Tái hiện những món ăn yêu thích "khác người" của nhà văn Mori Ogai
Từng là một bác sĩ quân y, cố nhà văn, dịch giả, nhà thơ Mori Ogai được miêu tả là người bị ám ảnh với sự sạch sẽ nên vô cùng chú trọng đến thực phẩm hằng ngày.
Cùng với Natsume Soseki, Mori Ogai (1862 – 1922) là đại văn hào tiêu biểu của nền văn học xứ Phù Tang thời kỳ hậu Minh Trị, khi nền văn minh phương Tây du nhập vào nước Nhật. Ông thường được nhận xét là người có vẻ ngoài khiêm khắc, với văn chương thể hiện góc nhìn sâu sắc, sự đào sâu, khám phá tâm lý con người.
Tiểu
thuyết đầu tay của ông là “Maihime” (tạm dịch: Nàng vũ công, 1890) kể
về mối tình giữa chàng sinh viên Nhật và nàng vũ công nghèo người Đức.
Và tại Việt Nam, Mori Ogai được độc giả yêu mến, biết đến nhiều nhất qua
tiểu thuyết "Nhạn" (tựa gốc: Gan, 1911 – 1913) do dịch giả Hoàng Long chuyển ngữ, NXB Văn học.
Truyện
khắc họa mối tình thầm lặng giữa một cô gái trẻ lấy phải người chồng
già không yêu thương mình và chàng sinh viên sắp sửa sang Đức du học,
người mỗi ngày đều đi ngang qua con dốc bên dưới nhà nàng. Phải lòng
nhau nhưng cả hai không bao giờ có cơ hội gặp gỡ.
Năm 2022 kỷ niệm 160 năm ngày sinh và 100 năm ngày mất của Mori Ogai, vì vậy Hiệp hội lữ quán Tsuwano, tỉnh Shimane – quê nhà của Ogai, đã thực hiện dự án tưởng nhớ cố nhà văn bằng cách tái hiện những món ăn yêu thích của ông lúc sinh thời và lên kế hoạch phục vụ cho du khách.
Qua thông tin thu thập từ bạn hữu và các cô con gái của cố nhà văn, nỗi ám ảnh về sự sạch sẽ của Ogai được phơi bày. Điều này rất có thể xuất phát từ việc bản thân ông từng là một nhà vi khuẩn học.
Mori Ogai tên khai sinh là
Rintaro, là con trai đầu lòng của gia tộc Mori với nhiều thế hệ hành
nghề y phục vụ cho Lãnh chúa miền Tsuwano (nay là thị trấn Tsuwano và vùng
lân cận). Mới lên 5 tuổi, Ogai đã bắt đầu học “Luận ngữ” của
Khổng Tử và trở thành bác sĩ quân y sau khi tốt nghiệp trường y của Đại
học Tokyo.
Ông cũng từng có thời gian học về vệ sinh và vi khuẩn học tại Đức sau tốt nghiệp Đại học. Lúc về hưu, Ogai tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc của Bảo tàng Hoàng gia Tokyo.
Thói quen ăn uống của cố nhà văn được nhắc đến trong những tác phẩm của các thành viên gia đình và một số ấn phẩm khác. Trong cuốn sách “Chichi” (Cha tôi) được viết bởi người con gái thứ hai Kobori Annu, bà đã khắc họa hình ảnh người cha của mình bị ám ảnh như thế nào với vấn đề vệ sinh. Bà viết: “Cha luôn nói với chúng tôi rằng tốt hơn là nên tránh xa các thực phẩm nhớt như mayonnaise. Cha nói nó càng nhớt dính thì càng trải qua nhiều công đoạn, điều này càng làm cho nó mất vệ sinh”.
Thêm nữa, Mori Ogai được miêu tả là không ăn trái cây sống. Cô con gái cả Mari viết trong cuốn sách “Osanai Hibi” (Những ngày thơ ấu) về việc cha yêu thích trái cây được nấu chín đến mức nào. Đặc biệt, nhà văn dành niềm đam mê lớn cho mận, mơ và đào được chế biến theo nhiều cách trong suốt khoảng thời gian mùa hè.
Trên tất cả, món ăn yêu thích nhất của Mori Ogai chính là khoai lang nướng Yaki-imo. Theo ký ức của một trong những nhân viên cấp dưới thời Ogai còn tại nhiệm vị trí Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Tokyo, văn hào từng có lần giải thích rằng Yaki-imo đã được "khử trùng" sau quá trình nướng và không có món ăn nào lại rẻ và ngon như vậy.
Trong cuốn sách Bunjin Akujiki viết về sự liên kết giữa các nhà văn nổi tiếng với món ăn yêu thích của họ, tác giả Arashiyama Kozaburo đã miêu tả Ogai là ông có lập trường kiên quyết, bởi nỗi ám ảnh sâu sắc với vấn đề vệ sinh. Điều này cũng áp dụng vào thực phẩm ông ăn một cách nghiêm ngặt. Ông mang nỗi sợ kinh hoàng với vi trùng.
Koji Yamaoka, 66 tuổi, nhà sử học địa phương đang là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Du lịch thị trấn Tsuwano cho biết: “Ogai bị ám ảnh quá mức với sự sạch sẽ nên ông thậm chí còn không cho phép con uống nước chưa đun sôi”. Từ những cuốn sách viết về chế độ ăn uống của Ogai từ các con của ông, Yamaoka đã tái hiện hơn chục món ăn yêu thích của cố nhà văn và gọi là “Ogai-shoku”, tức “món ăn của Ogai”.
Các món ăn đặc biệt này đã được phục vụ tại những cơ sở lưu trú dưới quyền điều hành của các thành viên trong Hiệp hội từ tháng 7/2022. Trong đó, độc đáo nhất có lẽ là món Sashimi “Shoyu-ni” với dĩa Sashimi cùng nồi nước Dashi gồm nước tương, rượt ngọt Mirin, Sake được đun trên bếp than nhỏ. Sashimi thường được ăn sống nhưng với cách ăn này, chúng sẽ được nhúng vào nồi nước dùng đun sôi.
Trong khi một số món trong thực đơn “Ogai-shoku” được cho là bắt nguồn từ chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế theo ngôn ngữ hiện nay, nhiều món khác cũng lập dị không kém. Nổi bật là món “Manju Chazuke” với chén cơm trắng với một chiếc bánh bao Manju chứa nhân đậu đặt trên cùng, rồi rót trà xanh vào để thưởng thức.
Trong cuốn sách “Kioku no E” (Bức tranh của ký ức), cô con gái Mari miêu tả món ăn trên như sau: “Có lẽ bạn nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với vị giác của cha tôi, nhưng tôi vẫn yêu thích hương vị ngọt ngào lẫn chút đắng nhưng rất kiểu cách này. Nó có vị ngọt rất Zen”.
Ogai cũng khá chuộng đồ Âu, có lẽ bởi ông chịu ảnh hưởng từ văn hóa châu Âu trong thời gian du học tại Đức. Bánh Korokke (Croquette) và bắp cải cuộn thêm ít muối và tiêu là những món ăn Ogai yêu thích.
Cố nhà văn cũng thường lui tới các nhà hàng nổi tiếng ở Tokyo để thưởng thức món Tempura, Unagi (lươn) và Tsukuda-ni, gồm hải sản, thịt hay rong biển được om với nước tương và rượu Mirin.
Ogai cũng từng đặt tiêu đề cho một cuốn truyện ngắn của mình là “Gyunabe” (món lẩu bò) nhưng không rõ ông có yêu thích món này hay không. Nhà sử học Yamaoka chia sẻ: “Tìm hiểu về cuộc sống đời thường của Ogai giúp chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn các tác phẩm văn học của ông”.
Naoki Matsushima, 34 tuổi, Thư ký của Hiệp hội lữ quán nhận xét, mặc dù trong mắt mọi người, Ogai là người nghiêm khắc nhưng “hiện tại, tôi đã tìm thấy nét rất đời, rất người ở ông thông qua các tài liệu về thói quen ăn uống của Ogai”.
kilala.vn
03/12/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận