Kami nabe - món lẩu giấy độc lạ của Nhật Bản
Cũng là món lẩu nhưng điều kỳ lạ là Kami nabe lại được nấu trong một chiếc nồi làm bằng giấy. Vì sao giấy lại không cháy khi tiếp xúc với lửa? Hãy cùng Kilala tìm câu trả lời trong bài viết này nha!
Lẩu giấy – Kami nabe là gì?
Kami-nabe (紙鍋) được ghép từ chữ “kami” nghĩa là "giấy" và "nabe" chỉ món lẩu. Đây là tên một phong cách lẩu độc đáo của Nhật Bản thường được phục vụ tại các nhà hàng, lữ quán trong bữa tối và tiệc chiêu đãi. Đúng như tên gọi, giấy được sử dụng để đựng nước dùng và các nguyên liệu hệt như một chiếc nồi bình thường, sau đó nấu trên bếp lửa.
Theo truyền thống, loại giấy được sử dụng là washi – giấy thủ công của Nhật Bản, với kết cấu dày và bền chắc. Ngày nay nhiều nhà hàng vẫn sử dụng washi cho lẩu giấy, nhưng cũng có thêm một lựa chọn khác là giấy công nghiệp đã được xử lý chống thấm nước. Để cố định hình dáng, tờ giấy sẽ được đặt trên một cái rây bằng thép.
Ưu điểm của nồi giấy là không chỉ hút cặn giúp nước dùng luôn trong mà còn dẫn nhiệt tốt. Ngoài ra, vì nồi giấy washi được làm từ vỏ cây tự nhiên nên chúng rất phù hợp với ẩm thực Nhật Bản, vốn chú trọng vào hương vị nguyên bản của nguyên liệu.
Những chiếc nồi này có thể dễ dàng được dọn sạch bằng cách vứt bỏ sau khi bữa ăn kết thúc, và chúng cũng giúp tạo thêm sự bất ngờ thú vị cho bữa tiệc.
Vì sao nồi bằng giấy lại không cháy?
Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên nảy ra khi nghe về món lẩu kỳ lạ này. Điểm bắt lửa của giấy là 300 độ C, trong khi nhiệt độ của nước trong nồi sẽ không bao giờ vượt quá 100 độ C, do đó nồi giấy sẽ không cháy dù có tiếp xúc với lửa, miễn là còn nước bên trong!
Lịch sử của Kami nabe
Nói về nguồn gốc của lẩu giấy, món ăn này lần đầu xuất hiện tại Osaka, cụ thể là từ một nhà hàng có tên là Rogetsu. Được thành lập vào năm 1927, đây là nhà hàng lâu đời và vô cùng nổi tiếng ở phường Kita.
Tại Rogetsu, giấy washi dùng làm nồi lẩu sẽ được để yên trong 10 năm trước khi sử dụng; bằng cách này, tờ giấy sẽ càng chắc và dai hơn. Nồi lẩu giấy được nấu trên bếp than trắng Tosa Bincho cao cấp.
Một bữa lẩu tại nhà hàng này có giá từ 18.900 yên/người (khoảng 3,3 triệu đồng) với nguyên liệu đa dạng gồm 7-8 loại hải sản, hơn 50 loại rau được trình bày lộng lẫy, đẹp mắt. Hải sản sẽ bao gồm cá tráp, tôm, mực, lươn và cá thu, tùy theo thời điểm trong năm mà có thêm các loại hải sản theo mùa khác.
Nước dùng lẩu tại đây có vị umami của tảo bẹ và rau củ, hương vị tuy thanh nhưng lại rất tinh tế. Vì có rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên bạn có thể từ từ thưởng thức bữa ăn trong khoảng ba giờ đồng hồ.
Nhà hàng Rogetsu
- Địa chỉ: Tòa nhà Rogetsu 1F, 1-7-10 Sonezaki Shinchi, phường Kita, thành phố Osaka
- Thời gian hoạt động: Thứ 2 – Thứ 7 (12:00 – 22:00)
- Số điện thoại: +81-6-6341-6351
- Website: https://kaminabe.gorp.jp/
Cách làm nồi lẩu giấy tại nhà
Món lẩu giấy của Nhật Bản có thể là một gợi ý cho bữa cơm trong gia đình thêm thú vị. Nếu muốn thử nấu lẩu theo phong cách Kami-nabe, bên cạnh loại nồi giấy làm sẵn có bán tại Nhật Bản, bạn hoàn toàn có thể tự làm ở nhà với cách làm khá đơn giản như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị giấy washi Nhật Bản loại dày.
- Bước 2: Xác định đường kính đáy nồi mong muốn, chẳng hạn 20cm.
- Bước 3: Chuẩn bị một quả bóng có đường kính khoảng 20cm và đặt vào giữa tờ giấy washi có kích thước khoảng 30x30cm.
- Bước 4: Gấp tờ giấy xung quanh quả bóng giống như cách gấp bánh xếp.
- Bước 5: Chỉnh lại cho tròn đều rồi lấy quả bóng ra.
- Bước 6: Sau khi tờ giấy đã có hình dạng giống như một cái tô, đặt nó lên tấm lưới thép.
Như vậy là nồi lẩu giấy đã hoàn thành. Sau đó, bạn cho nước dùng cùng các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, bật bếp lên và thưởng thức!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận