Thử nghiệm trên động vật: Nhật Bản có đang tụt hậu?
Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang phản đối mạnh mẽ việc thử nghiệm trên động vật thì Nhật Bản dường như vẫn còn giậm chân tại chỗ.
Dù nhiều trường đại học ở Nhật đã bắt đầu tránh sử dụng động vật còn sống cho các thí nghiệm, nhưng có rất ít doanh nghiệp Nhật tiết lộ thông tin về thử nghiệm trên động vật mà họ đang tiến hành, cũng như nhận thức của cộng đồng về vấn đề trên vẫn còn hạn chế.
Tại châu Âu và Hoa Kỳ, quan niệm động vật có quyền được sống đã được chấp nhận rộng rãi và trong những năm gần đây, nhiều công ty công khai phản đối việc sử dụng động vật trong nghiên cứu, phát triển mỹ phẩm cũng như sản phẩm y tế. Liên minh châu Âu còn cấm bán mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật. Trong khi đó, các loài động vật ở Nhật vẫn phải chịu đau đớn và hy sinh cho mục đích làm đẹp, y tế của con người.
Hiện nay, chỉ có 4 doanh nghiệp tại Nhật được biết đến là không thử nghiệm trên động vật và có giấy chứng nhận từ tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA. Tổ chức PETA thường tiến hành các hoạt động điều tra và chứng nhận xem sản phẩm của công ty đã đăng ký có thử nghiệm trên động vật trong quá trình nghiên cứu và phát triển hay không.
Vào năm 2005 chỉ có 500 công ty trên toàn cầu chủ yếu thuộc lĩnh vực mỹ phẩm và chất tẩy rửa được chứng nhận bởi PETA, nhưng con số này đã tăng mạnh vào năm 2022 với 6.000 đơn vị. Hầu hết các doanh nghiệp đều đến từ châu Âu và Hoa Kỳ.
Laila Imai, phát ngôn viên của PETA châu Á dành lời khen cho EU vì đã cấm phân phối mỹ phẩm thử nghiệm trên chuột nhà và chuột cống ở các quốc gia thành viên trong năm 2013.
Thế nhưng, bà cũng chỉ ra có rất ít công ty tại Nhật tiết lộ thông tin về thử nghiệm trên động vật và do vậy: “Rất khó để có được cuộc thảo luận mang tính xây dựng”. Thực tế là số lượng công ty ở Nhật được công nhận bởi PETA đạt chưa đến 0,1%.
Một trong những cái tên tích cực chống lại thử nghiệm trên động vật ở Nhật là Lush, thương hiệu mỹ phẩm được thành lập tại Anh vào năm 1995 và có sản phẩm được bán rộng rãi tại Nhật.
Lush đã tiến hành các cuộc kiểm tra xác nhận độ an toàn của sản phẩm và chỉ sử dụng các thành phần chưa qua thử nghiệm trên động vật. Ở mỗi cửa hàng của Lush, logo “Nói không với thử nghiệm trên động vật” nổi bật trên những chai dầu gội đầu và xà bông nhiều màu sắc.
Một học sinh trung học năm nhất đến mua sắm tại cửa hàng Shinjuku của thương hiệu Lush tại Tokyo chia sẻ rằng bản thân nhận thức được vấn đề thử nghiệm trên động vật qua mạng xã hội: “Tôi nghĩ rằng thật sai trái khi động vật phải hy sinh mạng sống của chúng cho mục đích làm đẹp của con người”.
Trung tâm phát triển và xúc tiến giáo dục về thú y của Đại học Gifu đã quyết định làm theo yêu cầu của sinh viên khi sử dụng video bài giảng và loài bọt biển để thay thế cho sinh vật sống trong suốt quá trình đào tạo về phẫu thuật, và duy trì trong một thập kỷ qua.
Tuy vậy, quyết định trên cũng đồng nghĩa với việc sinh viên gặp khó khăn để có được đầy đủ kỹ năng phẫu thuật, Do vậy, vào tháng 4/2022, thông qua hoạt động huy động vốn cộng đồng, mô hình sinh học đã được đưa vào giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận sát hơn hoạt động phẫu thuật thực tế.
Giáo sư Kazuhiro Watanabe của Đại học Gifu chia sẻ: “Nhận thức của xã hội về động vật đã thay đổi theo hướng cho rằng động vật là gia đình của con người và các bác sĩ thú y cũng đang bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về quyền lợi động vật".
kilala.vn
12/02/2023
Bài: Rin
Nguồn: Kyodo
Ảnh: hsi.org
Đăng nhập tài khoản để bình luận