Suiko Tennou: Nữ thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản
Con đường trở thành nữ thiên hoàng Nhật Bản đầu tiên
Suiko Tennou (推古天皇) sinh năm 554 tại tỉnh Yamato, nay là tỉnh Nara. Bà là con gái của Thiên hoàng Kimmei và được biết đến là công chúa Nukatabe (ぬかたべ) trước khi trở thành thiên hoàng. Bà nổi danh với sắc đẹp diễm lệ với ngũ quan đoan chính, phúc hậu.
Năm 18 tuổi, bà trở thành phi tần của Thiên hoàng Bidatsu. Sau khi hoàng hậu Hirohime qua đời, bà chính thức trở thành Hoàng hậu kế nhiệm. Bà sinh ra được 3 hoàng tử và 5 hoàng nữ. Thiên hoàng Bidatsu cai trị nước Nhật từ năm 572 và băng hà vào năm 585.
Sau khi thiên hoàng Bidatsu qua đời, anh trai của Suiko Tennou đã trở thành Thiên hoàng Yomei. Ông chỉ trị vì trong khoảng 2 năm ngắn ngủi thì qua đời vì bệnh. Một thời gian ngắn sau khi ông băng hà, cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt đã nổ ra giữa gia tộc Soga và gia tộc Mononobe
Gia tộc Soga ủng hộ Hoàng tử Hatsusebe – anh trai của Suiko Tennou, còn gia tộc Mononobe thì đứng về phía hoàng tử Anahobe. Sau cùng, vào năm 587, gia tộc Soga đánh bại được gia tộc Mononobe và đưa Hoàng tử Hatsusebe lên ngôi Thiên hoàng. Ông lấy biệt hiệu là Sushun. Vị thiên hoàng Sushun không tán thành việc chú của mình – Umako – và gia đình nắm giữ quá nhiều quyền hành trong triều đình. Người chú Umako lo sợ việc sẽ bị cháu Sushun sát hại, nên đã sai thủ hạ Ataikoma ám sát Thiên hoàng Sushun vào năm 592.
Sau khi Thiên hoàng Shushun qua đời, người chú Umako đã thuyết phục nàng Suiko Tennou lên ngôi Thiên hoàng cùng người cháu khác của Umako là Thái tử Shotoku – quan nhiếp chính cùng điều hành triều đình vào năm 593. Dù là Thiên hoàng nhưng quyền lực thật sự lại nằm trong tay của người chú Umako và người cháu Shotoku. Bà chỉ là Hoàng đế trên danh nghĩa, cũng giống như anh trai mình – Thiên hoàng Sushun.
Nữ Thiên hoàng Suiko Tennou và những tác động to lớn cho đất nước Nhật Bản
Nữ Thiên hoàng Suiko Tennou cai trị đất nước Nhật Bản từ năm 593 đến năm 628. Dù chỉ là Thiên hoàng trên danh nghĩa nhưng trong suốt quá trình cai trị, bà đã luôn cố gắng tạo ra những thay đổi tích cực cho đất nước Nhật Bản.
Năm 594, Thiên hoàng Suiko Tennou đã đưa ra chỉ dụ chấn hưng tôn giáo. Từ đó, đạo Phật trở thành tôn giáo chính thống tại Nhật. Tiếp tục vào năm 604, Thiên hoàng Suiko Tennou tiếp tục ban bố bộ Hiến pháp gồm 17 điều. Điều số 2 trong 17 điều luật của Hiến pháp quy định rõ việc thờ cúng Phật giáo cho người dân. Ngoài ra, bà còn bảo trợ cho nhiều chùa và tu viện. Từ đó, Phật giáo có được chỗ đứng vững chắc và lan tỏa rộng rãi tại Nhật. Điều này ảnh hưởng từ việc Suiko Tennou đã ngộ giác các triết lý nhà Phật từ chính gia tộc Soga. Đặc biệt, bà cũng từng giữ chức tu sĩ trong chùa trước khi lên ngôi Thiên hoàng.
Năm 600, Thiên hoàng Suiko Tennou đã chủ trương mở rộng quan hệ ngoại giao với nhà Tùy, Trung Quốc. Những nét đẹp văn hóa và thành tựu của Trung Quốc cũng được du nhập vào Nhật Bản như lịch và hệ thống phân chia cấp bậc quan lại. Nhiều nhà sư, họa sĩ và học giả Trung Quốc cũng đi sứ sang Nhật. Dần dần, từ một Thiên hoàng chỉ trên danh nghĩa, bà lấy lại được quyền lực của mình và tăng sức ảnh hưởng đến các chính sách cai trị đất nước.
Dưới sự ảnh hưởng của Thiên hoàng Suiko Tennou, năm 603, Thái tử Shotoku – người thật sự nắm quyền nhiếp chính tại triều đình đã ban bố sắc lệnh thành lập hệ thống phân chia tước vị và tầng lớp quan lại thành 12 bậc như Trung Quốc. Từ đây, chế độ cha truyền con nối lâu đời tại Nhật chính thức bị xóa bỏ.
Năm 624, khi người chú Umako tỏ mong muốn được ban cho vùng đất Kazuraki no Agata vốn thuộc đất đai hoàng gia, bà đã từ chối. Điều này càng minh chứng rõ ràng cho việc bà cố gắng thoát khỏi sự chi phối mạnh mẽ của người chú Umako để chứng minh sự độc lập của bà.
Từ mùa xuân năm 628, sức khỏe của Thiên hoàng Suiko Tennou dần yếu đi. Dưới ảnh hưởng của hiện tượng nhật thực toàn phần, bệnh của bà càng ngày càng nghiêm trọng. Trươc lúc mất, bà vẫn một lòng vì dân vì nước. Năm 599, một trận động đất lớn đã phá hủy nhiều công trình xây dựng ở khắp quê hương của bà – tỉnh Yamato, nay thuộc tỉnh Nara, vì vậy bà đã yêu cầu tang lễ của mình được tổ chức đơn giản để lập quỹ cứu trợ cho các nạn nhân trong thiên tai này. Bà đã mất vào cuối mùa xuân năm đó (ngày 15/4/628) sau 35 năm trị vì. Nhiều tài liệu cho rằng, đã có một trận mưa đá với các viên đá lớn đổ xuống trước khi lễ tang của bà được cử hành.
kilala.vn
16/03/2021
Bài: Ngọc Oanh
Nguồn: thoughtco.com, wikipedia.org
Đăng nhập tài khoản để bình luận