Có gì bên trong Sembikiya, cửa hàng trái cây “chanh xả” nhất Nhật Bản
Với cách bài trí sang trọng, Sembikiya còn được xem là “cửa hàng LV của trái cây”. Với mức giá không rẻ, nơi đây vẫn được nhiều người lựa chọn khi muốn tìm một món quà cho những ngày lễ của Nhật.
Tại Nhật tồn tại một hệ thống cửa hàng, nhìn sơ qua không khác những thương hiệu cao cấp, nhưng thay vì trên kệ là những món nữ trang kim cương xa xỉ, thì lại là các loại trái cây. Giá của chúng cũng "sang" như cách bày trí của cửa hàng, với 21.000 yên/ trái dưa hấu vuông (khoảng 3.500.000đ), hay 14.000 yên/chùm nho (khoảng 2.300.000đ). Điều lạ lùng hơn cả là những nơi này lúc nào cũng tấp nập người mua, vậy nơi này có sức hút như thế nào?
Được tạo dựng bởi Samurai
Sembikiya-Sohonten từ lâu đã tồn tại ở Nihonbashi, Tokyo, một trong những khu thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Được thành lập vào năm 1834 (năm thứ 5 của thời đại Tenpo), Sembikiya là cửa hàng trái cây lâu đời nhất của Nhật Bản. Hiện thương hiệu có 14 cửa hàng, phần nhiều trong số đó tập trung ở khu vực Tokyo, với cửa hàng chính nằm ở Tháp Nihonbashi Mitsui.
Vào cuối thời kỳ Edo, người dân đã trải qua thời kỳ bất ổn và khó khăn bởi nạn đói do thời tiết khắc nghiệt và giá tiêu dùng tăng cao. Lúc ấy, Samurai Benzo Ohshima, người sau này thành lập Sembikiya nghĩ về khả năng kinh doanh dựa trên các sản phẩm nông nghiệp tại quê hương của mình - thành phố Koshigaya. May mắn thay, Koshigaya vào thời điểm đó có đường thủy để vận chuyển hàng hóa đến Edo, nếu khởi hành từ Koshigaya vào ban đêm, tàu sẽ đến Edo vào sáng sớm hôm sau.
Tin chắc rằng các sản phẩm nông nghiệp từ Koshigaya sẽ được người dân Edo ưa chuộng, Benzo đã mang đào, dưa hấu. và các sản phẩm khác lên thuyền và vận chuyển chúng đến Edo. Cuối cùng, ông đã thành lập một quầy hàng vào năm 1834, nơi khai sinh ra Sembikiya ngày nay. Trước cửa hàng ở Nihonbashi, một tấm biển ghi Mizugashi Yasuuri Dokoro, nghĩa đen là “cửa hàng trái cây giá rẻ” được dựng lên.
Tuy nhiên, đến một thời điểm tình hình buôn bán không khả quan, thế hệ tiếp theo của cửa hàng đã nảy ra ý tưởng sẽ kinh doanh trái cây với giá cao, không còn là cuộc chiến về giá, mà là cuộc chiến về chất lượng. Điều này khiến nhiều người lo ngại vì “trái cây giá rẻ còn không bán được thì trái cây mắc tiền làm sao để tồn tại?”.
Nhưng ngạc nhiên thay, việc kinh doanh này lại phát triển vượt mức tưởng tượng. Cửa hàng bỗng trở nên nổi tiếng vì lúc ấy tại Nhật chưa có cửa hàng nào như vậy, nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem và doanh số bán hàng tăng cao.
Tất nhiên, đi kèm với giá là chất lượng trái cây phải đạt được tiêu chuẩn cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những khách hàng khó tính. Vào thời điểm đó, khi phương tiện vận chuyển và kỹ thuật bảo quản trái cây chưa tiên tiến như ngày nay, việc đảm bảo trái cây đạt chất lượng cao là điều không dễ dàng.
Vì niềm đam mê của công ty với trái cây chất lượng và sự ủng hộ từ các tầng lớp thượng lưu là khách hàng thường xuyên, Sembikiya đã trở thành người cung cấp cho gia tộc Tokugawa cầm quyền. Sau đó, công ty chuyển trọng tâm sang các sản phẩm cao cấp.
Đến năm 1887, họ bắt đầu nhập khẩu trái cây hảo hạng từ nước ngoài, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng sản lượng trái cây trong nước.
Không dừng lại ở đó, người thừa kế thế hệ thứ ba của cửa hàng đã phát hiện ra rằng, khách hàng sau khi mua trái cây để ăn (không phải để tặng) thường thích chọn một chỗ ngồi ngay trong cửa hàng và thưởng thức một vài miếng trước khi rời đi.
Vì vậy, ông quyết định mở nhà hàng trái cây đầu tiên ở Nhật Bản trên cơ sở này, nơi mọi người có thể thưởng thức trái cây ngon và các món tráng miệng trực tiếp trong cửa hàng. Vì vậy, vào năm 1925, cửa hàng cà phê trái cây đầu tiên bên trong các cửa hàng lớn ở Asakusa, Marunouchi và những nơi khác được ra đời. Từ năm 1979, công ty bắt đầu bán rượu trái cây, trái cây đóng hộp và các sản phẩm khác. Năm 2002, cửa hàng nhượng quyền bánh đầu tiên được khai trương.
Phát triển nhờ vào văn hóa tặng quà của người Nhật
Ở Nhật Bản, có một truyền thống văn hóa là tặng quà giữa năm - tháng 7 và cuối năm - tháng 12. Từ xa xưa, người Nhật đã có truyền thống thờ cúng thần linh hoặc tổ tiên của họ hai lần một năm. Trong những thời kỳ này, mọi người sẽ cúng lương thực và cầu mong một mùa màng bội thu.
Mọi người tin rằng chia sẻ thức ăn được dâng trong một ngôi đền với những người khác sẽ đảm bảo mối liên hệ với các vị thần và tổ tiên. Phong tục này dẫn đến một phong tục khác là chia sẻ lễ vật với những người tham gia nghi lễ cũng như các thành viên trong gia đình và những người trong cộng đồng. Sau đó, phong tục tặng quà xuất hiện đối với người thân, người quen, những người đã giúp đỡ hoặc luôn bên cạnh lúc khó khăn.
Đặc biệt sau thời kỳ Minh Trị, nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng, phạm vi quan hệ được mở rộng khi dân số tăng lên, phong tục gửi quà được đẩy mạnh qua TV, báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Đây là một phần lý do tại sao Ochugen và Oseibo (tặng quà giữa năm và cuối năm) đã bén rễ ở Nhật Bản. Con người ngày nay có nhiều lựa chọn về quà tặng và sản phẩm để lựa chọn, bao gồm cả thương mại trực tuyến.
Có thể tình hình sẽ trải qua một sự thay đổi lớn, nhưng có một điều vẫn không đổi: cảm giác biết ơn và quan tâm đến đối phương. Nhiều người hiện nay muốn gửi những món quà được lựa chọn kỹ lưỡng khiến người nhận thấy có giá trị. Theo khảo sát tại những cửa hàng của Sembikiya, khoảng 80% khách hàng của họ mua quà để tặng cho người khác.
Trái cây đạt tiêu chuẩn cao cấp
Tại Sembikiya, không có giá cao nhất mà chỉ có giá cao hơn. Ở mức bình dân, bạn có thể tìm thấy táo Sun Fuji với giá khoảng 15usd mỗi quả và quả hồng với giá 10usd mỗi quả, một chùm nho có giá khoảng 65usd. Có thời điểm, tại cửa hàng chỉ có một trái xoài duy nhất, trồng ở Hokkaido và cực kì hiếm, có thể được bán với giá cao tới 237 đô la.
Nhưng “ngôi sao” tại đây phải kể đến dưa Yubari trị giá nửa tỷ đồng/cặp. Mỗi quả dưa được trồng trên một cây riêng, tất cả các chất dinh dưỡng của cây có thể được chuyển đến một quả duy nhất.
Chúng được trồng trong nhà kính với máy điều hòa không khí và máy sưởi, đội những chiếc "mũ" cao su nhỏ để bảo vệ “da” khỏi bị cháy nắng, và thậm chí còn được nông dân "mát-xa" để làm cho chúng ngọt hơn. Tất cả những điều này dẫn đến những quả dưa tròn, căng bóng hoàn hảo với hương vị vô cùng ngọt ngào, tan ngay trong miệng.
Nhiều người có thể khó hiểu tại sao lại có thể sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đô la cho một quả dưa hoặc xoài đặc biệt ngọt ngào. Tuy nhiên, tại Sembikiya, trái cây hoàn toàn mang một ý nghĩa khác, trở thành một thứ gần gũi hơn với nghệ thuật cả về ý nghĩa văn hóa và trình bày thẩm mỹ của nó.
Vì vậy, mặc dù chuyến đi đến cửa hàng tạp hóa có thể không chính xác nằm trong danh sách tham quan của mọi người khi ở nước ngoài, nhưng Sembikiya có thể là một ngoại lệ nếu bạn muốn thưởng thức những loại trái cây thượng hạng.
kilala.vn
11/10/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận