Sukiyaki là gì? Cách nấu lẩu Sukiyaki siêu đơn giản tại nhà
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, bên cạnh những Sushi, Sashimi, Ramen hay Udon, các tín đồ ăn uống cũng không thể nào bỏ qua Sukiyaki – một đại diện tiêu biểu của lẩu Nhật. Sukiyaki với hương vị đậm đà, hòa quyện giữa các loại rau và thịt là một lựa chọn không thể tuyệt vời hơn cho một bữa lẩu cùng gia đình hay bạn bè. Và đặc biệt, cách nấu món này cũng không hề phức tạp!
Sukiyaki là gì?
Sukiyaki là một món lẩu nổi tiếng của Nhật Bản với hương vị hòa quyện giữa mặn và ngọt, được nêm bằng nước tương, đường, sake và mirin. Ngoài những lát thịt bò mỏng, các nguyên liệu phổ biến cho món Sukiyaki bao gồm hành boa rô, nấm hương, cải thảo, đậu phụ và mì Shirataki.
Lịch sử của món lẩu Sukiyaki
Sukiyaki là một sự bổ sung có phần sinh sau đẻ muộn cho ẩm thực Nhật Bản, xuất hiện vào cuối thời kỳ Edo (giữa những năm 1800). Sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, việc ăn thịt động vật bốn chân chính thức bị cấm từ khoảng giữa thế kỷ thứ 7. Gia súc như trâu bò và ngựa là các loài động vật lao động và người ta tin rằng sẽ có những hậu quả tiêu cực nếu sát hại động vật.
Tuy nhiên, thực tế là tầng lớp lao động nghèo vẫn tiếp tục ăn thịt động vật hoang dã như lợn rừng và nai. Người dân cũng lén lút ăn thịt bò trở lại, và vào cuối thời Edo, nhà hàng đầu tiên chuyên về Gyu-nabe (lẩu thịt bò) đã được thành lập ở Kyoto.
Vào thời điểm đó, những người bình thường không quen với mùi thịt thường bịt mũi và nhắm mắt khi đi ngang qua nhà hàng này.
Trong thời Minh Trị, sự tiếp xúc với ẩm thực phương Tây cuối cùng đã giúp nới lỏng lệnh cấm thịt. Chính quyền Minh Trị cho rằng, nhằm đạt được sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh quân sự như một quốc gia phát triển, chế độ ăn uống của những người trực tiếp tham gia vào quân đội và các ngành công nghiệp của Nhật Bản nên được thay đổi.
Họ bắt đầu quảng bá việc ăn thịt với nỗ lực tăng cường sức mạnh và chiều cao của người dân. Vì vậy, trong thời kỳ này, Sukiyaki dần trở thành một món ăn phổ biến.Ở vùng Kansai, món ăn được gọi là “Sukiyaki” như cách gọi ngày nay, còn ở vùng Kanto lại có món lẩu bò gọi là “Gyu-nabe”. Tuy nhiên, sau trận Đại động đất Kanto năm 1923, các nhà hàng Gyu-nabe đã bị phá hủy và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa. Nhiều người ở Kanto bấy giờ đã tạm thời chuyển đến khu vực Osaka sinh sống.
Tại đây, họ đã quen với phong cách lẩu kiểu Kansai rồi mang nó quay trở lại Kanto. Sukiyaki của Kansai và Gyu-nabe của Kanto sau đó đã được kết hợp, và một kiểu Sukiyaki mới sử dụng Warishita (hỗn hợp nước dùng Dashi, nước tương, rượu sake, mirin để làm súp/nước chấm), đã ra đời.
Về nguồn gốc cái tên “Sukiyaki”, có giả thuyết cho rằng nó liên quan đến việc người nông dân vào thời Edo (1603–1868) sử dụng “suki - 鋤” (cái thuổng) để nướng (yaki - 焼き) những món như cá và đậu phụ ngoài trời. Cũng có ý kiến khác cho rằng Sukiyaki xuất phát từ chữ “sukimi - 剥き身”, có nghĩa là thịt thái lát mỏng.
Cách nấu lẩu Sukiyaki chuẩn vị Nhật
Sự khác biệt giữa Sukiyaki kiểu Kanto và Kansai
Có hai phong cách chế biến món Sukiyaki. Phong cách Kanto và phong cách Kansai. Sukiyaki kiểu Kanto nấu thịt bò trong sốt Warishita, trong khi đó phong cách Sukiyaki Kansai sẽ áp chảo thịt trước, sau đó thêm đường và nước tương mà không dùng đến Warishita. Nguyên liệu cơ bản và gia vị của hai kiểu gần như giống nhau.
Dưới đây là hướng dẫn nấu lẩu Sukiyaki theo phong cách Kanto.
Nguyên liệu cho món Sukiyaki (2 người ăn)
- 4 lá cải thảo
- 50g nấm kim châm
- 50g nấm đông cô
- 250g đậu phụ nướng
- 230g thịt bò thái lát mỏng
- 100g mì Shirataki
- Hành boa rô xắt nhỏ
- 1 muỗng canh dầu thực vật
Nguyên liệu làm sốt Sukiyaki (Warishita)
- 120ml rượu sake
- 120ml mirin
- 120ml nước tương
- 40g đường
*Hoặc cũng có thể mua sốt Warishita pha sẵn trên thị trường.
- 240ml nước
- 5g hoặc 1 lá Kombu
Hướng dẫn nấu lẩu Sukiyaki
Bước 1: Làm sốt Warishita. Cho rượu sake và mirin vào một cái chảo nhỏ và đun sôi. Sau đó, giảm nhiệt độ để rượu bay hơi trong khoảng 1 phút. Thêm đường và nước tương rồi khuấy đều và đun sôi lại cho đến khi đường tan. Tắt bếp và để nguội.
Bước 2: Làm nước dùng Kombu Dashi. Đổ 240ml nước vào tô và ngâm Kombu trong ít nhất 30 phút.
Bước 3: Xắt tất cả các loại rau và nấm thành miếng vừa ăn rồi ngâm mì Shirataki vào nước trong khoảng 10 phút. Cải thảo nên được cắt thành từng khúc khoảng 5cm. Tiếp đến, cắt bỏ chân nấm đông cô và chân nấm kim châm. Xé nấm kim châm thành từng chùm nhỏ hơn. Đặt tất cả các nguyên liệu này lên đĩa.
Bước 4: Khi đã sẵn sàng để nấu, bắc nồi lên và đun nóng dầu. Thêm thịt bò cắt lát vào áp chảo trong khoảng 10 giây rồi rưới sốt Warishita lên. Khi thịt bắt đầu chuyển sang màu nâu thì vớt ra khỏi nồi.
Bước 5: Thêm phần nước sốt còn lại và Kombu Dashi vào nồi, chờ sôi rồi cho các loại rau, nấm và đậu phụ vào cùng mì Shirataki. Đậy vung và đun đến khi sôi, sau đó vặn lửa nhỏ, để thêm khoảng 5 phút cho đến khi các nguyên liệu vừa chín.
Bước 6: Thêm thịt bò vào nồi và rắc hành boa rô lên. Đập trứng sống ra bắt và đánh đều để thưởng thức cùng lẩu.
*Lưu ý: Nếu ăn chay, bạn có thể thay thế thịt bò bằng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật.
Thưởng thức Sukiyaki như thế nào?
Với Sukiyaki kiểu Kanto, sau khi nguyên liệu đã được áp chảo và nấu trong sốt Warishita, chúng thường được nhúng vào trứng sống trước khi ăn. Việc nhúng các nguyên liệu đã thấm gia vị vào trứng sống sẽ mang lại hương vị êm dịu khó cưỡng.
Khi bạn đã thưởng thức gần xong, một cách hay để kết thúc bữa ăn là thêm mì Udon vào phần nước súp còn lại. Hương vị của Warishita – lúc này đã hòa quyện với vị từ các nguyên liệu của Sukiyaki – kết hợp cùng Udon vô cùng hấp dẫn.
Các phiên bản Sukiyaki khác
Udon-suki – Sukiyaki Udon
Có nguồn gốc từ Osaka, Udon-suki theo nghĩa đen là một món lẩu với nhân vật chính là mì Udon. Món này được chế biến bằng cách nấu sợi mì Udon trong nước dùng (làm từ cá ngừ, nước tương, mirin.) với nhiều loại nguyên liệu, bao gồm thịt gà, lươn biển, tôm và nghêu hamaguri.
Ngoài ra, theo từng mùa, có thể thêm rong biển vào mùa xuân, cá hamo vào mùa hè và nấm matsutake vào mùa thu.
Torisuki – Sukiyaki gà
Torisuki hay Sukiyaki gà là
một món ăn địa phương điển hình ở Kyushu, nơi sản xuất ra những giống gà
hảo hạng. Một loại nước sốt được pha chế đặc biệt từ nước tương, mirin
và nước dùng Dashi sẽ được cho vào chảo, sau đó thêm thịt gà, các
loại rau như cải thảo, hành boa rô, nấm đông cô, đậu phụ và cuối cùng là
mì Udon vào.
Uo-suki/Oki-suki – Sukiyaki cá
Uo-suki là Sukiyaki làm từ cá. Những lát cá (cá tráp biển, cá saba, cá cam) hoặc tôm, mực, lươn biển. được ướp trong một loại nước sốt đặc biệt, sau đó cho vào nồi nhỏ với nước dùng Dashi. Trụng những lát cá và nhúng chúng vào trứng sống trước khi thưởng thức.
Các thành phần khác bao gồm rau cúc tần ô, ngò tây, hành boa rô, konnyaku và đậu phụ nướng. Để thưởng thức món ăn một cách trọn vẹn nhất, hãy cho từng lát cá vào nước dùng và ăn ngay khi vừa chế biến, chú ý không để cá quá chín.
Kanisuki – Sukiyaki cua
Thịt cua, cải thảo, hành boa rô, ngò tây, nấm enoki và shiitake cùng với các loại rau và đậu phụ được nấu trong nước dùng Dashi đậm đà từ cá ngừ bào và tảo bẹ kombu.
Suki Shabu
Thịt thái lát mỏng cùng rau được nhúng vào nước sốt Warishita và đun sôi trong vài giây, sau đó chấm vào trứng sống đã đánh bông. Suki Shabu có vị giống như Sukiyaki, nhưng cách nấu lại theo phong cách lẩu Shabu-shabu.
Phân biệt Sukiyaki và Shabu Shabu
Trong “đại gia đình” Nabemono (lẩu) của Nhật Bản, Sukiyaki và Shabu-shabu có lẽ là hai cái tên được nhiều người biết đến nhất, và cũng thường bị nhầm lẫn với nhau.
Giống như Sukiyaki, các thành phần của Shabu-shabu bao gồm thịt thái lát mỏng, rau và nước dùng Dashi, nhưng sự khác biệt lớn là ở hương vị của nước dùng trong mỗi loại lẩu. Với lẩu Shabu-shabu, Dashi được chế biến từ các nguyên liệu có vị nhẹ hơn, chẳng hạn tảo bẹ.
Cùng sử dụng thịt bò, nhưng các lát thịt Sukiyaki được thái dày hơn một chút (từ 1,8 đến 2,5mm) vì chúng được nấu lâu hơn, trong khi thịt bò Shabu-shabu thường mỏng hơn một chút (từ 1,5 đến 2,0mm).
Cũng có một sự khác biệt trong cách ăn của hai loại lẩu Nhật này. Các nguyên liệu được nấu trong nước dùng nếu là Sukiyaki. Trong khi đó, ở Shabu-shabu, từng nguyên liệu sẽ được nhúng riêng để làm chín trước khi ăn.
Ngoài ra, với Shabu-shabu, bạn không nhúng đồ ăn vào trứng sống mà chấm với các loại gia vị như sốt mè hoặc ponzu.
Ngoài hai món lẩu trên, thế giới Nabemono của Nhật còn có những “gương mặt” tiêu biểu khác như Chanko Nabe, Anko Nabe, Motsunabe, Yudofu, Tonyunabe, Kimuchinabe. mà bạn nên thử qua một lần.
Bí quyết để thành công với món Sukiyaki ngay từ lần đầu tiên
Để có một nồi lẩu Sukiyaki tại nhà chuẩn vị như nhà hàng Nhật, có một số điều bạn nên lưu ý:
- Sử dụng các nguyên liệu chất lượng cao. Sukiyaki là một món ăn đơn giản, nên mọi nguyên liệu đều có giá trị của riêng nó. Chọn thịt bò có đường vân đẹp mắt, rau tươi và nước dùng chất lượng để có một nồi lẩu thơm ngon.
- Cắt nguyên liệu thành các miếng vừa ăn. Điều này sẽ đảm bảo mọi thành phần chín đều và vừa ăn. Hãy nấu thịt bò trước để giúp tạo hương vị cho nước dùng và đảm bảo rằng thịt được nấu chín hoàn hảo.
- Đừng nấu rau quá kỹ vì Sukiyaki là một món ăn được nấu chín tới. Sukiyaki theo truyền thống được nấu tại bàn, vì vậy hãy đảm bảo rằng nồi của bạn không quá đầy, nếu không nguyên liệu có thể không chín đều.
- Đừng ngại điều chỉnh gia vị theo khẩu vị cá nhân. Bạn có thể dễ dàng tùy chỉnh theo ý thích, như thêm đường để nước dùng ngọt hơn hoặc thêm nước tương để có vị mặn hơn.
- Sử dụng chảo/nồi lớn và nông. Nồi nấu lẩu Sukiyaki gần giống với chảo Teppanyaki, giúp chống dính và duy trì nhiệt độ ổn định nhằm giữ lại trọn vẹn vị umami của các nguyên liệu.
- Ngoài ra, nếu không quen hoặc không thích mùi vị của trứng sống, bạn có thể chấm với nước tương hoặc loại sốt chấm khác theo sở thích.
kilala.vn
31/08/2023
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận