Ống hút xanh từ thân lúa mạch

    Cứ đến vụ thu hoạch lúa mạch, thành phố Fukui ở tỉnh Fukui lại được bao phủ bởi một dải lụa vàng óng rực rỡ. Tận dụng thân của những cây lúa bỏ đi sau khi gặt, công ty Omugi Club đã làm nên những chiếc ống hút xinh xắn mang sắc vàng nhẹ nhàng.

    Trong xu hướng hạn chế sử dụng đồ nhựa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, ống hút lúa mạch trở thành một sản phẩm phổ biến tại tỉnh Fukui. Chuyên sản xuất và kinh doanh bột lúa mạch, mạch nha và nhiều sản phẩm liên quan, công ty Omugi Club bắt đầu đưa ống hút lúa mạch ra thị trường từ cuối năm ngoái. 

    Hiện tại, sản phẩm được đóng gói tối thiểu là 10 ống/hộp và có giá 330 yên (khoảng 56.000 VND) đã bao gồm thuế. Trong năm 2021, Omugi Club đã sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 300.000 ống hút.

    Bà Hiromi Shigehisa, 57 tuổi, người đứng đầu Omugi Club chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu khi tôi muốn bằng cách nào đó truyền tải khung cảnh và làn gió tươi mát của những cách đồng lúa mạch đến với khách hàng”. 

    ống hút lúa mạch
    Ống hút lúa mạch được phát triển bởi Omugi Club. Ảnh: Asahi 

    Khởi nguồn từ trò chơi cho trẻ em

    Từ người bố chồng đã mất, bà Hiromi Shigehisa biết được thân cây lúa mạch có thể dùng làm ống hút. Cách đây 20 năm, khi còn là một nhân viên chăm sóc trẻ, bà đã dẫn lũ nhóc ở trường mẫu giáo đến cánh đồng lúa mạch của gia đình, tại đây, bà dạy chúng cách làm ống hút. 

    Sau khi rời bỏ công việc chăm sóc trẻ, vào năm 2010, bà cùng chồng Noritsugu (59 tuổi) thành lập công ty Omugi Club. Trong lúc phục vụ trà lúa mạch cho khách hàng, bà cũng đã mang ống hút lúa mạch cho khách sử dụng.

    Hiromi Shigehisa và chồng
    Bà Shigehisa và chồng Noritsugu. Ảnh: Asahi 

    Những chiếc ống hút này nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt, nhiều khách hàng đã gợi ý nên bán chúng ra thị trường. Tuy vậy, bà từ chối quảng bá chúng, một phần vì yêu cầu phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, phần nữa là do nguồn nhân lực giới hạn. 

    Tuy nhiên, lúc bấy giờ mọi người bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Một video với cảnh chú rùa biển bị mắc ống hút nhựa trong mũi lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Do vậy, xu hướng sử dụng ít đồ nhựa hơn dần thâm nhập vào ngành công nghiệp thức ăn nhanh và nhiều ngành khác. 

    sử dụng ống hút lúa mạch
    Ống hút lúa mạch rất được ưa chuộng và phổ biến tại Fukui. Ảnh: Asahi 

    Hòa theo xu thế chung, vào năm 2019, Shigehisa đã bắt đầu thương mại hóa ống hút lúa mạch. Thân cây lúa dùng để làm nên ống hút được bà thu mua từ một doanh nghiệp có hợp tác với các nông dân trồng lúa tại địa phương. Thông thường, sau khi gặt, phần thân sẽ bị bỏ lại trên các cánh đồng. 

    Khi vụ thu hoạch lúa mạch đến, thay vì sử dụng máy sẽ khiến cho cây lúa bị cắt thành từng mảnh nhỏ, họ sẽ phải gặt lúa bằng tay. Sau khi thân lúa mạch với chiều dài khoảng 1,2m được phơi khô, loại bỏ rễ và các phần thừa, công nhân sẽ dùng kéo để cắt chúng thành các khúc dài khoảng 20cm. Một thân cây lúa mạch chỉ có thể làm từ một hoặc hai ống hút. Ở công đoạn cuối, ống hút được khử trùng bằng cách đun sôi rồi làm khô trước khi đóng gói. 

    Ra đời đúng thời điểm 

    Ống hút lúa mạch của Omugi Club được sử dụng tại nhiều nhà hàng và xuất hiện ở các cửa hiệu, điểm dừng chân dọc đường của tỉnh Fukui. Hơn nữa, chúng còn trở thành quà tặng cho những ai đóng thuế quê hương Furusato Nozei cho thành phố Fukui.

    Vào tháng 04/2022, luật khuyến khích tái chế rác thải nhựa của Nhật bắt đầu có hiệu lực, theo đó, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, chẳng hạn như dao, đĩa cùng các sản phẩm tương tự. 

    Bà Shigehisa cho biết, cùng với xu hướng này, đơn đặt hàng ống hút lúa mạch đến từ những cơ sở không phải nhà hàng như khách sạn, lữ quán đã tăng lên đáng kể. 

    ống hút lúa mạch ở Fukui
    Ống hút lúa mạch ra đời vào thời điểm cả thế giới, trong đó có Nhật cố gắng giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Ảnh: nonnon1174

    Để lan tỏa việc sử dụng các sản phẩm ít tác động đến môi trường, vào năm ngoái, Omugi Club đã làm việc với nhiều doanh nghiệp sản xuất ống hút ở vùng Kanto, Kyushu và các tổ chức khác trên khắp nước Nhật để xây dựng dự án “Fuzoroi Straw” với “Fuzoroi” trong tiếng Nhật nghĩa là đủ mọi hình dáng và kích cỡ. Các thành viên của dự án trao đổi thông tin về chuyên môn và máy móc để nâng cao hiệu quả công việc. 

    Bà Shigehisa bộc bạch: “Tôi không nghĩ rằng nhựa hoàn toàn xấu. Nhưng nếu có sẵn giải pháp thay thế, chúng ta có thể tận dụng chúng”. Bà còn tổ chức các lớp học dạy làm ống hút lúa mạch và cùng nhau trao đổi về vấn đề môi trường. Phần lớn học viên là những gia đình có con nhỏ. “Tôi muốn mọi người biết những thứ bỏ đi vẫn có ích”, bà Shigehisa cho biết. 

    Xem thêm: Nhật Bản cắt giảm tối đa đồ nhựa dùng một lần từ tháng 4/2022

    Theo một tài liệu của Bộ Thương mại năm 2020, có khoảng từ 13 triệu đến 17,3 triệu ống hút nhựa được lưu hành tại Nhật. Nhiều doanh nghiệp Nhật hiện nay đã bắt đầu thay đổi và bước vào hành trình giảm thiểu ống hút nhựa, điển hình như chuỗi cà phê Starbucks đã chuyển sang dùng toàn bộ ống hút giấy cho tất cả các chi nhánh trên toàn nước Nhật. 

    kilala.vn

    Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

    Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
    SDGs

    26/07/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!