Kombumaki – Cuộn rong biển "gói" may mắn cho cả năm
Vào dịp Tết, người Nhật thường có truyền thống thưởng thức Osechi để cầu mong cả năm may mắn và hạnh phúc. Đó là những khay đầy ắp các loại thức ăn, mỗi loại lại tượng trưng cho một nguyện ước khác nhau trong năm mới. Và một hộp Osechi như vậy sẽ không thể thiếu đi món Kombumaki được chế biến từ rong biển.
Kombumaki là gì?
“昆布巻き” (Kombumaki hoặc Kobumaki) được ghép từ chữ “kombu/kobu” (tảo bẹ) và “maki” (nghĩa là “cuốn lại”). Như cái tên, đây là món tảo bẹ cuốn với nhân bên trong là cá trích, cột lại bằng dây kanpyo (dây bầu sấy khô), sau đó hầm với nước dùng dashi và các loại gia vị như nước tương, đường, mirin, rượu sake cho đến khi cạn nước.
Tùy thuộc vào sở thích ăn uống của mỗi gia đình, nhân cá trích có thể thay thế bằng các loại thịt cá khác như cá hồi.
Kobumaki có nguồn gốc từ tỉnh Hokkaido, một trong những vùng có sản lượng tảo bẹ lớn nhất cả nước. Với một đảo quốc như Nhật Bản, họ đã tận dụng lợi thế này để nuôi trồng tảo sau đó phơi thành rong biển khô. Trước khi chế biến, chúng được ngâm nước để nở mềm ra.
Những chiếc lá rong biển được lựa chọn rất tỉ mỉ, đặc biệt là về hình dáng, để miếng Kombumaki sau khi chế biến có cùng kích thước, hài hòa trong mắt người thưởng thức.
Ý nghĩa may mắn của Kombumaki
Trong bữa ăn truyền thống năm mới “Osechi’ của Nhật Bản, Kombumaki là một món ăn đặc trưng, quan trọng và không thể thiếu. Cũng giống như những món ăn khác ở Osechi, Kobumaki được tẩm ướp nhiều gia vị khác nhau để có thể bảo quản trong thời gian dài, ít nhất là trong suốt khoảng thời gian nghỉ lễ của người Nhật.
Vậy tại sao đây lại được coi là một món ăn mang đến những điều may mắn? Trong tiếng Nhật, chữ “kobu” xuất hiện trong từ “Yorokobu”, nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc. Với ý nghĩa xuất phát từ mặt chữ, người ta tin rằng đó là điều món ăn này sẽ mang lại cho gia đình mình trong dịp năm mới.
Không chỉ vậy, theo quan niệm của người dân Nhật Bản, tảo bẹ là một nguyên liệu của may mắn. Với những ngư dân đánh cá ngày xưa, họ thường mang một ít tảo bẹ bên mình như một tấm bùa để cầu bình an, may mắn trong những chuyến đi xa trên biển.
Cuộn tròn bên trong những lớp rong biển là cá trích. Đây là loại cá đẻ rất nhiều trứng, sinh sôi nảy nở tốt, mang ý nghĩa gắn kết giữa các mối quan hệ và biểu tượng cho sức khỏe của ông bà cha mẹ, sự an toàn, thịnh vượng cho con cháu.
Cách làm Kombumaki
Nguyên liệu
Nguyên liệu cần chuẩn bị (cho 2 người):
- Tảo bẹ Hidaka: 30-40g
- Nước (để xử lý tảo bẹ): 600-1000ml
- Kanpyo (dây bầu khô): 10g
- 2 miếng cá trích khô (mềm)
Gia vị:
- Nước tương: 3 muỗng canh
- Mirin: 3 muỗng canh
- Giấm: 1/2 muỗng canh
- Đường: 3 muỗng canh
- Rượu sake: 1 muỗng canh
- Nước dùng dashi từ tảo bẹ: 600-800ml
Các bước thực hiện
- Ngâm tảo bẹ trong nước cho đến khi mềm (khoảng 10 phút).
- Nhẹ nhàng lau sạch tảo bẹ bằng vải để loại bỏ ẩm và chất nhờn trên bề mặt rồi cắt thành từng miếng rộng 7-8cm, dài 15cm.
- Chà xát nhẹ kanpyo với muối, rửa sạch và ngâm trong nước khoảng 3 phút.
- Thịt cá trích lọc xương và luộc trong nước sôi khoảng 2 phút.
- Lấy cá trích ra khỏi nồi nước sôi, cắt thành những miếng dày 1cm, dài 7-8cm và thấm nước bằng khăn giấy.
- Trải lá tảo bẹ ra và xếp cá trích lên, cuộn theo hướng từ dưới lên.
- Dùng dây kanpyo quấn quanh cuộn rong biển, thắt nút và dùng kéo cắt, chừa lại khoảng 1cm từ nút thắt. Lưu ý: Cuộn thật chặt tay để món ăn trông đẹp nhất. Làm tương tự cho các cuộn còn lại.
- Cho cuộn tảo bẹ và tất cả gia vị vào nồi. Khi bắt đầu sôi thì đậy vung, đun nhỏ lửa trong khoảng 60 phút thì tắt bếp và để nguội cho gia vị ngấm là hoàn thành.
Với sự cầu kì và vô cùng tỉ mỉ trong cách chế biến, ngày nay cũng có nhiều người Nhật không tự làm Kombumaki ở nhà mà sẽ mua loại chế biến sẵn trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Không chỉ vào dịp chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, ở một số nơi, cha mẹ sẽ chuẩn bị món ăn này cho con cái của họ trong những kỳ thi quan trọng với hy vọng con mình sẽ làm bài suôn sẻ, đạt được nhiều thành tích cao trong bài thi.
Kombumaki đòi hỏi những nguyên liệu độc đáo và có thể hơi truyền thống hơn một chút so với ẩm thực Nhật Bản điển hình. Vì vậy, nếu có cơ hội đặt chân đến đất nước Nhật Bản, hãy đừng ngại ngần mà nếm thử một lần hương vị tuyệt vời này nhé!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận