Biến Kimono của người đã khuất thành món đồ kỷ niệm
Một nhà thiết kế người Nhật đã biến những bộ Kimono mang đầy kỷ niệm của người đã khuất
thành túi xách, đồ chơi và các vật dụng hằng ngày khác, giúp gia đình luôn nhớ về người thân yêu trong
nhịp sống thường ngày của họ.
Chủ nhân của ý tưởng này là bà Sanae Abe, 63 tuổi, một nhà thiết kế sống tại tỉnh Shimane. Ngoài ý nghĩa tinh thần với người thân của những người đã khuất, dự án này còn góp phần tạo công ăn việc làm cho các nghệ nhân, giúp những kỹ thuật truyền thống được truyền lại cho thế hệ tương lai.
Dịch vụ Hộp ký ức thân thương
Bà Sanae Abe bắt đầu kinh doanh quán cà phê Omoideya tại thành phố Izumo, tỉnh Shimane vào năm 2001, sau đó chuyển đổi nó thành một hợp tác xã chuyên về Kimono như hiện nay.
Một trong những hoạt động chính của Omoideya là làm mới những bộ Kimono cũ được cất kỹ trong tủ quần áo để truyền tải sức quyến rũ của trang phục truyền thống thanh tao này. Nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của bà đến từ những chia sẻ của khách hàng về bộ Kimono cũ.
Trong hơn 20 năm qua, nhà thiết kế tâm huyết này đã làm mới gần 4.000 bộ Kimono. Bà cũng tổ chức nhiều triển lãm thời trang để giới thiệu các thiết kế của mình đến với công chúng trên khắp nước Nhật.
Bắt đầu từ tháng 03/2022, bà ra mắt dịch vụ “Omoide Box” (Hộp ký ức), nhận Kimono và thắt lưng Obi của những người quá cố để biến chúng thành các vật dụng thường ngày. Tổng cộng có đến 27 vật dụng được làm ra từ Kimono và Obi này, chẳng hạn như túi xách, thú nhồi bông, khăn Fukusa (loại khăn Furoshiki nhỏ), hộp đựng tràng hạt Phật giáo, hộp đựng mắt kính, giá để ảnh. Khách hàng có thể lựa chọn loại vật dụng mà họ muốn làm từ Kimono cũ tùy theo ngân sách.
Sau khi hoàn thành, món đồ được gói ghém vào một chiếc hộp và gửi đến cho khách hàng để làm kỷ vật trước lễ cúng 49 ngày, hay còn gọi là giỗ đầu.
Cửa hàng Omoideya mang đến 3 tùy chọn cho khách hàng để họ chọn ra từ 3 -10 món làm từ Kimono cũ, với các mức giá 30.000 yên, 50.000 yên và 100.000 yên, đã bao gồm thuế. Các mặt hàng sau khi may xong sẽ được giao đến cho khách hàng sớm nhất trong vòng 1 tháng.
Vượt qua một dịch vụ thông thường
Bà Abe nảy ra ý tưởng Hộp ký ức sau khi nghe khá nhiều người chia sẻ rằng không biết phải làm như thế nào với số lượng Kimono quá nhiều được thừa kế từ cha mẹ, và chúng đôi khi trở thành gánh nặng.
Ban đầu, nhà thiết kế 63 tuổi hình dung ý tưởng này như một phần của mô hình kinh doanh nhằm sắp xếp lại tài sản cá nhân của người đã khuất. Bà đã được khích lệ bởi một người quen tại công ty tang lễ để bắt tay vào làm.
Với Omoide Box, việc may sản phẩm được thực hiện bởi những người có chuyên môn trong lĩnh vực thời trang truyền thống lẫn phương Tây, đang làm việc tại Izumo, tỉnh Shimane. Tuy đều là những nghệ nhân lành nghề, khối lượng công việc của họ đã giảm đáng kể bởi Kimono cho thuê và may sẵn hiện nay đã trở nên phổ biến, chưa kể số lượng đám cưới, Lễ thành nhân cũng giảm do ảnh hưởng của đại dịch.
Bà Abe tâm sự, vì dịch vụ Hộp ký ức mang đến cho khách hàng đa dạng các sản phẩm, nên những nghệ nhân ở Omoideya có thể tận dụng tối đa năng lực và truyền lại các kỹ thuật xưa cho thế hệ tương lai. “Kimono tốt nhất là Kimono được mọi người mặc nhưng nếu điều này không thể, tôi muốn trao lại kỹ thuật cho thế hệ sau theo một cách khác biệt”, bà nói.
NTK nói thêm rằng: "Việc hồi sinh lại những vật dụng cá nhân mà người đã khuất trân trọng có thể giúp mọi người tìm được cảm giác toại nguyện và sắp xếp lại những cảm xúc hỗn độn của bản thân. Tôi làm điều này để giúp họ”.
kilala.vn
23/06/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận