Đi tìm món ăn đặc sản nổi tiếng nhất Nhật Bản
Trong tiếng Nhật, “kyodo ryori” (郷土料理) hay “kyodo shoku” (郷土食) là từ được dùng để chỉ những món ăn đặc sản của các địa phương.
Kết quả cho thấy, một tỷ lệ khá cao - khoảng 60% nam nữ trong độ tuổi 20 và cả phụ nữ ở độ tuổi 60 hiểu biết về ẩm thực các vùng miền, điều này được cho là một phần nhờ vào giáo dục về chế độ ăn uống ở Nhật Bản. Và món ăn địa phương được biết đến nhiều nhất là món thịt cừu nướng “jingisukan” có nguồn gốc từ Hokkaido.
Jingisukan (Thành Cát Tư Hãn) – Hokkaido
Chăn nuôi cừu bắt đầu phát triển mạnh ở Hokkaido khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, nhằm mục đích có thể tự cung tự cấp vì nhập khẩu sợi len vào Nhật Bản lúc bấy giờ trở nên khó khăn. Để tăng cường hiệu quả kinh tế, người ta đã nuôi một giống cừu có thể khai thác vừa len vừa thịt, và món jingisukan ra đời như một cách để tăng lượng tiêu thụ thịt cừu.
Với món ăn này, thịt cừu thường được nước cùng với rau trong một chiếc nồi đặc biệt có tâm lồi. Khi mùa đông kết thúc và mùa xuân đến, đó là lúc diễn ra các bữa tiệc "jingisukan party" (hay gọi tắt là "jinpa") – nơi gia đình và bạn bè quây quần thưởng thức món ngon này.
Ishikari nabe - Hokkaido
Đây là món lẩu được đặt tên theo cửa sông Ishikari, nơi câu cá hồi phổ biến từ thời Edo (1603–1868). Nguồn gốc của nó được cho là bắt nguồn từ việc ngư dân ăn mừng mẻ cá lớn bằng cách cho thẳng những miếng cá hồi mới đánh bắt vào nồi súp miso.
Imoni - Tohoku và Kanto
Imoni xếp thứ nhất ở vùng Tohoku và là món ăn quen thuộc thứ hai ở vùng Kanto. Vào mùa thu, ở Nhật có một phong tục gọi là “imoni-kai” (芋煮会) – mọi người tụ tập ở khu vực gần sông để cùng nấu món imoni khổng lồ. Imoni là món ăn bao gồm khoai môn, thịt, konnyaku và các nguyên liệu khác được ninh với nhau.
Ngay cả ở tỉnh Yamagata, nơi được cho là cái nôi” của món ăn này, hương vị cũng khác nhau tùy theo khu vực, chẳng hạn như thịt bò và nước tương rất phổ biến ở Nairiku thì thịt lợn và miso lại được ưa chuộng ở Shonai, thị trấn nằm dọc theo bờ biển Nhật Bản.
Zunda mochi - Tohoku
Đây là những chiếc bánh gạo nếp mochi, được phủ một lớp zunda – hỗn hợp đậu nành luộc được nghiền và trộn với đường.
Noppeijiru – Koshin-etsu/Hokuriku
Đây là món ăn nấu tại nhà tiêu biểu ở tỉnh Niigata, với nguyên liệu chính là khoai môn, được ninh cùng các loại rau củ và nấm.
Oyaki – Koshin-etsu/Hokuriku
Những chiếc bánh bao này làm bằng bột mì và bột kiều mạch, nhồi nhân đậu ngọt hoặc rau theo mùa, sau đó được chiên và hấp. Đây là món kyodo ryori đại diện cho Shinshu, nay là tỉnh Nagano, có nguồn gốc từ những vùng núi lạnh, nơi không thể trồng lúa. Oyaki có rất nhiều biến thể, với phần nhân bao gồm cả những món ăn kèm như kiriboshi daikon (sợi củ cải trắng khô ninh trong nước dùng nhạt) và takanazuke (rau cải muối Nhật Bản).
Miso katsu - Tokai
Những miếng thịt lợn cốt lết được phủ trong nước sốt miso đậm đặc này là món ăn tiêu biểu của Nagoya.
Miso nikomi udon - Tokai
Món ăn này kết hợp sợi mì udon dai dày với nước súp tương miso đậm đà.
Okonomiyaki - Kansai
Đây được mệnh danh là món ăn linh hồn của người dân Osaka. Ở đây, okonomiyaki đôi khi được dùng kèm với cơm như một món ăn phụ.
Takoyaki - Kansai
Những chiếc bánh bạch tuộc này được làm bằng cách đổ bột mì, nước dùng dashi và trứng vào khuôn, sau đó cho nhân bạch tuộc cắt nhỏ và agedama (vụn tempura) vào. Mặc dù nó là một món ăn đường phố nhưng người ta nói rằng ở Osaka, không gia đình nào là không có máy làm takoyaki tại nhà.
Okonomiyaki - Chugoku
Với rất nhiều bắp cải, okonomiyaki của tỉnh Hiroshima thuộc vùng Chugoku gần như có thể được gọi là bánh bắp cải và thật sự rất khác với kiểu bánh ở Kansai.
Xem thêm: Okonomiyaki phong cách Kansai và Hiroshima
Mamakari no suzuke - Chugoku
Mamakari là biệt danh của loài cá nhỏ sappa hay cá trích vảy xanh. Mamakari no suzuke được biết đến rộng rãi như một món ăn địa phương của tỉnh Okayama (vùng Chugoku), trong đó cá trích vảy xanh (sappa) được ngâm với giấm. Món ăn này có tên như vậy vì quá ngon, đến mức phải xin, mượn (kariru - 借りる) thêm cơm (mama – 飯).
Taimeshi - Shikoku
Với món ăn này, cá tai (cá tráp) sẽ được nấu nguyên con cùng với gạo, khi ăn, cá sẽ được lọc lấy thịt và trộn đều với cơm. Món taimeshi đặc trưng bởi phần cơm thấm đẫm vị ngọt umami từ cá tráp biển.
Shikoku zoni - Shikoku
Zoni là món xúp có thành phần và gia vị khác nhau tùy theo vùng. Ở tỉnh Tokushima (vùng Shikoku), việc sử dụng shiromiso (miso trắng) đang ngày càng trở nên phổ biến.
Gameni (chikuzenni) – Kyushu/Okinawa
Tên của món hầm này, gameni , được cho là bắt nguồn từ từ gamekurikomu , có nghĩa là “tập hợp lại với nhau” trong phương ngữ Hakata được nói ở thành phố Fukuoka (tỉnh Fukuoka, vùng Kyushu). Ăn kèm với các loại rau củ, gameni là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ kỷ niệm, chẳng hạn như ngày đầu năm mới.
Dagojiru (dangojiru) – Kyushu/Okinawa
Đây là một món xúp có thêm bánh bao dago/dango với hình dạng tùy theo từng vùng. Mặc dù được ăn rộng rãi khắp Kyushu nhưng dagojiru đặc biệt phổ biến ở tỉnh Kumamoto.
kilala.vn
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận