Vì sao Nhật Bản có nhiều công ty lâu đời nhất thế giới?
Nhật Bản được vinh danh là quốc gia có nhiều doanh nghiệp trăm tuổi nhất thế giới.
Tính đến tháng 03/2022, có ít nhất 37.550 doanh nghiệp Nhật Bản vượt qua cột mốc 100 năm tuổi, đưa đất nước mặt trời mọc trở thành quốc gia có số lượng doanh nghiệp trăm tuổi nhiều nhất thế giới.
Theo một nghiên cứu của công ty Teikoku Databank
Ltd. vào năm 2019, Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 19.497 doanh nghiệp và Thụy Điển xếp thứ ba với 13.997
doanh nghiệp. Có thể thấy mức chênh lệch này là khá lớn so với vị trí dẫn đầu.
Cũng theo Teikoku Databank, doanh nghiệp lâu đời nhất Nhật Bản là Kongogumi Co., một công ty xây dựng đặt trụ sở tại Osaka, được thành lập vào năm 578. Đại diện của Kongogumi cho biết người sáng lập là một trong những thợ thủ công của vương quốc Bách Tế nằm trên bán đảo Triều Tiên, được Thái tử Shotoku mời về Nhật làm việc.
Công ty lâu đời tiếp theo là Toraya Confectionery Co., có trụ sở tại Tokyo, nổi tiếng gần xa với loại thạch truyền thống Yokan. Ra đời vào thời Muromachi (1336 – 1573), Toraya cũng được lựa chọn cung cấp bánh kẹo cho Thiên hoàng Goyozei (1586 – 1611). Tính đến hiện tại, các loại bánh kẹo, khuôn gỗ làm bánh và nhiều dụng cụ lâu đời vẫn được gìn giữ cẩn thận tại tập đoàn này.
Công ty “cha truyền con nối”, đặc trưng trong kinh doanh tại Nhật
Trong danh sách các doanh nghiệp hơn một trăm năm tuổi được niêm yết trên Bảng 1 (First Section - dành cho các công ty lớn) của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, Teikoku Databank chỉ ra có 51% là công ty gia đình, tương ứng với con số ấn tượng là 589. Có thể thấy mô hình công ty gia đình tồn tại lâu đời là một đặc trưng riêng của Nhật, hiếm khi tìm thấy ở các quốc gia khác.
Trong số 589 công ty trên, Matsui Kensetsu KK tại Tokyo là công ty được niêm yết lâu đời nhất Nhật Bản, thành lập vào năm 1586 bởi Matsui Kakuemon; theo sau là Sumitomo Metal Mining Co., ra đời vào năm 1590.
Doanh nghiệp Matsui Kensetsu ra đời trong thời Azuchi-Momoyama (1568 – 1600), bốn năm sau “Sự kiện chùa Honno-ji” với việc lãnh chúa Oda Nobunaga (1534 – 1582) bị tấn công bởi chính thuộc hạ của mình. Lãnh chúa tiếp quản miền Kaga sau đó là Maeda Toshinaga (1562 – 1614) đã giao nhiệm vụ cho Matsui Kakuemon xây dựng lâu đài Ecchu Moriyama (nay nằm tại tỉnh Toyama), từ đó dẫn tới việc thành lập doanh nghiệp Matsui Kensetsu.
Với bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ, doanh nghiệp Matsui Kensetsu đã đảm nhiệm nhiều trọng trách như xây dựng lại chánh điện của chùa Tsukiji Hongwanji, Tokyo - nơi được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng, hay tháp canh của lâu đài Odawara, tỉnh Kanagawa, cổng Ishikawa của lâu đài Kanazawa, tháp pháo của lâu đài Kumamoto, một cung điện trọng yếu của lâu đài Nagoya cùng nhiều công trình tầm cỡ khác.
Yukio Matsuda, Trưởng bộ phận Hành chính của Matsui Kensetsu cho biết: “Chúng tôi xem việc truyền lại các kỹ thuật truyền thống được hình thành và phát triển từ những ngày đầu thành lập là một phần của sứ mệnh với xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến lên phía trước với sự tự tin và niềm tự hào để xứng với cái tên của mình, một nhà thầu xây dựng đền chùa”.
Xem thêm: 1334 công ty Nhật sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2022
Bí mật đằng sau những doanh nghiệp trăm năm tuổi
Theo Teikoku Databank, chiến thuật được những doanh nghiệp lâu đời tại Nhật áp dụng được gọi là mô hình “vòng tăng trưởng”.
Yoshinori Isagai, Giáo sư nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp tại Khoa Chính sách quản trị của Đại học Keio phân tích lý: “Những doanh nghiệp gia đình thường làm việc chăm chỉ hơn để giữ vững các hoạt động kinh doanh và truyền thống của dòng tộc nhằm truyền lại cho thế hệ tương lai và hậu thế, hơn là chỉ tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận”.
Triết lý kinh doanh trên đã tác động mạnh đến việc lựa chọn thế hệ kế thừa
doanh nghiệp. Chủ tịch công ty thường được chọn từ các thành viên của
gia đình sáng lập, hoặc một nhân vật xuất sắc được sắp xếp kết hôn với
con gái của người đứng đầu để có thể kế nghiệp. Xu hướng gần
đây còn là phu nhân của con trai các chủ tịch cũng được chọn để kế thừa
gia nghiệp. Tùy vào từng thời đại, có rất nhiều phương pháp lựa
chọn người kế nghiệp được áp dụng.
Giáo sư Isagai cũng chỉ ra các công ty gia đình lâu đời thường chọn tạo mối quan hệ với cộng đồng trong cùng khu vực để có thể phát triển mạnh mẽ tại địa phương.
Cụ thể, ông dẫn chứng: “Công ty sản xuất bánh bao hấp Shumai là Kiyoken Co., ra đời vào năm 1908 tại nhà ga Yokohama (nay là nhà ga Sakuragicho) đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thành phố Yokohama. Đây là một điển hình cho việc công ty phát triển mạnh mẽ tại cộng đồng địa phương”.
Sự quan tâm đến xã hội trong chiến lược kinh doanh của các doanh nhân Nhật Bản thường được biết đến qua triết lý Sanpo Yoshi: tốt cho người bán, người mua và xã hội.
Dưới đây là 10 doanh nghiệp trăm tuổi tại Nhật, bao gồm công ty không niêm yết và có niêm yết trên Sàn chứng khoán Tokyo:
kilala.vn
20/06/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Ảnh bìa: businessinsider.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận