3 thương hiệu Wagashi ngọt ngào nhất Tokyo
Sơ lược về Wagashi truyền thống
Wagashi (和菓子) là tên gọi chung của bánh kẹo Nhật Bản cổ truyền dùng để phân biệt với bánh kẹo phương Tây Yogashi (洋菓子). Từ những nguyên liệu tươi ngon tự nhiên, vận dụng các kỹ thuật làm bánh truyền thống, người thợ làm Wagashi luôn tha thiết truyền tải cảm xúc, phô diễn sức sáng tạo và tô điểm cho Wagashi, biến chúng thành những đoá hoa muôn hương ngàn sắc trong địa đàng ẩm thực Nhật Bản. Dường như cả tinh thần của Xứ sở Phù Tang đều ẩn chứa trong Wagashi.
Theo Hiệp hội Wagashi Tokyo (Hiệp hội bánh kẹo truyền thống Tokyo), loại bánh truyền thống lâu đời nhất có thể chỉ là một chiếc bánh mochi đơn giản. Và trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), khi những xung đột dần lắng xuống nhường chỗ cho thời kỳ hòa bình thì người ta cũng bắt đầu dành thời gian để theo đuổi cái đẹp, từ đó mà những món đồ ngọt tinh xảo đã dần được ưa chuộng hơn. Sau đó, cùng với việc nhập khẩu đường tinh luyện và những cải tiến mới trong chế độ giao thương, ẩm thực truyền thống ngày càng phát triển trong Thời đại Minh Trị (1868 - 1912).
Ngày nay, có rất nhiều loại Wagashi như nướng, hấp, nướng áp chảo, thạch, sấy khô và các biến thể khác nhau: từ những viên Mochi đơn giản và bánh Manju đến chiếc bánh Nerikiri hấp dẫn và bánh khô Higashi đậm chất nghệ thuật,... Các loại Wagashi này đã gắn liền với các cửa hàng bánh truyền thống nổi tiếng bậc nhất Tokyo sau đây.
Toraya
Là một trong những nhà cung cấp Wagashi lâu đời nhất, Toraya trở thành thương hiệu bánh nổi tiếng trên thế giới, bắt đầu bán bánh kẹo ra nước ngoài và mở chi nhánh tại Paris từ năm 1980. Toraya được thành lập ở Kyoto và đảm nhận cung cấp bánh kẹo phục vụ triều đình, hoàng cung từ đầu thế kỷ 16. Cửa hàng chính của Tora hiện nay nằm ở Akasaka, quận Minato, Tokyo. Tất cả các cửa hàng của Toraya đều được thiết kế nổi bật với phong cách thẩm mỹ tối giản, tôn vinh vẻ đẹp của những chiếc bánh Wagashi một cách đầy ấn tượng. Đáng chú ý là cửa hàng Tokyo Midtown, nơi dành một nửa không gian cho các cuộc triển lãm miễn phí về đồ ngọt Nhật Bản và các chủ đề liên quan.
Một trong những loại bánh nổi tiếng nhất của Toraya là món Yokan – những khối thạch đậu ngọt ngào được gói trong lá tre. Nghe giản đơn nhưng thực sự Yokan của Toraya mang một vẻ tinh tế, khác biệt khó nơi nào sánh được. Yokan có nhiều màu sắc và hương vị khác nhau, thường có thiết kế hoa văn như: Yokan dâu, Yokan sakura,... Ngoài ra, các loại đồ ngọt khác bao gồm Monaka (nhân đậu bọc trong bánh gạo) và bánh Higashi đường Wasanbon có hoa văn lúc nào cũng có sẵn như một món ăn đặc biệt chỉ phục vụ trong các phòng trà Toraya.
Bánh còn được “thiết kế” theo mùa, và vào mùa xuân, Toraya sẽ cung cấp các Wagashi hương vị như Sakura mochi (nhân đậu trong mochi màu hồng kèm theo lá anh đào ngâm), Manju đậu trắng màu hồng – xanh lá cây và Nerikiri hình dáng hoa cúc. Xem thêm về bánh của Toraya tại đây.
Higashiya
Khi nhà thiết kế Shinichiro Ogata lần đầu tiên khai trương Higashiya ở Nakameguro vào năm 2000, cửa hàng đã gây ấn tượng với không gian tối giản nhưng ấm áp của gỗ tối màu và tủ kính như là một sự đổi mới của thiết kế đương đại, kết hợp với Wagashi truyền thống và trà Nhật Bản. Sau đó, cửa hàng đã được chuyển đi và chia thành ba chuỗi cửa hàng là Higashiya Ginza, Higashiya Man và Higashiya Man Marunouchi. Mỗi chuỗi cửa hàng mang đến một trải nghiệm khác nhau trong khi vẫn giữ nguyên nét thẩm mỹ sang trọng.
Wagashi Manju hình tròn, thanh Monaka dài nhỏ hay những lát Yokan sáng lấp lánh nhiều màu sắc là sự kết hợp hoàn hảo với không gian trang trí của cửa hàng. Bộ sưu tập Hitokuchigashi gồm 9 loại Manju, mỗi loại là một loại có hương vị khác nhau mang đến cảm giác mới lạ cho người ăn. Hãy thử Torinoko để nếm vị mật ong đậm đặc bọc trong bột đậu trắng tẩm gừng, hoặc thưởng thức một chút Rokocha – thạch rượu mạnh được phủ trong đậu trắng và bột hạt dẻ. Hai lần một tháng, các thành phần theo mùa cũng được sử dụng cho tổng số 24 loại Manju khác (gọi là Sekki Hitokuchigashi) mà bạn có thể thưởng thức suốt cả năm.
Nếu chọn thưởng thức trong các tiệm trà của Higashiya Ginza hoặc Higashiya Man Marunouchi, khách hàng sẽ thấy những bộ đồ ăn ở đây được làm thủ công vô cùng tinh tế, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các mặt hàng mang đi đều được đựng trong các hộp bìa cứng hoặc hộp giấy truyền thống được thiết kế đẹp mắt. Các cửa hàng Higashiya Man chuyên về bánh Manju hấp cũng sẽ cung cấp các loại đồ ngọt thú vị khác. Tuy nhiên, để có trải nghiệm hoản hảo thì tiệm trà của Higashiya Ginza là nơi bạn nên đến thăm.
Ginza Kikunoya
Cửa hàng Ginza Kikunoya nằm dưới tầng hầm của Tòa nhà trung tâm ở Ginza, là một địa điểm đáng để ghé thăm với những tín đồ hảo ngọt. Những hộp Fukiyose, “hộp đá quý” đặc trưng của cửa hàng gồm hơn 30 loại bánh kẹo nhỏ, sẽ là một thứ đáng để chiêm ngưỡng và sở hữu.
Ginza Kikunoya được thành lập vào năm 1890, nằm cạnh nhà hát Kabukiza của Tokyo, và nhanh chóng được biết đến với món Kabuki senbei (bánh gạo). Trong thời Taisho (1912 - 1926), hãng đã cho ra đời hộp bánh Fukiyose và từ đó thì đây trở thành một trong những sản phẩm làm nên tên tuổi của Ginza Kikunoya. Giữa những thức bánh kẹo khác như Manju và Kuzumochi làm từ bột sắn dây, Kotofugu hình tròn hoặc Tokusen-kan Nhật Bản hình vuông thì Fukiyose của Ginza Kikunoya là món quà ấn tượng nhất. Hộp bánh kẹo cũng gồm những bánh Higashi trang nhã với hình dáng của núi Phú Sĩ, hoa anh đào, hoa mận, hoa cúc và cây thông,... tất cả đều được sắp xếp một cách nghệ thuật bên trên những chiếc bánh quy nhỏ, đậu phủ đường, kẹo cứng Konpeito, kẹo đá quý nhiều màu sắc và các loại bánh khác.
Những loại bánh Wagashi này được lấy cảm hứng từ bánh kẹo thời Edo, với một số loại bánh quy có hương vị thú vị, chẳng hạn như rong biển và lá shiso đỏ (tía tô).
Du khách đến Tokyo ghé thăm các cửa hàng bánh truyền thống này sẽ được vừa nhâm nhi trà vừa thưởng thức hương vị và nét đẹp tinh túy của Nhật Bản qua những thức bánh tuyệt vời – một trong những điều tự hào nhất của người dân xứ Phù Tang. Đây thực sự là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ!
kilala.vn
25/03/2021
Bài: SAM
Đăng nhập tài khoản để bình luận