Hayami Gyoshu - người tạo ra những kiệt tác Nihonga từ vàng
Họa sĩ Hayami Gyoshu theo đuổi những phương thức thể hiện mới trong dòng tranh Nihonga thông qua việc kết hợp khéo léo kim loại vàng vào trong các tác phẩm.
Thuật ngữ “Nihonga – 日本画”, nghĩa đen là “hội họa Nhật Bản”, xuất hiện vào gần cuối thế kỷ 19 để phân biệt với phong cách hội họa du nhập từ phương Tây là "Yoga – 洋画". Nihonga dựa trên các kỹ thuật hội họa truyền thống của Nhật Bản, vốn đã có hơn 1.000 năm lịch sử phát triển.
Một đặc trưng của Nihonga là về chất liệu được sử dụng. Bột màu làm từ khoáng chất nghiền mịn, mực sumi, vàng lá. được sử dụng để vẽ trên giấy washi hoặc lụa, với keo kết dính gọi là nikawa dùng để gắn bột màu khoáng và vàng lá lên bề mặt.
Hayami Gyoshu (1894–1935) là một họa sĩ Nihonga nổi tiếng, người đã tạo ra nhiều kiệt tác sử dụng khéo léo kim loại vàng làm chất liệu vẽ tranh.
“Khi Gyoshu đột ngột ra đi ở tuổi 40, đời họa sĩ của ông ngắn ngủi, chỉ hơn 20 năm một chút. Dù vậy trong suốt cuộc đời, ông luôn thử nghiệm những phương thức biểu đạt nghệ thuật mới, biến đổi đáng kể phong cách và kỹ thuật của mình.
Người họa sĩ liên tục giải cấu trúc và tái tạo Nihonga chứ không bó buộc mình vào một hình thức nào. Và vàng là thứ mà Gyoshu luôn sử dụng như một phương tiện chính để biểu đạt nghệ thuật,” Yamazaki Taeko - giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Yamatane và là nhà nghiên cứu về Gyoshu, cho biết.
Bảo tàng Nghệ thuật Yamatane ở trung tâm Tokyo lưu giữ hơn 1.800 tác phẩm Nihonga hiện đại và đương đại, 120 trong số đó là tranh của Gyoshu. Ba trong số các tác phẩm của Gyoshu đặc biệt nổi bật nhờ việc ứng dụng vàng là “Dancing in the Flames", “Emerald Mosses and Verdant Grass” và “Camellia Petals Scattering”.
“Dancing in the Flames” (tạm dịch: Khiêu vũ giữa ngọn lửa) - tác phẩm công bố vào năm 1925 đã được chỉ định là Tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Để vẽ bức tranh này, Gyoshu đã đốt lửa tại ngôi nhà nghỉ mát của ông mỗi đêm, liên tục trong vòng ba tháng để theo dõi ngọn lửa cùng những con bướm đêm bị thu hút bởi ánh lửa mà tụ tập lại.
Sử dụng một loại bột màu gọi là kindei – bột vàng được trộn với keo và nước – họa sĩ đã khắc họa những tia lửa rực cháy trong bóng tối và điệu múa của những con bướm đêm với chi tiết và màu sắc tinh tế.
Đối với tác phẩm “Emerald Mosses and Verdant Grass” (tạm dịch: Rêu màu ngọc lục bảo và Cỏ xanh), một cặp bình phong bốn tấm được ra mắt vào năm 1928, những lá vàng chỉ dày 0,01 - 0,02µm đã được phủ lên bề mặt của bức tranh.
Lá vàng và kindei là những chất liệu đã được sử dụng trong nền hội họa xứ Phù Tang từ thời cổ đại. Tuy nhiên, trong “Camellia Petals Scattering” (tạm dịch: Cánh hoa trà rơi) - Tài sản văn hóa quan trọng được công bố vào năm 1929, Gyoshu đã sáng tạo ra một kỹ thuật mới có tên là "maki tsubushi", trong đó lá vàng được nghiền mịn thành bột rồi cho vào ống tre và rắc lên tranh.
Bà Yamazaki cho biết: “Khi còn trẻ, Gyoshu cũng đã học kỹ thuật trang trí sơn mài makie-e và đây có thể là nguồn cảm hứng cho việc ông phát minh ra maki tsubushi. Ông đã tạo ra một nền vàng êm dịu, tinh tế khác với nền làm bằng vàng lá hoặc kindei, bằng cách rắc bột vàng mịn lên giấy washi được phủ keo. Sau đó, ông khắc họa các bông của cây hoa trà được cho là đã 400 năm tuổi, làm nổi bật sự hiện diện của chúng thông qua những màu sắc sống động."
“Với maki tsubushi, lượng vàng được sử dụng cao gấp 5 đến 6 lần so với khi chỉ dán lá vàng lên cùng một diện tích. Theo nghĩa nào đó, đây là một kỹ thuật cực kỳ ngông cuồng,” bà Yamazaki nhận định.
Với tài năng hội họa xuất chúng ngay từ khi vào nghề, Hayami Gyoshu đã tiếp tục làm việc chăm chỉ trong suốt cuộc đời của mình để cho ra đời những kiệt tác từ vàng với bố cục táo bạo, vẫn tiếp tục thu hút người xem cho đến tận ngày nay.
kilala.vn
16/07/2023
Bài: kirin
Nguồn: gov-online.go.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận