Không phải matcha, đây mới là loại trà được người Nhật yêu thích nhất
Vào tháng 4, công ty nghiên cứu thị trường Cross Marketing của Tokyo đã khảo sát 1.100 người Nhật trong độ tuổi từ 20 đến 69 về thói quen uống trà của họ. Kết quả, matcha chỉ đứng thứ 9 với 9,4% lựa chọn. Vậy 8 loại trà được người Nhật xếp trên matcha là gì?

Mugicha đứng thứ hai với 47,0%. Đây là loại trà làm từ hạt lúa mạch rang, có vị đắng nhẹ và thơm giống cà phê nhưng không chứa caffein. Ở vị trí thứ 3 là houjicha hay trà xanh rang, có màu nâu đỏ và mùi thơm giống hạt cà phê rang, được 36,9% số người lựa chọn.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là genmaicha (trà xanh gạo lứt); fukamushi sencha – loại sencha được hấp lâu hơn thông thường; blended tea – trà hỗn hợp của nhiều loại lá trà, thảo mộc, hạt...; gyokuro – loại trà xanh cao cấp với búp trà được che phủ ít nhất 20 ngày trước khi thu hoạch; và bancha – trà xanh được thu hoạch ở lần ra lá thứ hai của sencha (giá rẻ và chất lượng kém hơn so với trà vụ đầu – shincha).

Ngoài ra, cách uống trà phổ biến nhất là “trà đóng chai” với 42,7%, tiếp theo là “trà túi lọc” với 33,8%. Chỉ có một phần tư (26,8%) số người được hỏi cho biết họ tự pha trà từ lá trà. Ngay cả trong số những người ở độ tuổi 60 cũng chỉ có 43,2% trả lời họ tự pha trà. Có vẻ như ngày nay, trà đóng chai đã trở thành tiêu chuẩn mới.
Ba ấn tượng hàng đầu về trà Nhật Bản là “tốt cho sức khỏe vì có catechin” ở mức 37,8%, “không thể thiếu trong bữa ăn” ở mức 33,3% và “phù hợp cho nhiều dịp vì không ngọt” ở mức 28,3%, chứng tỏ trà Nhật Bản được đánh giá cao vì lợi ích sức khỏe cũng như tính linh hoạt.
Xem thêm: Khám phá thế giới trà Nhật Bản
Matcha không phải thức uống hằng ngày ở Nhật
Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người không uống matcha thường xuyên mà vị trí này thuộc về sencha hoặc mugicha.
Theo truyền thống, matcha được sử dụng trong Cha no Yu - nghi lễ Trà đạo. Người Nhật cũng uống matcha ngoài những buổi lễ này nhưng không phải là điều quá phổ biến. Hầu hết họ không sở hữu các loại trà cụ như chasen để pha matcha tại nhà.
Tuy nhiên matcha vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi, trong kem, sô cô la, bánh ngọt hay tại các cửa hàng bán những món đồ uống matcha theo kiểu hiện đại.

Sencha được yêu thích qua nhiều thế kỷ
Sencha có thể không được chú ý nhiều bên ngoài Nhật Bản, nhưng đây cũng là loại trà có nguồn gốc lâu đời. Không giống như matcha, vốn gắn liền với các nhà sư Thiền tông và giới quý tộc, samurai, sencha nổi lên như loại trà dành cho tầng lớp bình dân vào thế kỷ 18.
Loại trà xanh này được đánh giá cao vì hương vị thanh, ngọt nhẹ và dễ tiếp cận, đã trở thành một phần không thể thiếu cuộc sống thường ngày của người dân xứ Phù Tang. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi vào năm 2019, sencha chiếm đến 53% sản lượng trà thô tại Nhật Bản.
Sự đơn giản trong cách pha chế luôn là yếu tố cốt lõi tạo nên sức hấp dẫn của sencha. Thông thường, sencha được pha bằng cách ngâm lá trà trong nước nóng khoảng 30 giây đến một phút, tùy thuộc vào chất lượng lá và độ đậm mong muốn. Thời gian pha nhanh giúp sencha trở nên lý tưởng cho những buổi sáng bận rộn hoặc những buổi tối yên tĩnh.
Ngoài ra, ngày nay, các loại sencha túi lọc, đặc biệt là sencha đóng chai đã trở nên cực kỳ phổ biến vì tính tiện lợi, giúp người Nhật có thể thưởng thức loại trà xanh này mọi lúc mọi nơi.

kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận