Nghệ nhân Nhật sáng tạo búp bê truyền thống biết chơi đàn Koto
Búp bê chuyển động Karakuri truyền thống đã được nâng tầm ở thời hiện đại khi không chỉ có thể phục vụ trà, viết thư pháp, bắn cung mà còn chơi được cả nhạc cụ.
Sau hàng chục ngàn lần thử nghiệm cùng tám năm miệt mài, nghệ nhân thuộc nhóm Yume Karakuri Ichiza - ông Susumu Higashino, 72 tuổi, sống tại thành phố Neyagawa, tỉnh Osaka đã sáng tạo nên búp bê Karakuri chơi được đàn Koto truyền thống và ra mắt nó vào năm 2021.
Búp bê Karakuri hay "Karakuri Ningyo – からくり人形" là loại búp bê có cơ chế hoạt động dựa theo chuyển động cơ học, xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603 – 1868). Chúng được xem như khởi nguồn cho thế hệ robot thông minh của Nhật Bản. Cái tên Karakuri được cho là xuất phát từ động từ "Karakuru – からくる" trong tiếng Nhật , có nghĩa là "kéo căng sợi chỉ để khiến một thiết bị di chuyển".
Mặc dù trước đây từng có những búp bê tương tự được thiết kế với hình dáng đang đánh đàn, nhưng búp bê của nghệ nhân Higashino thực sự có thể tự chơi nhạc cụ – một bước đột phá lớn trong nghệ thuật làm búp bê chuyển động của Nhật Bản.
Búp bê trong trang phục Kimono trang nhã, có chiều cao khoảng 30cm, đầu hơi nghiêng, hai tay đánh đàn điệu nghệ tạo nên giai điệu bài dân ca “Sakura Sakura” nhẹ nhàng ngân vang khắp căn phòng. Búp bê được điều khiển bởi bộ máy đồng hồ đặt bên dưới chỗ ngồi.
Những chỗ lồi lõm trên "trục cam" có dạng đĩa quay và "đòn quay ngang" cùng vận hành để điều khiển những chuyển động nhỏ nhất của búp bê. Búp bê sẽ chơi bài "Sakura Sakura" trong khoảng 1 phút và cũng có thể biểu diễn bài “Kojo no Tsuki” (tạm dịch: Ánh trăng trên tòa thành đổ nát) nhờ vào sự chuyển dịch của trục cam.
Năm 2011, nghệ nhân Higashino từng bị đột quỵ và rơi vào trạng thái hôn mê hơn 1 tháng, khiến ông phải nhập viện trong 6 tháng liền. Sau cơn đột quỵ, phần cơ thể bên phải của ông đã bị liệt, nhưng nghệ nhân vẫn tâm niệm phải hoàn thành tác phẩm búp bê khi mình vẫn còn sống. Hideki - con trai 36 tuổi, người thừa kế của Higashino thường hỗ trợ ông trong các công việc đòi hỏi những điều chỉnh phức tạp.
Chia sẻ về tác phẩm mới nhất của mình, ông Higashino bày tỏ: “Cha con tôi đã phải thử hàng chục ngàn lần để thành công tạo ra búp bê đàn được những giai điệu đẹp. Nghệ thuật làm búp bê Karakuri thật sâu sắc và sẽ sống mãi theo thời gian”.
Ông Higashino học nghề thủ công từ cha là thợ làm đồ nội thất gỗ. Ở tuổi 26, trong lúc đang sưu tầm đồ cổ để mở một cửa hàng, ông vô tình tìm thấy một búp bê cơ khí Karakuri có vết nứt ở phần thân trên tại một khu chợ ở Kyoto. Kể từ đó, ông đã lạc vào thế giới của Karakuri; ông đặt mua nhiều loại búp bê từ cửa hàng đồ cũ để tháo rời từng bộ phận và học hỏi, góp nhặt những kỹ năng riêng cho bản thân.
Xem thêm: 7 loại búp bê truyền thống Nhật Bản
Qua quá trình nghiên cứu miệt mài, ông Higashino đã thành công chế tạo được búp bê viết thư pháp và bắn cung vốn, là sáng chế của Tanaka Hisashige – nhà phát minh vĩ đại cuối thế kỷ 19, cũng là “cha đẻ” của tập đoàn điện tử Toshiba.
Vào năm 2007, ông Higashino xuất sắc được bầu chọn là “nghệ nhân bậc thầy đương đại” bởi Bộ Lao động Nhật Bản và chinh phục khán giả ở thủ đô Paris của nước Pháp với phần trình diễn vào năm 2018.
Ngay từ khi còn nhỏ, người con trai Hideki đã luôn nhìn thấy hình ảnh phụ thân – ông Higashino nghiêm túc tạo tác búp bê. Anh bắt đầu phụ giúp cha khi lên cấp hai. Đến tuổi 19, Hideki hạ quyết tâm theo đuổi nghiêm túc con đường sáng tạo búp bê Karakuri và kế nghiệp cha.
Hideki chia sẻ: “Trong tương lai, tôi muốn tạo ra những con búp bê được ghi trong sử sách nhưng chưa ai được trông thấy để khiến những người chiêm ngưỡng ngạc nhiên và say mê”.
kilala.vn
26/11/2022
Bài: Rin
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận