Nabemono - Món ăn gắn kết tình thân
Cách chế biến đơn giản, hương vị không kén người ăn, đem lại cảm giác háo hức chờ đợi và thoải mái khi có thể tự do lựa chọn nguyên liệu yêu thích, Nabemono - món lẩu Nhật Bản - là món ăn thường xuyên xuất hiện trong những buổi họp mặt ăn uống thân tình giữa bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp, đối tác.
Món ăn gắn kết tình thân
(Ảnh: kazoka/PIXTA)
Xuất hiện từ thời đại Jomon, Nabemono - món lẩu Nhật Bản - là món ăn thường được ưu ái lựa chọn cho những bữa tiệc họp mặt thân tình, khi mọi người cùng quây quầy bên nhau, chia sẻ một món ăn và cả những câu chuyện vui buồn.
Đặc trưng của món lẩu Nhật Bản chính là nước súp thường được nấu từ khô cá bào, tảo bẹ hay xương gà, sau đó nêm nếm với nước tương Shoyu, rượu ngọt Mirin, có khi thêm cả tương Miso. Tùy theo lượng gia vị mà chúng ta có nước lẩu từ thanh nhạt như lẩu Yudofu đến đậm đà như Sukiyaki.
Về nguyên liệu, người Nhật đặc biệt yêu thích nhất là cải thảo, sau đó là đậu hũ, thịt heo, thịt gà, nấm, hành lá, lòng bò,... Khác với Việt Nam, người Nhật thưởng thức thức ăn trong lẩu trước, rồi tiếp tục dùng cơm hoặc mì sợi với nước lẩu.
Với người Nhật, Nabemono không chỉ là một món ăn ngon mà còn mang giá trị tinh thần khi có thể gắn kết tập thể và đem mọi người đến gần nhau hơn.
Nguồn gốc tên gọi “Nabe”
(Ảnh: reijin7/PIXTA)
Tên gọi “鍋/Nabe” bắt nguồn từ “肴瓮/Nahe” với “肴/Sakana” nghĩa là “Cá” và “瓮/Kame” là “Nồi đất”. Do món ăn được nấu trong nồi đất nên tên gọi “肴瓮/Nahe” ra đời và biến đổi thành chữ “堝/Nabe” nghĩa là “Cái nồi” vào thời đại công cụ kim loại trở nên phổ biến. Thời đại vừa chụm lửa vừa nấu nướng bằng nồi niêu khá dài, cái nồi khi đó chính là hình ảnh của gia đình. Đứng bên bếp lò, người phụ nữ nội trợ chăm nom quán xuyến củi lửa, nấu nướng và nêm nếm, đó là vị trí vững chắc trong gia đình. Và những từ ngữ như “Nabeza”, “Nabeshiro”, “Onnaza” ra đời với ý nghĩa giống với từ “Nabebugyo” - Người đảm nhiệm việc nấu lẩu trên bàn ăn.
Ngũ sắc trong món Nabemono
(Ảnh: 晓燕 黄/Flickr)
Theo người Nhật, tất cả các nguyên liệu thực phẩm đều có thể được phân loại qua hình thức bên ngoài theo 5 nhóm màu sắc, bao gồm Đỏ, Trắng, Xanh lục, Vàng, Đen. Và từ xưa đến nay, như một thói quen, người Nhật vẫn thường kết hợp một cách hài hòa các nguyên liệu của 5 nhóm màu sắc này để giúp món ăn có sự cân bằng không chỉ về hình thức mà còn cả hàm lượng dinh dưỡng, tránh được việc hấp thu quá nhiều hoặc quá ít chất dinh dưỡng nào đó vào cơ thể. Và món lẩu cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng xem qua các nguyên liệu chia theo Ngũ sắc của món lẩu xứ mặt trời mọc nhé!
Nhóm Đỏ: Thực phẩm trong nhóm này bao gồm các loại thịt heo, bò, gà, cá ngừ, cá hồi, tôm, bạch tuộc, cà rốt,... chủ yếu cung cấp chất đạm và chất béo cho cơ thể.
Nhóm Trắng: Bao gồm cơm trắng, mì Udon, cá thịt trắng, mực, cua, lươn, chả cá Hanpen, đậu phụ. Ngoài ra, các loại rau củ sáng màu như củ cải trắng, cải bách thảo, hành lá,... Nhóm Trắng cung cấp tinh bột và một số vitamin cùng khoáng chất.
Nhóm Xanh lục: Rau củ màu xanh lục như cải bó xôi, hành lá, bông cải xanh, bắp cải, cải cúc,... phong phú các loại vitamin, khoáng chất có tác dụng điều chỉnh các chức năng của cơ thể.
Nhóm Vàng: Bao gồm các sản phẩm từ đậu nành, đậu tương như đậu hũ, Ganmodoki, tương Miso,... Ngoài ra còn có quýt Yuzu, bí đỏ, hạt bạch quả, măng, chanh vàng, trứng gà,...
Nhóm Đen: Bao gồm các thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất và có lượng kalo thấp như thạch Konnyaku, nấm, mộc nhĩ và các loại tảo biển: tảo bẹ Konbu, rong biển Wakame, rong biển Hijiki,...
Những món lẩu danh tiếng Nhật Bản
Motsunabe
Xuất xứ từ Fukuoka, lẩu Motsunabe có nước súp nấu từ xương gà, nêm nếm với nước tương Shoyu, rượu Sake, rượu Mirin và tương Miso. Nguyên liệu không thể thiếu chính là lòng bò, bắp cải, đậu hũ, ớt, tỏi và hẹ cắt khúc xếp bên trên.Lẩu Motsunabe (Ảnh: promolink/PIXTA)
Chankonabe
Chankonabe là món ăn thường ngày của các Sumo Nhật Bản. Đây là món ăn bổ dưỡng và lành mạnh với nguyên liệu phổ biến là thịt gà, đậu hũ, cà rốt, khoai tây, nấm, hành lá và cải thảo. Nước súp được nêm nếm với nước tương Shoyu và tương Miso.Lẩu Chankonabe (Ảnh: promolink/PIXTA)
Shabu Shabu
Nước súp thanh nhạt được nấu từ tảo bẹ Konbu, nguyên liệu cho món lẩu Shabu Shabu là thịt bò thái mỏng, cải thảo, nấm,... Thịt và rau củ được nhúng vào nước lẩu rồi dùng với nước xốt Gomadare hoặc Ponzu.Lẩu Shabu Shabu (Ảnh: 17az/PIXTA)
Sukiyaki
Đặc trưng của món lẩu Sukiyaki là nước súp có vị khá đậm và ngọt so với khẩu vị người Việt Nam. Sau khi nhúng vào nước lẩu, thịt bò thái mỏng được nhúng vào trứng sống đánh tan rồi thưởng thức.
Lẩu Sukiyaki (Ảnh: Nori/PIXTA)
Yosenabe
Yosenabe là món lẩu rất phổ biến trong thực đơn các nhà hàng, quán ăn và gia đình. Nguyên liệu phong phú bao gồm thịt gà, rau củ và hải sản. Nước súp có vị ngọt thịt thanh đạm dễ ăn.
Lẩu Yosenabe (Ảnh: keiphotostudio/PIXTA)
Yudofu
Thích hợp với người ăn chay hoặc ưa thích hương vị thanh đạm, Yudofu có nước súp nấu từ tảo bẹ Konbu và nguyên liệu chỉ là đậu hũ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thêm vào các loại rau củ khác như cải thảo, cà rốt,...
Lẩu Yudodu (Ảnh: ikuo/PIXTA)
Tonyunabe
Nguyên liệu tương tự như các loại lẩu khác nhưng Tonyunabe có nước súp nấu từ sữa đậu nành quyện với nước Dashi. Đây là món lẩu có hương vị thanh đạm tinh tế và đặc biệt là rất giàu dinh dưỡng.
Lẩu Tonyunabe (Ảnh: happyyuuyuu/PIXTA)
Kakinabe
Khác với những món lẩu còn lại, nước súp của Kakinabe - Lẩu hàu - không được nấu từ tảo bẹ hay khô cá bào mà là tương Miso pha loãng với rượu Sake và rượu ngọt Mirin. Nguyên liệu chính của Kakinabe là hàu tươi và các loại rau củ.
Lẩu Kakinabe (Ảnh: promolink/PIXTA)
Kimuchinabe
Tuy là món ăn mang đậm phong vị Hàn Quốc nhưng lẩu Kimchi được người Nhật đặc biệt yêu thích bởi vị chua cay nồng nàn khác với hương vị truyền thống của nhiều món ăn Nhật Bản. Nguyên liệu của Kimchi Nabe là kim chi, đậu hũ, nấm, hẹ và thịt heo.
Lẩu Kimuchinabe (Ảnh: lcc54613/PIXTA)
Lăng Vi / kilala.vn
31/12/2015
Bài: Lăng Vi / Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận