Nhà hàng ramen Nhật gây tranh cãi vì giới hạn thời gian ăn mì trong 20 phút
Vào ngày 4/7, một bài thông báo tại chi nhánh Fuchu của chuỗi nhà hàng Ramen Jiro nổi tiếng đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Thông báo có nội dung: “Vui lòng hoàn thành bữa ăn trong vòng 20 phút.”
Hai luồng ý kiến trái chiều về thông báo
Một số ý kiến cho rằng, quy định này không thực tế, bởi ramen Jiro nổi tiếng là có khẩu phần lớn, một bát có thể chứa đến 300g mì, thịt lợn và rau củ chất cao như núi. Ngay cả những “Jirorian” kỳ cựu (biệt danh của các fan hâm mộ chuỗi Ramen Jiro) cũng khó hoàn thành phần ăn trong 20 phút.

Tuy vậy, vẫn có một bộ phận khách quen lên tiếng ủng hộ. Họ cho rằng nhịp độ nhanh và phong cách phục vụ gắt gao vốn đã là đặc trưng của chuỗi Jiro Ramen. Đến ngày 7/7, chi nhánh Fuchu của Ramen Jiro đã chính thức đưa ra lời xin lỗi vì quy định giới hạn thời gian này. Trong thông báo, cửa hàng xin lỗi vì đã mang lại cảm giác áp đặt và gây khó chịu cho khách hàng.
Vì sao ramen cần ăn nhanh?
Đa số các cửa hàng ramen Nhật Bản thường hoạt động với biên lợi nhuận thấp và dựa vào tỷ lệ phục vụ khách hàng quay vòng cao để có lãi, đặc biệt là chuỗi nhà hàng Ramen Jiro, thường có rất đông người xếp hàng vào các khung giờ cao điểm. Vì vậy, các nhà hàng ramen thường hy vọng thực khách sẽ hoàn thành bữa ăn nhanh chóng để khách hàng tiếp theo không phải chờ lâu.

Không chỉ riêng Jiro, một nhà hàng ramen khác tại Tokyo cũng đưa ra quy định yêu cầu thực khách không được lướt điện thoại trong khi ăn với lý do tương tự như trên.
Bên cạnh đó, các tiệm mì ramen thường khuyến khích khách hàng thưởng thức món ăn nhanh chóng bởi vì khi để lâu, sợi mì sẽ bị nhão và nước dùng sẽ nguội, ảnh hưởng đến hương vị bát mì. Vì vậy, không khó để bắt gặp cảnh tượng hàng dài thực khách trong tiệm mì tập trung thưởng thức ramen trong im lặng. Việc này không chỉ để thưởng thức trọn vẹn hương vị vốn có của món mì này, mà còn thể hiện sự tôn trọng với công sức đầu bếp làm ra món ăn ngon.

Văn hóa thưởng thức ramen tại Nhật Bản
Là đất nước của phép lịch sự và văn hóa lễ nghi, người dân nơi đây đã tạo nên văn hóa thưởng thức dành riêng cho món ăn nổi tiếng của mình. Những tín đồ mì ramen tại đây thậm chí còn có hẳn những “nghi thức” mỗi khi thưởng thức một bát mì.

Chẳng hạn như khi bát mì ramen được mang ra, điều đầu tiên là phải nếm một thìa nước súp trước để thưởng thức hương vị nước dùng được ninh trong nhiều giờ - thứ được cho là linh hồn của bát mì; khi ăn được nửa bát thì mới được cho thêm gia vị yêu thích như dầu ớt hay bột shichimi; hay một số người khi ăn mì sẽ húp xì xụp như một lời khen ngợi đến đầu bếp. Ngoài ra, tại nhiều nhà hàng, việc vứt khăn giấy đã sử dụng vào bát mì cũng được xem là điều không nên.

Tuy các cửa hàng ramen tại đây có nhiều quy tắc khá cứng nhắc nhưng hầu hết đều xuất phát từ mong muốn lan tỏa hương vị và sự ấm áp của món mì này đến nhiều người nhất có thể. Bên cạnh đó, văn hóa ramen không chỉ nằm ở việc thưởng thức vị ngọt mặn của nước dùng nóng hổi và từng gắp mì dai dai mà còn là việc thể hiện sự tôn trọng đối với món ăn truyền thống cũng như các lễ nghi lịch sự của đất nước này.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận