Nhật Bản cắt giảm tối đa đồ nhựa dùng một lần từ tháng 4/2022
Hàng loạt doanh nghiệp tại Nhật Bản sẽ phải giảm thiểu tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả loại nĩa phổ biến tại các cửa hàng tiện lợi và nhiều nơi khác trên cả nước.
Luật khuyến khích và tái chế rác thải nhựa được Chính phủ Nhật Bản ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 01/04/2022. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Nhật sẽ sớm phải giảm sự phụ thuộc vào 12 mặt hàng nhựa dùng một lần, bao gồm dao, thìa và bàn chải đánh răng.
Bức tranh chung của việc thực hiện luật mới về đồ nhựa tại Nhật
Trong khi nhiều doanh nghiệp gấp gáp thay đổi chính sách sử dụng đồ nhựa dùng một lần để kịp với thời gian của quy định mới là đầu tháng 4, thì một số doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong việc tìm giải pháp để thu được hiệu quả cao nhất. Nhiều nhà bảo vệ môi trường cũng lo ngại rằng luật mới có thể không duy trì được bền lâu.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, một số doanh nghiệp trước đây cung cấp miễn phí sản phẩm nhựa đã bắt đầu tính phí cho khách, thay vì chuyển sang các giải pháp thay thế như sử dụng chất liệu khác.
Một công chức thuộc bộ phận Thúc đẩy tái chế tại văn phòng Bộ Môi trường cho biết: “Nhiều chủ doanh nghiệp hướng tới giảm thiểu đồ nhựa thông qua việc thay đổi chất liệu hoặc cắt giảm số lượng”.
Với việc luật mới có hiệu lực, chủ của cửa hàng bán lẻ như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, những cơ sở lưu trú, ăn uống sẽ phải đặt ra mục tiêu giảm thiểu đồ nhựa và xem xét lại cách thức họ cung cấp cho khách hàng các sản phẩm nhựa này.
Như vậy, họ buộc phải áp dụng ít nhất một trong các giải pháp sau: tính tiền cho sản phẩm nhựa; hỏi khách hàng liệu họ có nhu cầu dùng đồ nhựa; tặng ưu đãi cho khách hàng không sử dụng đồ nhựa; làm cho đồ nhựa nhẹ đi hoặc sử dụng loại vật liệu an toàn với môi trường; cung cấp sản phẩm tái chế.
Với những doanh nghiệp trước đây đã tính phí cho túi nhựa thì giờ đây, họ có thể chọn các giải pháp thay thế khác.
Điển hình của việc tuân thủ chính sách mới
Nhiều cửa hàng tiện lợi tại Nhật đã bắt tay vào hành động. FamilyMart giới thiệu thìa và dao loại nhẹ được khoét lỗ ở tay cầm trong tháng 01/2022. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 10/03, FamilyMart cũng tạm ngừng cung cấp nĩa và nhiều vật dụng nhựa cho khách tại 10 cửa hàng ở Tokyo.
Seven-Eleven Japan cũng bắt đầu sử dụng thìa và dao nhựa được làm từ 30% vật liệu có nguồn gốc thực vật. Theo xu hướng chung, Lawson cũng quyết định sử dụng thìa, nĩa loại nhẹ có khoét lỗ giống với FamilyMart. Ngoài ra, họ cũng cung cấp thìa bằng gỗ ở một số cửa hàng tại Tokyo và Osaka.
Tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ không tính phí sản phẩm nhựa với khách hàng vì họ tin rằng sẽ rất khó để đạt được thỏa thuận với các chủ cửa hàng nhượng quyền trong hệ thống và có thể ảnh hưởng đến doanh số.
Benny Super, một siêu thị tại phường Adachi, Tokyo có khu vực cơm Bento và đồ ăn nhanh. Tại đây, khách hàng có thể lấy được nĩa và thìa gần quầy thanh toán. Với luật mới, siêu thị cho biết sẽ dán các tấm poster tuyên truyền giảm sự lệ thuộc vào đồ nhựa và khuyến khích khách hàng hợp tác.
Tomoya Akatsu, Giám đốc trụ sở chính của siêu thị chia sẻ: “Nếu chúng tôi tính tiền các sản phẩm nhựa dùng một lần, doanh số sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chúng tôi thay đổi từ nhựa sang gỗ hay các vật liệu khác, điều này sẽ làm tăng giá bán”.
Suy ngẫm về tính hiệu quả của chính sách
Hiệp hội siêu thị quốc gia Nhật Bản với khoảng 300 thành viên là các cửa hàng vừa và nhỏ đã tiến hành một cuộc khảo sát về vấn đề giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần vào tháng 01/2022.
Theo đó, hàng chục cửa hàng đã trả lời bảng câu hỏi khảo sát và khoảng một nửa trong số đó vẫn chưa quyết định sẽ làm gì. Một đại diện của Hiệp hội cho biết: “Điều tốt nhất mà các cửa hàng nhỏ có thể làm là hỏi khách xem liệu họ có cần dùng đồ nhựa hay không".
Với luật mới về giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, rất nhiều người chỉ trích rằng nó còn nhiều thiếu sót và sẽ thu được ít thành công hơn so với những gì đang được thực hiện khá tốt ở các quốc gia khác.
Hiromasa Otate, một nhân viên chuyên về vấn đề nhựa thuộc tổ chức Greenpeace bày tỏ quan điểm: “Giải pháp cơ bản không phải là thay đổi loại vật liệu hay giảm số lượng đồ nhựa sử dụng. Chính phủ lẽ ra phải yêu cầu các doanh nghiệp tính phí hoặc cấm phân phối đồ nhựa tới khách hàng”.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật cấm phân phối đồ nhựa dùng một lần như dao, đĩa và ống hút từ năm 2019. Nhật Bản chỉ mới bắt đầu các nỗ lực thân thiện với môi trường và còn cách khá xa so với các hoạt động tích cực của EU.
Các biện pháp đối phó với đồ nhựa dùng một lần của Nhật được đánh giá là chưa quyết liệt, như chỉ giới hạn ở việc nhân viên hỏi khách có muốn dùng sản phẩm nhựa hay không.
Các chủ doanh nghiệp có trách nhiệm đặt ra mục tiêu cắt giảm đồ nhựa của riêng họ, nhưng tỷ lệ giảm cũng như mục tiêu đạt được vào năm tài chính nào lại là tự nguyện. Họ được yêu cầu thông báo kết quả của các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa nhưng không cần báo cáo với Chính phủ.
Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một trận chiến gay go nếu muốn những nỗ lực về đồ nhựa đạt được hiệu quả cao hơn.
kilala.vn
31/03/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận