Thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn – “Ngôi sao sáng” trong ẩm thực Nhật Bản

    Ngày càng có nhiều người lựa chọn thực phẩm đông lạnh để tích trữ trong tủ lạnh vì sự tiện lợi, nhanh gọn, nhất là khi các công nghệ giúp giữ nguyên hương vị của món ăncó sự phát triển vượt bậc. Và Nhật Bản được xem là một trong những quốc gia tiêu thụ lượng lớn thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn.

    Nhật Bản được biết đến là quốc gia với chế độ ăn lành mạnh mang lại sự trường thọ, trong đó có phương pháp “Hara Hachi Bunme - 腹八分目”(ăn no 8 phần) nổi tiếng, chú trọng thực phẩm tươi, kiểm soát lượng carbohydrate, natri. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội, nhiều người dành từ 8 – 12 tiếng ở chốn văn phòng, không còn đủ sức để nấu những bữa ăn nóng hổi. Với mục tiêu “lấp đầy chiếc bụng đói”, thực phẩm nấu sẵn và thực phẩm đông lạnh ra đời.

    frozen food - thực phẩm chế biến sẵn đông lạnh

    Ảnh: onstarplus

    Lịch sử ra đời của thực phẩm đông lạnh ở Nhật Bản

    Thực phẩm đông lạnh là khái niệm bắt nguồn từ phương Tây, nơi những món ăn được làm sẵn, để được lâu hơn so với nguyên liệu tươi và tạo ra bữa ăn nhanh chóng. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chiếc tủ lạnh.

    Thời điểm mà thực phẩm đông lạnh chính thức ra đời được cho là vào ngày 06/03/1930. Tủ đựng thực phẩm đông lạnh đầu tiên đã được lắp đặt tại một cửa hàng bán lẻ ở Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ, bởi General Foods Company.

    Còn tại thị trường Nhật Bản, vào nửa sau thế kỷ 19, việc mở cửa với thế giới bên ngoài đã tác động rất lớn đến thói quen ăn uống của người Nhật, và thịt cũng bắt đầu được tiêu thụ. Năm 1920, tủ đông đầu tiên ra đời và công nghệ cấp đông bắt đầu phát triển từ đó.

    đồ đông lạnh

    Ảnh: SCMP

    Thực phẩm đông lạnh thương mại đầu tiên của Nhật Bản là món tráng miệng dâu tây có tên Ichigo Shahbe, được đưa ra thị trường vào năm 1930. Trong chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên của Nhật vào năm 1957, đoàn thám hiểm đã mang theo khoảng 20 tấn thực phẩm đông lạnh do Nichirei cung cấp.

    Sau Thế chiến thứ hai, việc phân phối cá đông lạnh ở Nhật Bản đã tăng lên nhưng sản phẩm lại bị ôi thiu, dẫn đến định kiến rằng thực phẩm đông lạnh có chất lượng kém, và hình ảnh về sản phẩm này vì thế trở nên "xấu xí" hơn trong mắt người dân Nhật Bản.

    Marc Matsumoto, một nhà tư vấn ẩm thực tại Tokyo cho biết, bên cạnh yếu tố khẩu vị cùng thực tế có ít tủ đông lạnh để sử dụng trong gia đình trước năm 1964, quan niệm truyền thống về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng góp phần tạo nên ác cảm ban đầu đối với thực phẩm đông lạnh. Thời đó, người phụ nữ chịu trách nhiệm chăm lo bữa ăn cho gia đình. Chính vì thế, sử dụng đồ đông lạnh được coi là thoái thác trách nhiệm, một việc đáng xấu hổ.

    Murakami Nobuo

    Cố đầu bếp Murakami Nobuo. Ảnh: researchgate

    Để xóa tan những quan niệm sai lầm này, vào năm 1963, đội của Murakami Nobuo – Bếp trưởng của khách sạn Imperial, đã tổ chức một bữa tiệc nếm thử thực đơn Thế vận hội. Đây là một sự kiện cấp cao có sự tham dự của các quan chức bao gồm Eisaku Sato, người sau này trở thành Thủ tướng Nhật Bản.

    Thịt bò nướng, tôm hùm nướng và một số món ăn khác đã được chế biến từ nguyên liệu đông lạnh, nhưng điều này không được tiết lộ với người tham gia buổi tiệc. Sau khi thử đồ ăn, ông Sato cùng nhiều người khác nhận xét rằng những món ăn này rất ngon, và chính lúc ấy bí mật mới được bật mí.

    Trong suốt một tuần diễn ra Olympic mùa hè 1964, 6.000 bữa ăn phải được chuẩn bị mỗi ngày, nếu mua toàn bộ nguyên liệu tươi sống sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường. Vì thế, thực phẩm đông lạnh chính là giải pháp, bắt đầu với việc khoai tây đông lạnh có thể được hâm nóng và nấu chín. Murakami Nobuo đã thử nghiệm đông lạnh nhiều món ăn với nhiều phương pháp chế biến khác nhau. Các bữa ăn này sau đó được phục vụ cho vận động viên, và họ đều nhất trí rằng thực phẩm đông lạnh có hương vị giống như thực phẩm tươi sống.

    Tuy nhiên, chất lượng của các loại thực phẩm đông lạnh thương mại trong thời kỳ này vẫn chưa đủ tốt để lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Mặt hàng này phát triển chậm rãi theo những thay đổi của cơ cấu gia đình, sự phát triển của lò vi sóng, các chuỗi bán lẻ. Nhưng chính sự bận rộn của con người trong xã hội hiện đại đã đưa chúng bước vào thời đại phát triển huy hoàng.

    đông lạnh

    Ảnh: kokorojapanstore

    Tại Nhật Bản, quy mô thị trường thực phẩm đông lạnh năm 2017 là khoảng 700 tỷ yên (khoảng 7 tỷ đô la) theo báo cáo của Hiệp hội thực phẩm đông lạnh Nhật Bản. Cụ thể, sử dụng trong công nghiệp là khoảng 420 tỷ yên, sử dụng trong gia đình là 280 tỷ yên.

    Doanh số tiêu thụ tăng cao

    Theo Japan Frozen Food Association vào năm 2020, 1.551.213 tấn thực phẩm đông lạnh được tiêu thụ hàng năm ở Nhật Bản. Hơn nữa, Hiệp hội cho biết người Nhật rất ưa chuộng các loại thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, chủ yếu là okonomiyaki, mì, bánh croquette, hamburger và cơm chiên.

    Okonomiyaki

    Doanh số bán okonomiyaki trong số các loại thực phẩm đông lạnh đang tăng lên trong những năm gần đây. Okonomiyaki thường hay được người Việt gọi bằng cái tên là bánh xèo Nhật Bản. Bột được chiên trên bếp nóng với các loại thịt, rau và hải sản. Okonomiyaki đông lạnh được bán rất nhiều ở không chỉ ở cửa hàng tạp hóa mà còn ở cửa hàng tiện lợi. Người ta cho rằng thị trường này sẽ tăng trưởng 170 tỷ yên cho đến năm 2022.

    Cơm chiên

    Lượng tiêu thụ cơm chiên cũng đang tăng lên trong những năm gần đây. Quy mô thị trường của nó là khoảng 260 tỷ yên vào năm 2017, tăng 3,1% so với năm trước. Dự tính thị trường này sẽ tăng trưởng 280 tỷ yên cho đến năm 2022.cơm đông lạnh
    Ảnh: SCMP

    Các loại mì

    Năm 2017 chứng kiến doanh số bán mì đông lạnh lần đầu tiên tăng sau bốn năm. Mì và mì Udon đông lạnh vốn làm từ lúa mì dày của Nhật Bản bán khá chạy vì được cải tiến chất lượng. Đặc biệt, nhãn hiệu mì Ý đông lạnh "THE PASTA" của Nissin được nhiều người ưa chuộng. Thị trường mì đông lạnh có quy mô khoảng 600 tỷ yên, đến năm 2022 dự đoán sẽ tăng trưởng 650 tỷ yên.

    Ở Nhật Bản, thực phẩm đông lạnh được sử dụng cho bữa ăn hàng ngày và cơm hộp bento để tiết kiệm thời gian. Có thể nói, thực phẩm đông lạnh là “đồng minh” của những người độc thân và các bà nội trợ hiện đại.

    đông lạnh cao cấp

    Ảnh: Nippon

    Bên cạnh đó, đại dịch đã đã làm tăng tần suất người dân ăn ở nhà do giãn cách hoặc tăng thời gian làm việc từ xa. Các nhà sản xuất thủy sản và một số nhà sản xuất khác đang tung ra nhiều mặt hàng thực phẩm đông lạnh cầu kỳ hơn, bao gồm cả những món từ nguyên liệu xa xỉ và được các chuyên gia giám sát.

    Tương lai của thực phẩm đông lạnh

    Sản phẩm hướng đến môi trường và sức khỏe

    Trong khi dân số giảm và dân số già được coi là một vấn đề nan giải ở Nhật Bản, nhu cầu đối với thực phẩm đông lạnh dự kiến sẽ vẫn ổn định khi số lượng các hộ gia đình nhỏ, người độc thân và người già tăng lên. Ngoài ra, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đang được đẩy mạnh ở Nhật, và các công ty hàng đầu như Ajinomoto cũng đang cố gắng tạo ra các sản phẩm bền vững.

    chia phần

    Ảnh: web-japan.org

    Bên cạnh đó, thực phẩm đông lạnh và công nghệ cấp đông là một số giải pháp tiềm năng cho tình trạng lãng phí thực phẩm, và đây sẽ là lĩnh vực được quan tâm nhiều trong tương lai. Miura Yoshiko, người phát ngôn của Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Nhật Bản, cho biết: "Thực phẩm đông lạnh đóng gói chỉ bao gồm các thành phần và thực phẩm có thể ăn được, chia thành từng phần, bạn chỉ cần lấy một lượng vừa đủ để dùng. Những phần không ăn được, chẳng hạn như rễ, vỏ. sẽ được nhà máy xử lý và sử dụng làm sản phẩm như thức ăn gia súc để giảm thiểu chất thải."

    Công nghệ giữ độ tươi ngon cho thực phẩm

    Nếu trong lĩnh vực thủy hải sản, nông nghiệp của Nhật có công nghệ đông lạnh CAS, đảm bảo độ tươi ngon của hải sản đông lạnh đúng chuẩn thì trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn cũng không ngoại lệ.

    Một nhà sản xuất cơm chiên và Gyoza đông lạnh đã cung cấp món Gyoza đông lạnh có thể rã đông và nấu trên chảo cách đây 50 năm, vào thời điểm mà không nhiều hộ gia đình có lò vi sóng.

    gyoza

    Ảnh: web-japan.org

    Khi Gyoza với phần đế lưới trở nên phổ biến tại các nhà hàng Trung Quốc, chúng cũng được sản xuất dưới dạng thực phẩm đông lạnh. Và vào năm 1997, họ đã tạo ra một sản phẩm đột phá có thể tạo ra một loại lưới giòn phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản, ngay cả khi không sử dụng dầu.

    Trước những bình luận của người tiêu dùng nói rằng họ không thể nấu chúng đúng cách, các nhà sản xuất cũng bắt đầu in thêm nhãn trên bao bì để đo lượng nước cần sử dụng, vì đong sai lượng là một vấn đề phổ biến. Sau đó, vào năm 2012, một sản phẩm không cần dầu chiên và nước cuối cùng đã xuất hiện trên thị trường.

    sushi

    Ảnh: web-japan.org

    Mặt khác, vì khách hàng muốn ngay cả cơm chiên đông lạnh cũng tơi như cơm mua ở nhà hàng, công ty đã đông lạnh cơm mới nấu trong tủ đông đặc biệt khi hạt cơm vẫn còn tơi.

    Sự phong phú của hương vị cũng quan trọng như công nghệ cấp đông. Người Nhật rất nhạy cảm với hương vị, vì vậy các công ty đã phân tích cách mọi người cảm nhận hương vị để thiết kế và tạo ra các sản phẩm cân bằng giữa ấn tượng về món ăn tại các thời điểm khác nhau: trước, trong và sau khi ăn.

    Những thương hiệu thực phẩm đông lạnh phổ biến tại Nhật Bản

    Tập đoàn Maruha Nichiro chiếm thị phần hàng đầu tại thị trường này. Doanh thu của Maruha Nichiro vào khoảng 900 tỷ yên/năm. Mặt hàng bán chạy nhất của hãng là thực phẩm đóng hộp, nhưng món cơm đông lạnh và mì đông lạnh cũng rất phổ biến, có thể kể đến như Yokohama Ankake Ramen, Chahan-no-Kiwami. Ngoài ra còn có thể kể đến một số thương hiệu khác như Nichirei Corporation, TableMark Corporation, Ajinomoto, Nissin.

    Tại Việt Nam, thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn của Nhật Bản cũng được nhập khẩu và phân phối tại một số cửa hàng như Akuruhi,Yen Market hay Sakuko.

    kilala.vn

    13/07/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!