Dohan Play: Xu hướng "du lịch giả" đến Hàn Quốc của gen Z Nhật
Trong thời đại dịch với những hạn chế đi lại, nhiều người trẻ thuộc thế hệ gen Z Nhật Bản đã chuyển sang một xu hướng du lịch mới lạ mang tên “Tokan Gokko” (hoặc “Dohan Play”), tức du lịch giả tới Hàn Quốc.
Dohan Play là gì?
“渡韓ごっこ – Tokan Gokko” được ghép từ chữ “Tokan”, nghĩa là “du lịch đến Hàn Quốc” và "Gokko" (trò chơi giả làm điều gì đó). Nó còn được gọi bằng một thuật ngữ khác là “Dohan Play” và mang ý nghĩa là “chuyến du lịch giả đến Hàn Quốc”.
Trong đó, người tham gia sẽ thưởng thức các món ăn, đồ uống của Hàn ngay tại khách sạn ở Nhật Bản. Họ mặc trang phục và tham gia các hoạt động như thể đang thật sự du lịch đến đất nước này.
Một chuyến du lịch Dohan Play diễn ra như thế nào?
Xu hướng Dohan Play bắt đầu trở nên phổ biến trong giới trẻ thuộc gen Z Nhật Bản (những người sinh từ năm 1996 đến năm 2012) thông qua mạng xã hội Instagram kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ vào cuối 2019.
Sự phổ biến của Dohan Play ngày càng lan rộng đến mức đài Asahi TV nổi tiếng của Nhật đã giới thiệu xu hướng này trên chương trình buổi sáng “Hatori Shinichi Morning Show” vào tháng 08/2021. Dưới đây là một số hoạt động được gen Z Nhật thực hiện trong chuyến du lịch Dohan Play:
Thưởng thức đồ ăn thức uống Hàn tại khách sạn
Để chuẩn bị cho một chuyến du lịch “Dohan Play”, các gen Z Nhật Bản sẽ thuê một phòng trong khách sạn và lưu trú qua đêm cùng bạn bè hoặc người thân. Đặc biệt, họ chọn mặc các bộ đồ ngủ dễ thương kiểu Hàn Quốc.
Vì muốn tái hiện chân thật nhất chuyến du lịch đến xứ sở kim chi, nên họ cố gắng chuẩn bị các món ăn đang được bán thực tế tại Hàn, chẳng hạn như gà rán yangnyeom được tẩm ướp tương ớt gochujang cay và ngọt, gimbab, snack khoai tây bơ mật ong. Tất cả đều là những món ăn rất phổ biến tại Hàn Quốc.
Xem thêm: Staycation - kỳ nghỉ tại nơi mình đang sinh sống
Với đồ uống, các bạn trẻ Nhật Bản cũng chọn loại nước uống trái cây Hàn Quốc như nước ép nho thương hiệu BonBon, nước ép lê đóng chai, dùng kèm một số món bánh ngọt được ưa chuộng tại Hàn.
Trong bộ đồ ngủ kiểu Hàn, họ vừa ăn uống, vừa xem các phim truyền hình Hàn Quốc, hay các video quảng cáo có sự góp mặt của thần tượng K-Pop yêu thích trên màn hình lớn tại khách sạn.
Sau cùng, chuyến Dohan Play tại khách sạn thường kết thúc với tấm hình chụp cùng nước ép nho Bonbon, kèm theo hashtag #BonBon trên Instagram của những bạn trẻ Nhật Bản vừa trải qua chuyến du lịch giả tưởng đến Hàn Quốc.
Hiyori, 21 tuổi, một bạn trẻ từng trải qua chuyến du lịch Dohan Play chia sẻ: “Nó đã trở thành xu hướng trên Instagram, vì vậy em muốn thử cùng với một người bạn của mình. Bây giờ du lịch nước ngoài là không thể, nhưng Dohan Play là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị theo cách riêng của nó”.
Hiyori cho biết thêm: “Mặc dù hai đất nước Hàn Quốc và Nhật Bản không có quan hệ tốt về mặt ngoại giao nhưng thế hệ trẻ Nhật Bản lại cảm thấy khá quen thuộc với Hàn Quốc. Phim truyền hình và nền âm nhạc K-pop của Hàn vô cùng phổ biến. Em thật sự muốn đến Hàn Quốc một ngày nào đó”.
Lý do hashtag #BonBon trở nên phổ biến là vì hình dáng lon “mập mạp” dễ thương của nó với font chữ “BonBon” theo tiếng Hàn rất đáng yêu.
Yagi, 18 tuổi tâm sự: “Bao bì thật sự dễ thương nên nó rất phổ biến. Em thấy mọi người cầm một lon BonBon và chụp hình với chúng nên đã bắt chước theo, và vị của nó thậm chí còn ngon hơn em tưởng”.
Kokomi, 17 tuổi nhấn mạnh: “Chữ BonBon viết bằng tiếng Hàn rất dễ thương, ngoài ra, lon soda Chilsung Cider cũng phổ biến không kém trong chuyến du lịch Dohan Play”.
Thuê đồng phục học sinh Hàn Quốc và đến Koreatown
Ngoài trải nghiệm chyến du lịch “Dohan Play” bên trong khách sạn, gen Z Nhật Bản còn ghé đến các cửa hàng pop-up (những cửa hàng bán lẻ mọc lên một cách chớp nhoáng để bắt nhịp xu hướng mới hay nhu cầu theo mùa, biến mất sau một khoảng thời gian ngắn) cho thuê trang phục Hàn Quốc.
Tại đây, họ thuê các bộ đồng phục học sinh Hàn Quốc và chụp ảnh, để cảm thấy như mình đang ở Hàn. Một trong những cửa hàng kiểu Hàn Quốc được nhiều người trẻ Nhật Bản yêu thích là Choa Onni, mang nghĩa là “Tôi thích cái này, chị gái ơi” trong tiếng Hàn.
Bắt đầu mở cửa vào mùa thu năm 2019 tại khu phố mua sắm Harajuku, Tokyo, Choa Onni nhanh chóng trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều cô gái Nhật muốn thuê đồng phục học sinh Hàn để mặc đi mua sắm, uống cà phê với bạn, đến khu vui chơi Disneyland hay thậm chí là mặc trong lễ tốt nghiệp.
Choa Onni đã mở thêm một cửa hàng để đáp ứng nhu cầu thuê đồng phục học sinh Hàn Quốc trong suốt đại dịch COVID-19. Hầu hết khách hàng của Choa Onni là nữ sinh tiểu học, cấp hai dành tình yêu cho văn hóa Hàn Quốc, cũng như các phụ nữ trẻ đam mê du lịch Hàn, theo chia sẻ từ nhân viên bán hàng Miki Mayuzumi.
Một nữ sinh ghé cửa hàng Choa Onni vào một buổi chiều chia sẻ với tờ The Washington Post rằng cô và mẹ mình rất nhớ chuyến đi đến Hàn Quốc vào một tháng trước khi đại dịch bùng nổ. Vì thế, họ đã thuê một phòng tại khách sạn, ngủ qua đêm, cùng nhau ăn snack Hàn và xem phim truyền hình Hàn Quốc để cảm thấy như mình đang đi du lịch.
Một nữ sinh khác lại chia sẻ rằng sau khi thuê trang phục tại đây, cô thường xuyên ghé đến Shin-Okubo, khu phố Hàn Quốc tại Tokyo để trải nghiệm K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc. Đây cũng là địa điểm cực kỳ được yêu thích tại trường của nữ sinh này.
Vì sao Dohan Play lại được gen Z Nhật Bản ưa chuộng?
Lựa chọn thay thế trong mùa dịch
Người dân ở Hàn Quốc và Nhật Bản thường thích đi du lịch qua lại giữa hai nước bởi chỉ cách nhau có hai giờ bay, tuy nhiên, trong suốt đại dịch COVID-19 thì điều này là không thể. Do vậy, thay cho chuyến đi thực tế, các trải nghiệm nhập vai qua “Dohan Play” giúp thỏa đam mê du hí sang Hàn của người trẻ Nhật Bản. Nó dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, cũng như an toàn trong mùa dịch.
Làn sóng Hallyu ngày càng phổ biến
Ngoài ra, Dohan Play được gen Z Nhật đặc biệt yêu thích bởi văn hóa xứ kim chi đã lan tỏa vào Nhật Bản và giới trẻ ngày càng quen thuộc với Hàn Quốc. Nhóm nhạc nam BTS và nhiều idol group khác của Hàn Quốc sở hữu một lượng fan đông đảo từ Nhật.
Làn sóng Hallyu của Hàn bắt đầu lan rộng toàn châu Á nói riêng và Nhật Bản nói chung vào khoảng 20 năm trước. Mở đầu chính là bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được phát sóng trên kênh vệ tinh BS của đài NHK vào năm 2003. Diễn viên chính Bae Yong-joon khi đến Nhật Bản vào năm 2004 đã được fan gọi với cái tên trìu mến là “Yon-sama”.
Đã có rất nhiều fan nữ Nhật Bản đổ xô đến sân bay để chào đón và tiễn thần tượng về nước, tạo nên một cơn sốt idol mạnh mẽ, cuồng nhiệt tại Nhật. Fan nữ trong thời kỳ bùng nổ đầu tiên của làn sóng Hallyu tại Nhật hầu hết là phụ nữ trung niên, cao tuổi.
Làn sóng Hàn Quốc thứ hai tại xứ sở hoa anh đào bắt đầu vào năm 2010 với các thần tượng K-pop như nữ nghệ sĩ BoA, nhóm nhạc Girls Generation (SNSD) và DBSK (Tohoshinki trong tiếng Nhật) vô cùng được yêu thích. Lúc này, fan nữ là những người trẻ Nhật.
Tiếp đó, Nhật Bản đón nhận làn sóng thứ K-pop thứ ba dẫn đầu bởi nhóm nhạc nam Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu BTS.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, làn sóng Hàn Quốc thứ 4 đổ bộ vào Nhật Bản chính là các bộ phim truyền hình Hàn Quốc tạo cú hit lớn như “Crash Landing on You – Hạ cánh nơi anh” hay “Itaewon Class – Lớp học Itaewon”.
Theo một cuộc khảo sát vào năm tài chính 2020 của Văn phòng Nội các, 42,5% nữ giới trả lời rằng họ cảm thấy gần gũi với Hàn Quốc, trong khi nam giới là 27%.
Xét theo độ tuổi, mức độ người Nhật thấy cảm mến, gần gũi với Hàn Quốc như sau:
- Từ 29 tuổi trở xuống: 54,5%
- Trong độ tuổi 30: Từ 40% đến dưới 50%
- Trong độ tuổi 40 đến 50: Từ 30 đến dưới 40%
- Độ tuổi 60 và từ 70 trở lên: Dưới 30%
Người trẻ Hàn cũng đam mê du lịch giả đến Nhật Bản
Đặc biệt, không chỉ giới trẻ Nhật du lịch giả đến Hàn Quốc mà xu hướng này cũng tương tự ở chiều ngược lại.
Tại thành phố Dongducheon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, một ngôi làng kiểu Nhật mang tên Nijimori Studio cũng đã được xây dựng, lấy cảm hứng từ thị trấn cổ từ thời Edo của Nhật Bản. Đây cũng chính là nơi để thỏa mãn đam mê du lịch giả đến Nhật của nhiều người Hàn.
Ở con đường chính tại Nijimori, quán rượu Izakaya, cửa hàng Kimono và cửa hàng cổ bán đồ gốm sứ Nhật Bản đã được dựng lên. Đến đây, du khách Hàn nghỉ qua đêm tại một lữ quán (Ryokan) với bồn tắm gỗ cây bách Hinoki và không thể thiếu mèo vẫy tay Maneki-neko may mắn.
Kim Ga-yeon, 22 tuổi đã hẹn hò với bạn trai tại Nijimori Studio cho biết: “Tôi rất vui khi chụp được những bức ảnh tại đây vì trông nơi này như bước ra từ một bộ phim anime. Tôi không muốn căng thẳng vì một chuyến đi thực sự đến Nhật Bản, hiện vẫn còn khá khó khăn về thủ tục kiểm tra sức khỏe, thời gian cách ly cũng như giấy tờ”.
Từ khi mở cửa vào tháng 09/2021, Nijimori Studio thu hút đến 2.000 lượt khách mỗi ngày. Điều này có thể thấy người trẻ Hàn cũng đam mê du lịch giả đến Nhật Bản không kém gì gen Z của xứ sở hoa anh đào.
kilala.vn
24/02/2022
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận