mì kèm một chén cơm để ăn cùng.

Yamanashi – Koshu Jidori Ramen
Món mì này có nước dùng nấu từ thịt gà Koshu Jidori, một giống gà địa phương thả vườn, thịt chắc và đậm vị umami. Koshu Jidori Ramen đã đứng thứ ba trong Cuộc bình chọn mì địa phương Nhật Bản được tổ chức vào năm 2023. Nước dùng vàng ươm, đậm đà hương vị thịt gà, sợi mì mềm và trơn tạo nên sức hút của món ăn.

Vùng Kansai
Hyogo – Banshu Ramen
Banshu Ramen là loại mì có xuất xứ tại vùng Banshu, thành phố Nishiwaki, tỉnh Hyogo. Để tạo ra vị ngọt đặc trưng, nước dùng mì thường được ninh cùng hành tây, táo, cá khô và đường phèn. Ngoài ra, xương heo, xương gà và rau củ cũng được sử dụng để tạo nên hương vị đậm đà, tinh tế. Về phần mì thì thường là loại mì xoăn sợi nhỏ, đặt trên cùng là các topping đa dạng như thịt chashu, giá đỗ, hành lá, rong biển...

Kyoto – Kyoto Ramen
Đây là tên gọi của loại mì ramen được phục vụ chủ yếu ở Thành phố Kyoto. Kyoto Ramen có thể được chia làm ba loại: Ramen nước tương đậm đà, ninh với xương heo và thịt heo; Ramen nước dùng gà và mỡ heo nổi; Toripaitan Ramen với nước dùng gà màu trắng đục, đậm vị ngọt và umami. Cả ba loại đều có nước dùng sánh, đặc và được ưa chuộng khắp Nhật Bản.

Mie – Kameyama Ramen
Đây là loại mì tương đối mới, được sáng tạo vào năm 2013. Kameyama Ramen chỉ sử dụng nguyên liệu được sản xuất ở tỉnh Mie: sợi mì từ giống lúa mì Nishinokaori; topping gồm các loại nấm sò, nấm hương, nấm súp lơ; xúp xương bò là sự kết hợp của ba loại miso địa phương.

Nara – Tenri Ramen
Tenri Ramen là loại mì ramen có nguồn gốc từ thành phố Tenri thuộc tỉnh Nara, gồm hai loại là Saika Ramen và Tenri Stamina Ramen. Mì Tenri có đặc điểm là nước dùng được nấu từ xương heo, xương gà, tỏi và tương đậu ớt doubanjiang. Một số nguyên liệu khác để tăng thêm hương vị bao gồm cải thảo, thịt heo và hẹ.

Osaka – Takaida Ramen
Đây là món mì ramen ở khu vực Takaida - trải dài từ phường Higashinari ở thành phố Osaka đến thành phố Higashi Osaka. Sợi mì được ví như sợi udon mỏng - khá dày, thẳng và tròn. Nước dùng có màu đen đặc, được nấu từ nước tương, xương gà và tảo bẹ. Một đặc trưng khác của phong cách Takaida là nhiều cửa hàng mì thường mở cửa sớm từ 8 giờ sáng, bởi trước kia đây là món ăn phục vụ cho các công nhân nhà máy trong khu vực.

Shiga – Omi Champon
Omi Champon được tạo ra vào năm 1963 tại nhà hàng Menrui Okabe ở thành phố Hikone, tỉnh Shiga. Món ăn này có nước xúp trong được ninh từ cá ngừ và tảo bẹ, kết hợp với sợi mì mảnh, rau và thịt heo tạo nên hương vị dịu nhẹ, thêm chút giấm sẽ mang đến vị chua thanh mát.

Wakayama – Wakayama Ramen
Thường được gọi là Chuka Soba bởi người dân địa phương, món này chủ yếu phổ biến ở phía Bắc tỉnh Wakayama. Nước dùng được ninh từ xương heo và nước tương, kết hợp sợi mì thẳng có độ mỏng vừa phải, ăn cùng các loại topping tiêu chuẩn bao gồm thịt chashu, chả cá kamaboko và hành lá. Ngoài ra, với phong cách mì ramen Wakayama, mọi người thường ăn trứng luộc, sushi có sẵn trên bàn trong khi chờ mì được phục vụ.

Vùng Chugoku
Hiroshima – Hiroshima Ramen
Món này phổ biến ở phía Tây của tỉnh, chủ yếu là tại thành phố Hiroshima. Nước dùng mì là sự kết hợp của xương heo hầm tonkotsu, xương gà, hải sản và nước tương, mang đến vị thanh và mùi thơm nhẹ nhàng. Hiroshima Ramen sử dụng sợi mì mỏng, chủ yếu được sản xuất tại địa phương, và một số nhà hàng còn phục vụ mì tự làm. Topping phổ biến có hành lá, thịt lợn chashu, măng và giá đỗ.

Okayama – Tonkatsu Ramen
Đây là loại mì ramen phổ biến ở thành phố Okayama, tỉnh Okayama, với đặc trưng là mì được phủ topping tonkatsu – cốt lết chiên xù giòn rụm. Phần nước xúp chủ yếu được nấu từ xương gà hoặc xương lợn và có vị nước tương, khi bột tonkatsu ngấm vào xúp, bạn có thể thưởng thức sự thay đổi về kết cấu và hương vị.

Shimane - Shijimi Ramen
Món ramen này nổi bật bởi phần nước dùng trong vắt được ninh từ ngao Shijimi của hồ Shinji cùng sợi mì dai được nhào nặn bằng nước kiềm tự nhiên vùng Okuizumo. Hai loại Shijimi Ramen phổ biến nhất là vị miso và vị “shoyu kiểu cháy xém”. Vị shoyu được hòa quyện cùng nước cốt hành tây, còn vị miso được kết hợp từ hai loại miso đỏ và trắng, tạo nên hương vị đặc trưng của tỉnh Shimane.

Tottori – Gyukotsu Ramen
Điểm đặc trưng của món Gyukotsu Ramen chính là phần nước dùng được ninh từ xương bò - hầu như không thể tìm thấy tại các vùng khác ở Nhật Bản. Món ramen này có nước dùng thơm béo, mang vị umami tự nhiên và hương thơm đặc trưng của mỡ bò. Mỗi quán ramen tại Tottori đều có công thức chế biến nước dùng riêng, mang đến sự đa dạng về hương vị cho món Gyukotsu Ramen này.

Yamaguchi – Ube Ramen
Ube Ramen sử dụng nước dùng từ xương heo (tonkotsu) với hương vị đậm đà và sánh, kết hợp cùng sợi mì mềm có độ dày vừa phải. Mì Ube Ramen truyền thống thường được dùng kèm với hành lá, thịt chashu và măng muối menma. Ngoài ra, món mì này có giá khá rẻ so với các loại ramen ở những vùng khác nên rất được người dân địa phương yêu thích.

Vùng Shikoku
Ehime – Yawatahama Champon
Khác với Nagasaki Champon - nổi tiếng với nước dùng tonkotsu đậm đà, Yawatahama Champon có nước dùng trong, mang sắc vàng óng ánh và ăn cùng sợi mì dày. Loại nước dùng này được ninh nhiều giờ với xương gà, tảo bẹ (kombu) và cá bào (katsuobushi), tạo nên hương vị thanh nhẹ nhưng vẫn dậy mùi umami. Ngoài các topping thường thấy như rau, thịt ba chỉ heo, kamaboko, món mì này còn có thêm jakoten - chả cá chiên đặc sản của tỉnh Ehime.

Kagawa – Sanuki Ramen
Sanuki Ramen nổi tiếng bởi nước dùng trong vắt màu vàng óng, được ninh từ iriko (cá cơm khô) loại hảo hạng được đánh bắt ở vùng biển phía tây tỉnh Kagawa, các loại cá nhỏ từ vùng biển nội địa Seto, cùng với thịt gà và thịt heo. Thêm vào đó, Sanuki Ramen còn sử dụng loại nước tương nhạt (usukuchi shoyu) được sản xuất ở tỉnh Kagawa, mang lại hương thơm thanh tao.

Kochi – Ramen “nồi đất” Nabeyaki
Món ramen này còn được gọi là Susaki Ramen do có nguồn gốc từ thành phố Susaki, tỉnh Kochi. Nabeyaki Ramen có nước dùng thanh nhẹ từ xương gà được ninh cùng nước tương và phục vụ trong một chiếc nồi đất. Phần topping ăn kèm thường bao gồm thịt gà mái oyadori có độ dai đặc trưng, hành lá, trứng sống, chả cá chikuwa và sumaki.

Tokushima – Tokushima Ramen
Điểm đặc biệt của Tokushima Ramen chính là nước dùng được chia thành 3 loại: trắng, vàng và nâu. Loại màu trắng có nước dùng xương heo tonkotsu và nêm bằng nước tương nhạt (usukuchi shoyu). Loại màu vàng có nước dùng được ninh từ xương gà và rau củ, tạo nên vị ngọt thanh, trong và dịu nhẹ hơn.

Loại màu nâu là phổ biến nhất, với hương vị đậm đà từ nước dùng tonkotsu được nêm bằng xì dầu đậm hoặc nước tương tamari, thường phục vụ kèm thịt heo xào sukiyaki, trứng sống hoặc lòng đỏ trứng và hành lá.
Vùng Kyushu & Okinawa
Fukuoka – Hakata Ramen
Hakata Ramen nổi tiếng bởi sợi mì trắng, mảnh, gần giống sợi mì somen, thấm đẫm nước dùng tonkotsu béo ngậy và đậm vị umami do được ninh trong nhiều giờ liền. Bạn có thể tùy chọn độ cứng của sợi mì ramen khi gọi món - từ rất mềm (bariyawa) đến siêu cứng (barikata).

Ngoài ra, do sợi mì mảnh và mềm nên sẽ rất dễ ngấm nước dùng và trương lên. Vì vậy, các quán ramen thường không có tùy chọn “upsize - tăng khẩu phần” mà thay vào đó là “kaedama - thêm một phần mì” sau khi ăn xong.
Kagoshima – Kagoshima Ramen
Kagoshima Ramen có nước dùng tonkotsu nhưng cũng được kết hợp với rau củ, xương gà, cá mòi khô niboshi, nấm hương khô và tảo bẹ kombu, mang đến hương vị phong phú cho nước dùng. Ngoài ra, nhiều quán ramen ở Kagoshima thường phục vụ ramen kèm thêm dưa chua và trà xanh nóng.

Kumamoto – Kumamoto Ramen
Đặc trưng của mì Kumamoto Ramen nằm ở phần tỏi phi giòn và dầu tỏi đen (マー油 - Mayu). Tỏi được phi thành miếng giòn rồi rắc lên mặt tô mì, cùng với dầu Mayu thơm nồng từ tỏi cháy, khiến nước dùng thêm phần đậm đà và hấp dẫn. Ramen Kumamoto thường có sợi mì to, có độ mềm vừa phải, ăn kèm với thịt heo xá xíu, mộc nhĩ, hành lá và giá đỗ.

Miyazaki – Miyazaki Ramen
Giống các loại ramen khác của vùng Kyushu, Miyazaki Ramen sử dụng nước dùng tonkotsu nhưng nhẹ nhàng và trong hơn, thường được nêm với muối hoặc nước tương; ăn cùng sợi mì to, mềm và dễ nhai. Một điểm đặc biệt của Miyazaki Ramen là thường được ăn kèm với takuwan - củ cải muối vàng.

Nagasaki – Nagasaki Champon
Nhắc đến champon, không thể bỏ qua món mì Nagasaki Champon nổi tiếng. Phần nước dùng được ninh nhừ từ xương gà và heo, kết hợp cùng sợi mì dày ăn kèm với đa dạng topping như thịt heo, nghêu, tôm, mực... và nhiều loại rau như bắp cải, giá đỗ, cà rốt… Các loại rau, thịt sẽ được xào sơ trên lửa lớn, sau đó thêm nước dùng và mì nấu đến khi chín, cuối cùng là thêm một chút nước tương để tạo hương vị.

Oita – Saiki Ramen
Saiki Ramen, món mì đặc sản của thành phố Saiki thuộc tỉnh Oita, nổi bật với nước dùng tonkotsu và shoyu đậm đà, dùng kèm với sợi mì thẳng, có độ dày vừa phải, dễ dàng thấm đều nước dùng, mang lại cảm giác ăn vừa miệng, dễ chịu.

Okinawa – Okinawa Soba
Mặc dù được gọi là “soba”, nhưng sợi mì của Okinawa Soba không sử dụng bột kiều mạch như các loại soba truyền thống Nhật Bản, mà được làm từ bột mì, nhào cùng nước tro (kansui), khiến sợi mì có độ đàn hồi, dai và màu sẫm đặc trưng. Nước dùng của Okinawa Soba được ninh từ xương heo kết hợp với cá ngừ bào (katsuobushi), ăn kèm với topping đa dạng như: sanmai-niku (thịt ba chỉ heo kho mềm), chả cá hấp kamaboko, gừng đỏ muối, tảo bẹ kombu hầm, trứng chiên thái sợi hoặc trứng luộc…

Saga – Saga Ramen
Saga Ramen đặc trưng bởi sợi mì thẳng, hơi dày hơn so với các loại ramen phổ biến khác trong vùng; kết hợp với nước dùng tonkotsu được chế biến đặc biệt để giảm bớt vị ngậy và độ mặn thường thấy của tonkotsu. Ngoài các topping phổ biến như hành lá, chashu, món mì này thường được dùng kèm với một quả trứng sống, mang đến vị béo ngậy nổi bật giữa nền nước xúp ngọt dịu.

kilala.vn
JP47 - VÒNG QUANH 47 TỈNH THÀNH NHẬT BẢN
Cùng một chủ đề, nhưng ở 47 tỉnh thành Nhật Bản sẽ có điểm gì khác biệt? Trong series JP47, hãy cùng Kilala bước chân vào một hành trình khám phá những nét đặc trưng, những điểm khác biệt thú vị giữa các tỉnh thành trên khắp xứ Phù Tang nhé!
Đọc và theo dõi các bài viết thuộc series tại đây!
Đăng nhập tài khoản để bình luận