Ngày Seijin no Hi - Dấu mốc tuổi 20 của thanh niên Nhật
Ở Nhật Bản, có một ngày lễ dành riêng cho những nam thanh nữ tú chạm ngưỡng tuổi 20. Đó là Seijin no Hi - Ngày lễ Thành nhân. Vào ngày này trên khắp nơi ở nước Nhật sẽ tổ chức Seijin shiki “成人式” (âm Hán Việt là “Thành Nhân Thức”), tiếng Việt tạm dịch là Lễ thành nhân để đánh dấu một bước ngoặt mới của tuổi 20 trưởng thành.
Seijin no Hi - hay Ngày Thành nhân, là một trong những ngày lễ quốc gia quan trọng nhất ở Nhật Bản, không chỉ bởi quy mô lớn mà còn bởi đây là một trong những sự kiện đẹp nhất và rực rỡ nhất trong năm. Ngày này được tổ chức vào Thứ hai của tuần thứ hai của tháng 1, gọi là Seijin Shiki - Lễ Thành nhân, là dấu mốc của những người trẻ đã chạm ngưỡng tuổi 20 - tuổi đẹp nhất của đời người. Năm 2019, Lễ Thành nhân rơi vào ngày 14/01 với nhiều hoạt động nổi bật trên khắp nơi ở toàn nước Nhật. Đây cũng là ngày mà các thế hệ ông bà, cha mẹ nhắc nhở các thế hệ tương lai rằng sự trưởng thành không chỉ là khả năng lái xe hợp pháp, uống rượu và bỏ phiếu, mà hơn cả là trách nhiệm về tương lai của chính mình.
“成人式(seijinshiki)” bắt nguồn từ một nghi thức có từ xưa là “元服(genpuku)” dành cho con trai và “髪上げ (Kamiage)” dành cho con gái. Đó là một buổi lễ mà những người trẻ được coi là trưởng thành sẽ cởi bỏ trang phục trẻ con và khoác lên mình những bộ trang phục của người lớn, phần tóc ở phía trước trán sẽ được cắt đi và được đối xử như một người trưởng thành. Từ thời Nara (710-794) cho tới thời Heian (794-1192) độ tuổi trưởng thành quy định là từ 13 đến 15 tuổi. Sau đó, độ tuổi trưởng thành cứ tăng từ từ cho đến hiện nay là 20 tuổi.
Từ năm 1948, với mục đích tạo cho người trẻ có một niềm tin mạnh mẽ hơn sau ngày Nhật Bản bại trận, ngày thành nhân (成人の日) được chính phủ Nhật chính thức coi là một ngày lễ (ngày lịch đỏ) với ý hướng: “Mong muốn người trẻ trưởng thành trong tinh thần tự giác và tự lập”. Theo luật pháp Nhật Bản thì “những người trẻ vừa trưởng thành” có quyền bầu cử, có thể hút thuốc, có thể uống rượu thoải mái mà mà không sợ bị người lớn rầy la hay cảnh sát cảnh cáo.
Hoạt động của ngày lễ gồm các nghi thức thành nhân tổ chức được tổ chức ở các văn phòng địa phương và vùng. Các quan chức địa phương sẽ có bài phát biểu và tặng những món quà nhỏ cho những người tham dự lễ trưởng thành.
Dịp này các thiếu nữ Nhật Bản đua nhau khoe tóc và khoe áo, họ sẽ được các stylist thiết kế những kiểu tóc lạ - đẹp, chỉ dẫn cách mặc những bộ kimono lộng lẫy nhất (còn được gọi là 振袖 “furisode” chỉ dành cho phụ nữ chưa chồng) chưa từng có vì “đời người chỉ có một lần”. Trang phục của nam giới thì thoải mái hơn, có thể là vest hay bộ kimono truyền thống. Ngày thành nhân cũng là dịp duy nhất trong năm để khách du lịch mãn nhãn với những bộ kimono đầy màu sắc trên khắp mọi nẻo đường.
Sau buổi lễ, giới trẻ thường rủ nhau đi đến các quán ăn gần đó để tiếp tục vui chơi hoặc đi chùa cầu nguyện. Nếu đến Nhật du lịch trùng vào ngày này, hãy hòa mình vào những nghi lễ Seijin no Hi lớn nhất được tổ chức tại Shibuya, Disney Land hoặc Đền Meiji Jingu ở Tokyo nhé.
Sau Lễ thành nhân, là cơ hội để người trẻ khẳng định mình với những quyền lợi mới: tham gia bỏ phiếu lựa chọn nghị sỹ địa phương trong kỳ tổng tuyển cử, cũng như có thể tham gia các hoạt động chính trị.
kilala.vn
14/01/2019
Bài: Roan
Ảnh: Tổng hợp
Đăng nhập tài khoản để bình luận